Tại biên giới Tunisia - Libya

03/03/2011 23:50 GMT+7

Sau khi tiễn chuyến bay đầu tiên của Vietnam Airlines đưa 318 lao động Việt Nam hồi hương lúc 8 giờ 45, chúng tôi trực chỉ cửa khẩu Ras Jedire sau khi một số lao động cho biết vẫn còn nhiều đồng nghiệp của họ vẫn còn kẹt tại đây.

>>  Lộn xộn, nhếch nhác ở khu vực biên giới Tunisia - Libya
>> Ngày 1: Điểm đến đặc biệt - Cairo 
>>
Ngày 2: Hành trình dài đến Tunisia
>> Ngày thứ 3: Chuyến bay đầu tiên cất cánh từ Tunisia

Sau khoảng  2 tiếng rưỡi đồng hồ, chiếc Nissan 7 chỗ đưa chúng tôi đến cửa khẩu sau khi vượt qua nhiều trạm gác. Tình hình an ninh nhìn chung yên ổn.  Trạm gác tuy nhiều, có lính và cả xe bọc thép, song không ai hỏi giấy tờ mà mỗi khi thấy xe chúng tôi đều khoát tay cho đi. Cách cửa khẩu khoảng 3 cây số, một dãy hơn 30 chiếc lều được dựng tạm bằng vải dù, in đậm chữ UNHCR - Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc giúp người tị nạn tạm chống chọi với cái rét về đêm xuống đến dưới 10 độ C.  Cửa khẩu Ras Jedire dần hiện ra với một đám đông khổng lồ, nhốn nháo. Những dãy người tị nạn xếp hàng dài để nhận hàng cứu trợ từ các tổ chức thiện nguyện của Tunisia bao gồm bánh mì (có lúc được kẹp xúc xích), sữa, nước uống đóng chai, cà chua và rau quả,… Không khi tại đây khá lộn xộn và bụi bặm. Quân đội và cảnh sát Tunisia đi tuần xung quanh, nên đám đông dù náo động nhưng vẫn không xảy  ra ẩu đả, cướp bóc. Đảo xe một vòng vẫn không thấy lao động Việt Nam, chúng tôi phải hỏi người các nước khác và họ chỉ ngay địa điểm cần đến.


Phân phát thực phẩm tại cửa khẩu Ras Jedire - Ảnh: Việt Phương 

Khoảng gần 200 lao động Việt Nam đang tập trung ở đây. Qua trả lời phỏng vấn, người bảo đã đến đây 3 ngày 2 đêm, nhưng cũng có người bảo chỉ mới sang đây từ tối hôm qua. Nhìn quanh quất, những hộp sữa loại 1 lít chưa khui, các chai nước suối đóng chai vẫn còn đầy vứt lăn lóc, một lao động đang gặm một ổ bánh mì loại lớn... cho thấy công tác cứu trợ của các tổ chức thiện nguyện Tunisia rất tốt. Nhìn đống rác bên cạnh, tôi thấy nhiều mẩu bánh mì ăn không hết vứt lăn lóc. Lao động tên Lê Xuân Hợp kể: “Bọn em chỉ gặp khó khăn khi rời Tripoli thôi. Lúc đó, cứ khoảng 2-3 cây số lại có một bốt gác của quân đội Chính phủ Libya. Họ lục soát lấy hết đô la Mỹ và tịch thu toàn bộ điện thoại di động màn hình màu, điện thoại đen trắng không bị lấy (có lẽ do không có thẻ nhớ). Do đó anh em phải giấu tiền vào cả các chai dầu gội đầu. Một số thuốc men mang theo cũng bị bọn họ ném đi”.

Anh Hợp cũng cho biết thủ tục qua cửa khẩu Tunisia rất nhanh, chỉ cần trình passport là phía Tunisia cho nhập cảnh. “Nếu các anh ở đây, tối nay thế nào cũng có thêm một chuyến xe nữa đến”. Tất cả đều có chung nguyện vọng mong các cơ quan hữu trách nhanh có biện pháp đưa họ về nước.

Sau hai giờ ở cửa khẩu, chúng tôi trở lại Djerba, lòng đã có thể thở phào nhẹ nhõm. Từng đoàn xe cứu trợ của Tunisia và Liên Hiệp Quốc vẫn nối đuôi nhau đến cửa khẩu, có đoạn kẹt cả đường.  Thức ăn, nước uống đã đầy đủ. Chúng tôi cũng nhác thấy Tổ chức Y tế không biên giới đã có mặt.

Đưa lao động về nước bằng tàu biển

VNA tăng cường thêm 3 chuyến bay sang Tunisia

Chiều qua, tại cuộc họp báo thông tin về tình hình đưa lao động VN tại Libya về nước, ông Đào Công Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho biết dự kiến trong vài ngày tới, sẽ có 1 chuyến tàu biển đưa hơn 1.121 lao động từ Libya về đến cảng Hải Phòng.

Theo ông Hải, tính đến 17 giờ ngày 3.3, đã có 2.742 lao động về đến VN an toàn.

Các đối tác và chủ sử dụng lao động VN đã và đang triển khai đưa 9.751 lao động VN sang các nước láng giềng của Libya như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Malta, Tunisia, Hy Lạp, Algeria… Trong đó, có tổng cộng 8.252 lao động VN đã được sơ tán sang các nước thứ 3 để làm thủ tục về nước.

Cũng trong ngày hôm qua, 5 đoàn công tác VN đã có mặt ở 5 quốc gia láng giềng Libya để giải quyết vấn đề đưa lao động về nước. Hiện vẫn còn gần 400 lao động ở tại Libya, phần đông trong số đó đang làm việc bình thường tại một số vùng an toàn. Tuy nhiên, chủ trương của Chính phủ VN là đảm bảo an toàn cho các lao động nên vẫn phải đưa tất cả các lao động về nước. Đối với những lao động này, VN sẽ phối hợp với tổ chức di cư quốc tế IOM sớm đưa họ sang nước thứ 3 để về VN.

VNA cho biết chuyến bay thứ 2 đi Tunisia đã cất cánh lúc 8 giờ sáng qua 3.3, dự kiến hạ cánh xuống sân bay Djerba lúc 16 giờ địa phương cùng ngày (22 giờ VN). Chuyến bay mang số hiệu VN 6763 từ Djerba về Hà Nội sẽ khởi hành lúc 18 giờ địa phương (0 giờ VN) và sẽ hạ cánh xuống Nội Bài lúc 10 giờ 25 sáng 4.3.

Theo kế hoạch, ngày 4.3, chuyến bay thứ 3 đi Djerba mang số hiệu VN 8682 cũng sẽ xuất phát từ Nội Bài lúc 8 giờ sáng và sẽ trở về Hà Nội vào hồi 10 giờ 25 ngày 5.3.2011.

VNA cũng cho biết, do lượng người lao động VN tại Libya đã có mặt và trên đường sơ tán sang Djerba hiện vẫn tiếp tục tăng lên, nên hãng này sẽ xây dựng phương án thực hiện tiếp 3 chuyến bay đi Djerba vào 8 giờ sáng các ngày 5, 6 và 7.3. Tính đến thời điểm này, tổng số chuyến bay làm cầu nối đưa người lao động ra khỏi vùng nguy hiểm hồi hương mà VNA thực hiện là 7 chuyến (1 chuyến đi Ai Cập và 6 chuyến đi Tunisia). VNA hiện đang làm việc với các hãng hàng không đối tác để thu xếp mua vé, đưa được tối đa người lao động đang ở rải rác tại các nước quanh Libya về nước.

Thu Hằng - Mai Hà

Về nhà

Sáng qua, hơn 300 lao động Việt Nam sau khi sơ tán khỏi Libya đã rời khỏi thành phố Djerba (Tunisia) trên chuyến bay đặc biệt mang số hiệu VN 8687 để hồi hương.

Theo ghi nhận của phóng viên Thanh Niên, cho đến tối 2.3, tại sân bay Zarzis của thành phố Djerba có khoảng 260 lao động Việt Nam đang nằm chờ tại đây. Tuy nhiên, cho đến sáng qua, con số lao động Việt Nam có mặt tại sân bay nhiều hơn vậy, chừng 900 đến 1.000 người. Chuyến bay VN 8687 trước mắt đã đưa được hơn 300 lao động về nước. Số còn lại khoảng 700 lao động đang ở lại để chờ các chuyến bay tiếp theo.

 
Lao động VN xếp hàng làm thủ tục lên máy bay - Ảnh: Việt Phương

Tuy là một sân bay địa phương nhưng Zarzis rất rộng. Hiện có rất đông lao động các nước như Việt Nam, Philippines, Bangladesh... đang tạm trú tại đây để chờ các chuyến bay về nước. Các sảnh chờ được tận dụng tối đa để những người lao động nước ngoài bị kẹt nằm ngủ, để đồ. Một lượng lớn người lao động các nước đang ở sân bay Zarzis xếp hàng chờ đến lượt mình lên máy bay.

Tại một quầy dịch vụ trong sân bay, người ta tận dụng nơi đây làm nơi phát thức ăn, nước uống cứu trợ cho những người bị mắc kẹt. Quầy phát đồ ăn này là do chính người dân Tunisia tình nguyện tổ chức, quyên góp để cứu giúp những người bị mắc kẹt. Người lao động có thể ăn uống bao nhiêu tùy thích bao gồm: bánh mì, phô-mai, súp nui, nước uống, sữa... Khu vực tạm trú của người Việt nằm ở tầng 2 trong sảnh sân bay. Mọi người trải những tấm mền bông ra đất để nằm cho đỡ lạnh trong không khí rét buốt vào ban đêm ở Djerba.

Đến được đất Tunisia là cả một quãng đường dài đối với những lao động Việt Nam. Rất nhiều người kể lại câu chuyện chạy loạn và tất cả đều có những trải nghiệm chung như bị cướp, phải nằm ngoài trời ngay cả khi trời mưa, bị thiếu thốn đồ ăn thức uống. Trong số đó có anh Phạm Văn Thăng, năm nay 21 tuổi. Anh Thăng quê ở Quảng Bình, sang Libya đã gần 2 năm làm thợ sắt. Thời gian chạy loạn từ Libya sang Tunisia mất 1 tuần và đó là khoảng thời gian khó quên của anh. “Sau khi có tin ở thành phố Benghazi có đánh nhau thì mọi việc sản xuất bị tạm dừng”, anh Thăng kể, “Mọi người sau đó được cấp phát lương thực thực phẩm để dự trữ”. Anh Thăng cùng mọi người phải đi hái thêm rau ở ngoài về để cải thiện vì đồ ăn không đủ cho đông người. Đến khi đói quá, không còn đồ ăn nữa, mọi người đành phải ra ngoài bắt chó, mèo về ăn.

Trong số những người mắc kẹt lần này có cả một số du học sinh Việt Nam sang Libya học tiếng Ả Rập. Ba cô gái trong nhóm này được ưu tiên làm thủ tục ra sân bay trước. Vừa kéo va-li ra nơi làm thủ tục, chị Bảo Thị Kolima, quê ở Ninh Thuận, sinh năm 1985 vui cười nói chị cảm thấy rất hạnh phúc. Từ hôm có bất ổn đến giờ chị chưa liên lạc về được với gia đình.

Việt Phương (từ Djerba, Tunisia)

Ngọc Thịnh - Việt Phương (từ biên giới Libya)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.