Kinh doanh phim Việt có dễ... chết? - Kỳ 2: 'Đạp trên số phận'

17/04/2014 10:50 GMT+7

(TNO) Không ít tập thể, cá nhân tâm huyết vẫn miệt mài “đạp trên số phận” để cống hiến những tác phẩm điện ảnh có giá trị cho khán giả trong nước.

(TNO) Phát triển rầm rộ trong hơn chục năm qua, việc đầu tư kinh doanh phim của nhiều hãng sản xuất tư nhân trong nước gặp quá nhiều khó khăn. Tuy nhiên không ít tập thể, cá nhân tâm huyết vẫn miệt mài “đạp trên số phận” để cống hiến những tác phẩm điện ảnh có giá trị cho khán giả trong nước.

>> Kinh doanh phim Việt có dễ... 'chết'? - Kỳ 1: Lận đận… như phim Việt


Phim Thần tượng đại thắng ở Cánh diều 2014, nhưng thua Tèo Em về doanh thu - Ảnh: Thúy Hằng

Đoán được thị hiếu khán giả Việt là chuyện không tưởng

Dù từng thắng hay thua trên thị trường phim trong nước, nhưng phần đông các nhà sản xuất, kể cả những tên tuổi lớn như Hãng phim Việt, BHD, Megastar (nay chuyển thành CGV)… đều nhận định đầu tư phim Việt là ngành kinh doanh cực kỳ khó đoán.

Trước tiên phải kể đến yếu tố tác động chính đến “đầu ra” của bất kỳ dự án kinh doanh nào, đó là khán giả. Nhưng đo lường được thị hiếu của khán giả Việt thì gần như… không tưởng. Đến như đạo diễn có nhiều phim ăn khách nhất hiện nay là Victor Vũ cũng từng khẳng định điều này.

Khi bắt tay vào một dự án phim, các nhà sản xuất chỉ biết uốn nắn ê kíp của mình sao cho có thể ra lò thành phẩm gần với thị hiếu của khán giả trong nước nhất, chứ không ai dám mạnh miệng công bố phim của mình sẽ thắng lớn.

Ví dụ gần đây nhất là “cuộc chiến” giữa một bên là Tèo EmThần tượng. Tèo Em được làm theo thể loại hài hành trình phổ biến của Hollywood với điểm nhấn Thái Hòa và Johnny Trí Nguyễn. Còn Thần tượng làm theo đúng mô típ phim tình cảm giải trí nhẹ nhàng, với dàn diễn viên “long lanh”, kịch bản đánh đúng vào mối quan tâm của đông đảo khán giả trẻ. Phần thắng cách biệt về doanh thu phòng vé thuộc về Tèo Em.

Bên cạnh đó, điều kiện về “phần cứng” để sản xuất phim tại Việt Nam hiện nay vẫn còn rất hạn chế. Đơn cử như việc thiếu một phim trường đúng chuẩn khiến không ít bộ phim phải phụ thuộc hoàn toàn vào hiện trạng của bối cảnh. Một ê kíp làm phim đã phải trở thành “cú đêm” suốt thời gian dài vì để có bối cảnh là một khu chợ sầm uất tại TP.HCM, đoàn phim chỉ được bấm máy từ 21 giờ tối đến 4 giờ sáng hôm sau.

Không ai trong đoàn phim Lửa Phật lại không “nhớ đời” những cơn gió cát bỏng rát, khí hậu oi bức, khắc nghiệt của Bàu Cát (Phan Rang) hay như đạo diễn Lưu Huỳnh buộc phải kéo dài gấp đôi thời gian quay hình cho Lấy chồng người ta vì đột ngột có cơn bão số 1 “ghé thăm” làng nổi La Ngà (Đồng Nai).


Đoàn làm phim Lấy chồng người ta vất vả vì thời tiết - Ảnh: Hãng phim cung cấp

Để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, một số dự án phim phải thuê máy móc, âm thanh, ánh sáng từ nước ngoài, chuyên gia, kỹ thuật viên cũng là “lính đánh thuê”… Cả diễn viên cũng mời từ nước ngoài để tăng độ nóng của bộ phim.

Nhiều yếu tố khách quan tác động gây khó khăn trong quá trình sản xuất phim, khiến kinh phí đầu tư tăng vọt. Đạo diễn Vương Đức cho biết, đây là ngành nghệ thuật rất tốn kém nhưng phải biết tiêu tiền như thế nào cho có hiệu quả. Vì vậy “khẩu hiệu” chung của những người đứng đầu các đơn vị sản xuất là tiết kiệm tối đa.

Chuyên gia hóa trang Lilian Trần từng than thở rằng, để biến NSƯT Thành Lộc trở thành cụ già 70 tuổi cho bộ phim Lời nguyền huyết ngải, cô phải vận dụng nhiều ngón nghề kỹ thuật cao của hóa trang, nhưng nhà sản xuất chỉ yêu cầu trang điểm, gắn râu tóc sao cho già già là được, còn chi phí được cấp thì chỉ đủ mua vật liệu…

Ngoài ra, “nỗi đau” khá lớn của các nhà đầu tư phim Việt hiện nay là chứng kiến 50% doanh thu từ tiền bán vé chảy vào túi của các nhà phát hành - rạp phim lớn hiện nay. Vì vậy, chỉ tính sơ một dự án có chi phí vào khoảng 10 tỉ đồng thì doanh thu ít nhất cũng phải vào khoảng 20 tỉ đồng thì mới gọi là hòa vốn.

Đi tìm công thức chung cho đầu tư phim Việt

Tuy khó khăn là vậy, khó đoán là vậy, nhưng nhìn chung, thị trường phim Việt vẫn đang phát triển mạnh mẽ bởi những nhà sản xuất phim tư nhân đang càng ngày càng chuyên nghiệp hóa và càng “hiểu” thị trường hơn.

Tính đến thời điểm hiện tại, mỗi năm, nền điện ảnh Việt chào đón khoảng 15 - 20 bộ phim mới, trong đó có đến 10 - 15 phim do các nhà sản xuất tư nhân bỏ tiền đầu tư và không ít trong số đó nhận được kết quả kinh doanh khả quan.

Theo chia sẻ của đại diện các nhà đầu tư lớn như Thiên Ngân, BHD, Chánh Phương, EarlyRisers…họ đều sống tốt với việc đầu tư sản xuất và kinh doanh cho thị trường điện ảnh trong nước hiện nay, đồng thời tạo được nền tảng đáng kể cho nhiều dự án lớn sắp tới.

Theo thống kê của hãng phim Thiên Ngân, thị trường điện ảnh tại Việt Nam tăng trưởng hằng năm đến 50%, đạt mốc 520 - 550 tỉ đồng vào năm 2010 và được dự đoán sẽ tiếp tục tăng nhanh ở mức 30 - 50% một năm trong giai đoạn hiện tại.

Để đạt được kết quả ấn tượng trên, mỗi hãng phim - nhà sản xuất đều có một số “chiêu” riêng, cùng những công thức chung "bất thành văn" khi bắt tay vào thực hiện một dự án điện ảnh.

Trong đó, doanh nhân Chung Minh, người từng thành công vang dội với Ngôi nhà trong hẻm, chia sẻ góc nhìn của mình cho một dự án phim hiệu quả là hội tụ đầy đủ các yếu tố kịch bản hay, diễn viên tài năng, ê kíp sản xuất chuyên nghiệp, tổ chức quảng bá, phát hành và thời điểm.

Công thức của Hãng phim Việt được giám đốc - NSƯT Ngọc Hiệp tiết lộ là: Kế hoạch cụ thể + Chung tay hành động + Hành động cụ thể = Sản phẩm được ra trình làng là tác phẩm của thương hiệu, trong đó nhấn mạnh yếu tố về kinh nghiệm, kinh phí, hội nhập…

Hãng phim Chánh Phương quy tụ nhiều nhà sản xuất trẻ, được đào tạo bài bản thì đưa ra những yêu cầu riêng đối với một dự án điện ảnh là chất lượng, quảng cáo và thời điểm, đồng thời đáp ứng được thị hiếu khán giả - thị trường Việt Nam.


Nhà sản xuất Jimmy Nghiêm Phạm (trái) và đạo diễn Charlie Nguyễn - Ảnh: Hãng phim cung cấp

Ngoài ra, với một dự án điện ảnh lớn, nhà sản xuất luôn tìm cách kêu gọi càng nhiều nhà đầu tư, nhiều nguồn tiền càng tốt, nhằm “chẻ nhỏ” thiệt hại nếu có. Theo đó, kinh phí thực hiện một bộ phim không chỉ nằm trong khoản tiền mặt chi phí mà còn tính luôn cả những khoản được tài trợ, hỗ trợ…

Nhà sản xuất Jimmy Nghiêm Phạm cho biết: “Việc thuyết phục vốn đầu tư hoàn toàn không khó, mà khó nhất vẫn là thiết lập dự án làm phim thế nào cho thật hiệu quả về doanh thu, nhưng vẫn bảo đảm yếu tố nội dung và cách thể hiện”.

Bên cạnh đó, nhà sản xuất trẻ tuổi nhưng rất “máu me” cống hiến cho điện ảnh Việt này còn hiến kế rằng hiện nay nước ta đang thiếu rất nhiều nguồn nhân lực cho ngành sản xuất phim, vì vậy, nên đặt chuyên ngành đào tạo sản xuất - kinh doanh phim lên ngang hàng với những chuyên môn khác như diễn viên, đạo diễn, quay phim…

Vì vậy, mặc dù khó khăn luôn chực chờ xung quanh, khả năng gặp “tai nạn” không phải là ít nhưng như đạo diễn Charlie Nguyễn từng chia sẻ trong một buổi nói chuyện với sinh viên rằng anh và ê kíp của mình, cũng như nhiều nhà sản xuất - làm phim khác, vẫn sẽ dấn thân, đeo đuổi các dự án điện ảnh, đặc biệt là những thể loại gai góc, vì đó là đam mê, là tâm huyết… không dễ gì từ bỏ.

Những “cái chết” không phải bởi phim ảnh

Thời gian qua, có rất nhiều thông tin về việc một số nhà đầu tư kinh doanh có tiếng trong ngành điện ảnh phá sản, như trường hợp của Phước Sang, Nguyễn Chánh Tín, Hãng phim Vifa…

Tuy nhiên, giới thạo tin trong làng điện ảnh đều biết rằng, việc thất bại trong các dự án phim chỉ chiếm một phần nhỏ và rất nhỏ đối với những trường hợp làm ăn thua lỗ, dẫn đến nợ nần, phá sản này… mà nguyên nhân chủ yếu là do đầu tư ngành nghề khác như bất động sản, chứng khoán, nhà hàng ăn uống…

Vy Hy

>> Liên hoan phim Việt Nam tại Hàn Quốc 2014
>> Phim Việt sẽ khuấy động thị trường
>> Phim Việt tại LHP quốc tế châu Á Vesoul 2014
>> Phim Việt 'cháy vé' tại LHP Berlin
>> Tìm tiếng nói quốc tế cho phim Việt
>> Liên hoan phim Việt Nam 18: 'Trẻ hóa' Sen vàng
>> 23 phim truyện tham dự Liên hoan phim Việt Nam
>> Nhiều "bom tấn" đổ bộ rạp phim Việt mùa hè
>> Chờ đợi gì phim Việt ?
>> Phim Việt thời thiếu vai để đời: Bỏ phí người tài!
>> Phim Việt thiếu vai diễn để đời

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.