Trung Quốc với bài “mưa dầm thấm đất”

29/11/2012 03:15 GMT+7

Bắc Kinh không chỉ muốn đặt sự đã rồi nhằm thâu tóm biển Đông mà còn cố ý hủy hoại nỗ lực của cộng đồng quốc tế.

Những ngày qua, việc Trung Quốc (TQ) in “đường lưỡi bò” vào hộ chiếu mới của nước này không chỉ hứng chịu sự chỉ trích dữ dội từ các bên tranh chấp tại biển Đông mà còn khiến cộng đồng quốc tế quan ngại. Đây là diễn biến mới nhất sau một chuỗi các hành động của Bắc Kinh nhằm hợp thức hóa bản đồ phi pháp này.

“Tằm ăn dâu”

Trả lời Thanh Niên, chuyên gia Swee Lean Collin Koh, thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (RSIS) ở Singapore, nhận xét: “Đây là một phần trong chiến dịch tổng thể gồm nhiều mũi nhọn của TQ nhằm nhấn mạnh tuyên bố chủ quyền trên biển Đông. Động thái trên chẳng hề lạ, vì trước đó TQ cố thiết lập một số biện pháp hàng hải mới để gây ảnh hưởng nhiều hơn đối với vùng biển tranh chấp”. Quả thực suốt thời gian qua, Bắc Kinh đã tiến hành một loạt hành động phi pháp nhằm gia tăng khả năng kiểm soát trên biển Đông. Điển hình như đơn phương ban hành trái phép lệnh đánh bắt cá trên biển Đông, thiết lập cái gọi là “TP.Tam Sa”, thiết lập trung tâm chỉ huy quân sự cho “TP.Tam Sa”, tiến hành tuần tra hải quân ở vùng tranh chấp trên biển Đông.

Trung Quốc vừa phát hành hộ chiếu mới (bên trái) bên trong có in bản đồ “đường lưỡi bò”
Trung Quốc vừa phát hành hộ chiếu mới (bên trái) bên trong có in bản đồ “đường lưỡi bò”
- Ảnh: Guangzhou Daily
 

Tất cả chiêu thức này nằm trong một chiến lược lâu dài của TQ nhằm từng bước “đặt sự đã rồi”, thiết lập quyền kiểm soát trên biển Đông rồi thâu tóm khu vực này. Đây là điều mà tướng (nghỉ hưu) Daniel Schaeffer thuộc Viện Nghiên cứu châu Á 21 (Pháp) từng đề cập. Trong tham luận trình bày tại Hội thảo Quốc tế về biển Đông lần thứ 4 diễn ra từ ngày 19 - 21.11 ở TP.HCM, ông Schaeffer nhận định TQ tỏ ra sẵn sàng “xuống thang” sau khi đẩy những bất ổn lên cao trào. Tuy nhiên, hành động xuống thang của Bắc Kinh không hề trả mọi thứ về nguyên trạng so với trước đó mà thực chất đã thay đổi theo hướng có lợi cho TQ. Điển hình như việc nước này tăng cường tàu công vụ ở bãi cạn Scarborough rồi tạm rút bớt, tướng Schaeffer cảnh báo: “Khi căng thẳng ở đó (Scarborough - NV) đã xuống thang thì truyền thông quốc tế ngừng quan tâm tới vụ việc và vì các lý do sâu xa, họ khiến cho mọi người tưởng rằng căng thẳng đã chấm dứt. Nhưng kết quả cuối cùng lại có lợi cho TQ, bởi vì sau vụ đụng độ, các tàu cá của Trung Quốc vẫn tiếp tục ở lại”. Theo đó, quan ngại đặt ra là TQ về lâu dài sẽ gần như thay thế toàn bộ hộ chiếu mới, chứ không chỉ 6 triệu tấm như hiện nay, được in bản đồ “đường lưỡi bò”. Khi đó, Bắc Kinh có thể ngụy tạo thêm một bằng chứng phi pháp về chủ quyền của họ trên biển Đông. 

Thay đổi DOC

Không chỉ muốn thay đổi nguyên trạng, xa hơn, những động thái trên của TQ sẽ làm xói mòn các cam kết mà Bắc Kinh đã ký kết với cộng đồng quốc tế, điển hình là Tuyên bố chung về ứng xử các bên ở biển Đông (DOC). Trả lời Thanh Niên, chuyên gia Bonnie Glaser, thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và Chiến lược (CSIS) tại Mỹ, cho rằng việc TQ in “đường lưỡi bò” vào hộ chiếu mới đã vi phạm nguyên tắc của DOC. Bởi hành động trên đã thay đổi nguyên trạng, mà các bên từng cam kết, trên biển Đông.

Không chỉ vi phạm cam kết, Bắc Kinh dường như đang muốn thay đổi cả DOC. Đây là điều mà học giả TQ từng úp mở gần đây. Trả lời phỏng vấn báo chí tại Hội thảo Quốc tế về biển Đông lần thứ 4, Giáo sư Tô Hạo thuộc Đại học Ngoại giao ở Bắc Kinh (TQ) bóng gió đặt vấn đề: “Theo như TQ thì do tình hình (trên biển Đông - NV) đã thay đổi, nguyên trạng không còn được giữ vững, chính vì thế mà chúng ta cần xem lại nhu cầu hình thành COC (Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông - NV). Nguyên trạng đã thay đổi thì liệu chúng ta có cần quay lại điểm xuất phát không”.  

Như thế, TQ dường như không hề có ý định tuân thủ những gì nước này từng cam kết và thậm chí còn muốn đảo ngược nhằm từng bước thâu tóm biển Đông.

Mỹ sẽ nêu vấn đề hộ chiếu với Trung Quốc

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Washington sẽ nêu những lo ngại với Bắc Kinh về bản đồ có “đường lưỡi bò” trên hộ chiếu mới của Trung Quốc gây “căng thẳng và lo âu” giữa các bên tuyên bố chủ quyền tại biển Đông. Website của Bộ Ngoại giao Mỹ dẫn lời phát ngôn viên Victoria Nuland ngày 27.11 phát biểu tại Washington: “Chúng tôi dự định nêu điều này với phía Trung Quốc ở góc độ hành động trên chẳng giúp ích cho cách thức mà tất cả chúng ta tìm kiếm nhằm giải quyết các vấn đề”. Trước đó, bà Nuland khẳng định việc Mỹ đóng dấu lên hộ chiếu mới của Trung Quốc không đồng nghĩa với việc Washington ủng hộ hay thừa nhận “đường lưỡi bò” được in trên đó. Trong khi đó, đài CBS ngày 27.11 dẫn lời Ngoại trưởng Ấn Độ Salman Khurshid tuyên bố việc hộ chiếu mới của Trung Quốc có hình bản đồ gồm 2 khu vực Arunachal Pradesh và vùng Aksai Chin là “không thể chấp nhận”. New Delhi đã đáp trả bằng cách cấp thị thực mới cho khách Trung Quốc có in bản đồ bao gồm đầy đủ các phần lãnh thổ trên.

Trùng Quang

Ngô Minh Trí

>> Mỹ sẽ nêu lo ngại về hộ chiếu “đường lưỡi bò” với Trung Quốc
>> Dân Trung Quốc phản ứng “đường lưỡi bò” trên hộ chiếu
>> Mỹ không công nhận “đường lưỡi bò” trên hộ chiếu Trung Quốc
>> Không đóng dấu vào hộ chiếu có “đường lưỡi bò”
>> Quan ngại về hộ chiếu in “đường lưỡi bò”
>> Ấn Độ trả đũa vụ hộ chiếu Trung Quốc
>> Phản đối Trung Quốc in “đường lưỡi bò” vào hộ chiếu
>> Việt Nam phản đối Trung Quốc đưa “đường lưỡi bò” vào hộ chiếu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.