Chống nạn đua xe: Sức mạnh từ gia đình, tổ dân phố

25/09/2010 15:08 GMT+7

(TNO) Thời gian qua, nạn đua xe trái phép đang "làm mưa làm gió" tại các cung đường ở TP.HCM, ảnh hưởng đến an toàn giao thông và cuộc sống của người dân trên địa bàn. Thượng tá Võ Văn Vân, Phó trưởng Phòng CSGT đường bộ, Công an TP.HCM (ảnh) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Thanh Niên Online.

* Thưa ông, ông có thể giải thích nguyên nhân vì sao sau thời gian tương đối dài tạm lắng, thì gần đây tình trạng đua xe trái phép tại TP.HCM lại hoành hành như thế?

- Thượng tá Võ Văn Vân: Việc này là sự trùng hợp về mặt thời gian: sau thời gian vòng chung kết World Cup 2010 thì lại tới dịp nghỉ hè của các em thanh thiếu niên. Từ đó, các đối tượng có nhiều thời gian hơn để tụ tập đua xe lạng lách, đánh võng hay phá rối đường phố.

* Sở dĩ nạn đua xe không được dẹp triệt để có phải do CSGT TP.HCM vẫn chưa “đánh” quyết liệt, áp dụng các biện pháp xử phạt mạnh tay đối tượng vi phạm để răn đe?

Đồng loạt ra quân dẹp nạn đua xe trái phép
Nạn đua xe tại TP.HCM ngày càng tăng
Không thể "bó tay" trước nạn đua xe
Cung đường "lạnh toát mồ hôi"
"Yêng hùng" xa lộ xé toạc màn đêm

- Thượng tá Võ Văn Vân: Chúng ta rất khó dùng các biện pháp mạnh để trấn áp các đối tượng đua xe này. Bởi vì khó mà xử lý hình sự các đối tượng trên. Nguyên nhân chính là khó tìm ra đối tượng cầm đầu. Hầu hết các nhóm đua xe bộc phát, phần nhiều là các đối tượng “ăn theo” tụ tập lạng lách, đánh võng vào thời gian ban đêm, số lượng vô cùng đông.

Nếu dùng biện pháp mạnh thì chúng tôi hoàn toàn có thể áp dụng được, vấn đề là sợ bắt nhầm không đúng người cầm đầu.

 
Một "yêng hùng xa lộ" biểu diễn giữa phố - Ảnh: Nghĩa Phạm

* Trong Nghị định 34 của Chính phủ vừa ban hành, các mức phạt về các lỗi vi phạm luật an toàn giao thông đều tăng lên rất nhiều, nhưng lại bỏ hình thức giam xe. Ông có nghĩ cần điều chỉnh vấn đề này, nhất là để chống đua xe?

- Thượng tá Võ Văn Vân: Đây là quan điểm của những nhà làm luật. Ngành CSGT chỉ biết thực thi nghiêm túc.

Vấn đề ở đây là lỗi của người điều khiển phương tiện chứ không phải là lỗi của chiếc xe. Đối với những chiếc xe đôn dên, xoáy nòng mà không đưa ra được giấy tờ xe, giấy phép lái xe thì chắc chắn chúng tôi sẽ phải giam xe.

* Đối với những đối tượng tụ tập đua xe lạng lách, vi phạm nhiều lần, chúng ta có thể coi đây là hành vi gây rối an ninh trật tự công cộng để áp dụng mức phạt thích đáng?
 
- Thượng tá Võ Văn Vân: Theo tôi, nếu xác định rõ đối tượng có hành vi gây rối trật tự công cộng, ghi rõ trong biên bản xử phạt, CSGT sẽ lập hồ sơ đưa đi trường giáo dưỡng theo Nghị định 163 của Chính phủ. Đây có thể được coi là một hành vi góp phần làm giảm tệ nạn tụ tập thành đoàn đua xe trái phép, biểu diễn và lạng lách trên đường phố.

Hiện số liệu chi tiết phải nắm từ các quận vì những đơn vị này là người thực hiện, Phòng CSGT đường bộ, Công an TP.HCM chỉ là đơn vị lập hồ sơ.

* Phương tiện để các đối tượng tụ tập đua xe gây rối đều là xe độ. Vậy Phòng CSGT đường bộ, Công an TP.HCM có biện pháp kiểm tra, xử phạt các cửa hàng “độ xe” này không, thưa ông?

- Thượng tá Võ Văn Vân: Việc kiểm tra, xử phạt các cửa hàng này là trách nhiệm của chính quyền ở địa phương. Lực lượng CSGT TP.HCM chỉ xử phạt các loại xe này khi xe lưu thông trên đường phố với các biểu hiện vi phạm.

Theo tôi được biết, hình như đến nay, chúng ta chưa từng xử phạt bất cứ cửa hàng “độ xe” nào.

 
Đoàn đua tụ tập lên đến hàng trăm người chạy tán loạn khi CSGT đuổi bắt - Ảnh: Nghĩa Phạm

* Việc thanh niên tụ tập đua xe trái phép không phải là mới. Ban An toàn giao thông TP.HCM, Phòng CSGT đường bộ Công an TP.HCM cũng đã đề ra nhiều biện pháp chống đua xe. Nhưng ông có nghĩ hình như hiệu quả vẫn chưa đạt như mong muốn?

- Thượng tá Võ Văn Vân: Theo tôi, lí do chính là chúng ta tuyên truyền còn yếu, chưa sâu và chưa đúng đối tượng cần đến.

Ngoài ra, công tác phối hợp giữa các ban ngành, các cấp có liên quan cũng chưa đạt yêu cầu. Nhận thức về vấn đề này ở một số ngành cũng chưa đúng vì cứ nghĩ rằng chống đua xe là nhiệm vụ của CSGT chứ không cho rằng đây là vấn nạn chung. Muốn dẹp nạn đua xe cần sự chung sức của toàn xã hội.

* Như vậy, biện pháp chống đua xe nào ông cho là sẽ đạt hiệu quả trong tình hình hiện nay?

- Thượng tá Võ Văn Vân: Ở đây, chúng ta có thể sử dụng hai biện pháp phòng chống là phòng ngừa xã hội và phòng chống nghiệp vụ.

Phòng ngừa xã hội có thể kể đến là kiểm điểm, giáo dục, đưa thông tin về cho cơ quan, xí nghiệp, trường học, địa phương mà đối tượng đua xe đang cư trú, làm việc.

Còn phòng chống nghiệp vụ là CSGT sẽ tập trung lực lượng, nắm bắt lịch trình hoạt động của các nhóm đua xe. Song song đó, chúng ta sẽ tăng cường tuyên truyền về hậu quả của việc đua xe, tụ tập trái phép vào ban đêm, gây rối trật tự an ninh đường phố.

Nếu kết hợp cùng lúc cả hai biện pháp trên thì hy vọng nạn đua xe sẽ được kéo giảm.

Vừa qua, TP.HCM là địa phương duy nhất trong cả nước áp dụng thí điểm đưa các đối tượng đua xe, gây rối trật tự giao thông ra kiểm điểm trước tổ dân phố. Đã có bốn cuộc kiểm điểm như thế được tổ chức. Trong đó, Q.Bình Thạnh có hai cuộc.

Biện pháp này đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Khi bị quần chúng nhân dân trong tổ lên án, kịch liệt phản đối, gia đình của các đối tượng đua xe cũng sẽ tăng cường giáo dục con em, quản lý phương tiện, thời gian của con em mình tốt hơn.

Chúng ta đang cần sức mạnh từ cơ sở, từ chính từng hộ gia đình, từng tổ dân phố để ngăn ngừa tệ nạn này hiệu quả.

* Xin trân trọng cám ơn ông!

Nguyên Mi
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.