Làm lộ bằng trấu

28/09/2012 13:28 GMT+7

Người dân ở xã Tích Thiện và Lục Sĩ Thành (H.Trà Ôn, Vĩnh Long) có cách làm lộ nông thôn rất độc đáo: dùng xi măng trộn với cát, trấu. Cách làm này tiết kiệm chi phí mà độ bền cũng không thua kém lộ làm bằng bê tông hay lộ nhựa.

Giảm gần 2/3 chi phí

Con lộ ở ấp Kinh Ngay (xã Lục Sĩ Thành)  dài 1,2 km, ngang 2 m, độ dày 7 cm dành cho xe 2 bánh vừa được khánh thành khiến người dân nơi đây mừng khôn xiết. Điều đặc biệt là con lộ này được làm từ 1.423 bao xi măng, 265 khối cát và… 5 tấn trấu, chứ không phải từ đá và sắt. Ông Nguyễn Tấn Tân, Phó Chủ tịch UBND xã Lục Sĩ Thành, cho biết ông đã được đi tham quan các con lộ làm từ trấu ở xã Tích Thiện và Phú Thành, nên đã rút ra được nhiều kinh nghiệm khi làm lộ ở địa phương mình, như: lót lớp bạt rồi mới đổ xi măng lên để xi măng không thấm xuống đất, sử dụng cát núi chứ không dùng cát cồn…Để kéo giảm chi phí, xã chỉ thuê 2 chiếc máy trộn bê tông, còn nhân công thì huy động trong dân. Hằng ngày, đích thân ông Tân đến kiểm tra việc trộn hồ. Ông Tân bày tỏ: “Mình phải đi kiểm tra thường xuyên, không thôi thợ trộn không đúng kỹ thuật, đường sẽ không bền. Mỗi lần trộn như vậy là theo tỷ lệ: nửa bao xi măng (loại 50 kg), 3 thùng cát, 3 thùng trấu”.

 Nhìn con lộ thẳng tắp như thế này tại xã Lục Sĩ Thành không ai nghĩ rằng nó được làm từ trấu
Nhìn con lộ thẳng tắp như thế này tại xã Lục Sĩ Thành không ai nghĩ rằng nó được làm từ trấu
- Ảnh: Nguyễn Đức

Theo tính toán, 1m2 lộ dạng này chỉ tốn 100.000 đồng, trong khi với lộ đan bê tông phải mất 300.000 đồng/m2. “Tổng cộng chi phí cho con lộ ấp Kinh Ngay chỉ mất 232 triệu đồng; trong khi nếu làm lộ bê tông sẽ tốn từ 600-700 triệu đồng. Như vậy con lộ làm bằng trấu tiết kiệm gần 2/3 chi phí”, ông Tân hồ hởi.

“Tuy nhiên, trước khi làm phải ngâm trấu trước 1 ngày, như vậy khi trộn thì trấu, xi măng, cát mới dính lại. Nếu không sẽ tốn rất nhiều nước và đạt độ kết dính không theo ý muốn”, ông Nguyễn Thanh Nhã, Bí thư Đảng ủy xã Tích Thiện cho biết thêm.

Đáp ứng cho nông thôn mới

Được dịp tham quan con lộ “không xương” tại ấp Kinh Ngay, chúng tôi hết sức ngạc nhiên khi con lộ làm từ trấu nhưng thẳng tắp, mặt lộ không chút gồ ghề, lại có màu trắng sáng. Bà Lê Thị Ơn cho biết: “Trước kia muốn đi
chợ hay qua nhà hàng xóm, tôi phải đi vòng con đường cặp mé sông. Từ khi có con lộ này, dân ở đây ai cũng phấn khởi, quán xá mọc lên, xe cộ chạy tấp nập, nhà vườn thuận tiện chở cây trái ra chợ”. Theo ông Tân, nếu con lộ trấu này có bị hư hỏng thì chỉ cần trám lại, chứ không như lộ bê tông, khi bị bong tróc sẽ hư lớp sắt bên dưới, xe cộ rất khó lưu thông. Ông Lê Văn Cẩm (81 tuổi, ngụ ấp Kinh Ngay) là người phản đối kịch liệt cách dùng trấu làm lộ, ngay từ khi UBND xã Lục Sĩ Thành họp dân lấy ý kiến. Nhưng khi con lộ làm xong, đem búa ra… đập thử, ông Cẩm mới thán phục cách làm của lãnh đạo xã. “Qua kinh nghiệm, tôi dám khẳng định con lộ này sử dụng được trên 10 năm”, ông Cẩm nói.

 Lớp trấu khô được trộn chung với xi măng và cát
Lớp trấu khô được trộn chung với xi măng và cát - Ảnh: Nguyễn Đức

Xã Tích Thiện cũng là địa phương áp dụng cách làm lộ từ trấu. Qua 2 năm đưa vào sử dụng, đoạn lộ dài 600 m, ngang 1,4 m làm từ trấu của xã này không hề bong tróc. Ông Nhã nói: “Khi làm xong con lộ, nhiều người dân đã hỏi tôi cách làm rồi về họ cũng dùng xi măng, cát, trấu để tráng sàn nước, sân nhà. Sắp tới xây dựng xã nông thôn mới, có tiêu chí người dân tự làm thì UBND xã sẽ áp dụng cách làm lộ này vì tiết kiệm chi phí rất lớn”. Còn ông Tân thì khẳng định: “Làm lộ từ trấu rất phù hợp cho những tuyến lộ nội ấp và phù hợp với tiêu chí nông thôn mới. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ vận động nguồn lực trong dân, mạnh thường quân và nguồn quỹ của xã để tiếp tục xây dựng những con lộ nông thôn theo cách này để người dân đi lại được thuận tiện”. Được biết, UBND H.Trà Ôn cũng khuyến khích các xã khác trong huyện học tập mô hình làm đường từ trấu của xã Lục Sĩ Thành, Tích Thiện để áp dụng cho địa phương mình.  

Nguyễn Đức

>> Làm đường giao thông nông thôn
>> Xây mới hơn 2.400 km đường giao thông nông thôn trong Tháng thanh niên
>> Gần 100 triệu USD cho giao thông nông thôn
>> Hậu Giang tập trung phát triển giao thông nông thôn
>> Tặng cầu giao thông nông thôn
>> Giao thông nông thôn
>> Cụ Túc đã bắt đầu làm đường bê tông
>> Đường đã tráng bê tông
>> TP.HCM: Đầu tư nhiều tuyến đường bằng bê tông xi măng
>> Công nghệ bê tông dành cho biển đảo
>> Khu di tích Mỹ Lai đang bị bê tông hóa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.