Giao thông nông thôn

26/07/2009 00:04 GMT+7

Các dự án xây dựng đường giao thông nông thôn (GTNT) ở nước ta có cơ cấu vốn gồm khoảng 70-80% vay quốc tế (như Ngân hàng Thế giới, Bộ Phát triển quốc tế Anh quốc...) và 20-30% vốn đối ứng của Chính phủ.

Trong những năm qua, từ các nguồn vốn trên, cả nước đã đầu tư bình quân khoảng 1 tỉ USD mỗi năm cho GTNT và chắc chắn sẽ còn cao hơn trong những năm tiếp theo.

Tuy vậy, theo Bộ Giao thông vận tải, sau khi kết thúc dự án GTNT 2 trên cả nước vẫn còn tới hàng trăm xã chưa có đường giao thông cơ bản. Do nguồn kinh phí phân bổ không đồng đều, và những khó khăn trong việc huy động sự đóng góp của cộng đồng, nhiều xã đã xây dựng đường giao thông bằng bê tông mấy năm qua nhưng chỉ gói gọn ở các trục đường chính.

Theo nghiên cứu của nhóm nghiên cứu Chương trình tiếp cận cộng đồng Đông Nam Á (SEACAP 15) về đánh giá kết quả các dự án GTNT ở Việt Nam, sự đóng góp tiền của của người dân cho xây dựng GTNT tại tỉnh như Phú Thọ là 40 ngàn đồng/người/năm và tại Vĩnh Long là 400 ngàn đồng/một công ruộng (1.000m2). Những mức đóng góp như vậy là không nhỏ đối với các hộ nghèo. Thế  nhưng nhóm nghiên cứu còn ghi nhận là “không có một cơ chế cụ thể về sự tham gia của cộng đồng trong lĩnh vực GTNT; các ý kiến của người dân chỉ dừng lại ở chỗ xác định tuyến đường trong khi nhiều vấn đề khác như thủy văn, ngập lụt hoặc công tác bảo dưỡng đường vẫn chưa có”. SEACAP 15 đưa ra các kinh nghiệm ở Philippines và Thái Lan và cho rằng, nếu có một bộ phận chuyên môn về giao thông ở cơ sở thì mạng lưới GTNT sẽ được quản lý và giám sát tốt hơn.

Đến địa phương có thành tích rất tốt về xây dựng GTNT như Quảng Nam, người viết vẫn nhận thấy ý kiến của nhóm nghiên cứu trên là xác đáng. Nhiều nơi tại địa phương này không nghiên cứu kỹ cấu tạo nền đất, dòng chảy nên khi có lũ đã bị sạt lở hoặc sập nhiều đoạn. Không nghiên cứu độ cao chuẩn nên có nơi đường bê tông cấp thôn, xã bị ngập nước khi đường nhựa cấp huyện, liên xã xây dựng sau có nền cao hơn. Không tính toán vấn đề thoát nước nên đường không có lề, không có cống thoát; thậm chí nơi có lề bị lạm dụng đổ chất thải cao hơn mặt đường...

Bên cạnh đó, quỹ bảo dưỡng GTNT hiện là một con số không ở nước ta, mà ai cũng biết do không được bảo dưỡng, việc đầu tư xây dựng lại về sau sẽ hết sức tốn kém.

Việc liên hệ lại cơ cấu nguồn vốn cho GTNT nêu trên - cả phần vay quốc tế phải trả nợ trong tương lai và cả phần đóng góp không nhỏ của người dân - để thấy rằng việc  xây dựng GTNT hiện nay còn nhiều tồn tại cần khắc phục ngay, vừa là  bài học kinh nghiệm cho những dự án tiếp theo, vừa tránh gây ra  những hậu quả nặng nề cho kinh tế-xã hội.

Trương Điện Thắng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.