Trăm năm đờn ca tài tử

Hậu duệ và thế hệ kế thừa của nhạc sư Lê Văn Tiếng

Hà Đình Nguyên
Hà Đình Nguyên
05/12/2023 07:29 GMT+7

Vào những năm cuối đời, nhạc sư Lê Văn Tiếng đi ngao du rồi mất tích. Tuy nhiên những gì ông để lại cho hậu thế thật đáng quý, bên cạnh những bài bản, tư liệu, phương pháp truyền dạy đờn ca tài tử còn có những hậu duệ và thế hệ kế thừa tài năng.

Như đã kể, đầu năm 2023, tiến sĩ Nguyễn Lê Tuyên hẹn người viết tại đường sách Nguyễn Văn Bình (Q.1, TP.HCM) để trao tặng bản sao một số tác phẩm của nhạc sư Lê Văn Tiếng mà anh đã phát hiện ở Thư viện Quốc gia Pháp (tháng 7.2011). Một lát sau, có 2 nhân vật nổi tiếng khác đến ngồi chung bàn. Đó là thạc sĩ văn hóa - đạo diễn Hữu Luân (nguyên Giám đốc Nhà hát TP.HCM) và thạc sĩ Huỳnh Khải (nguyên Trưởng khoa Âm nhạc dân tộc Nhạc viện TP.HCM). Dù chúng tôi đã từng quen biết nhau, anh Nguyễn Lê Tuyên vẫn giới thiệu: "Đây là những hậu duệ của nhạc sư Lê Văn Tiếng. Anh Hữu Luân là hậu duệ huyết thống, còn anh Huỳnh Khải là thế hệ kế thừa".

Hậu duệ và thế hệ kế thừa  của nhạc sư Lê Văn Tiếng - Ảnh 1.

Đạo diễn Hữu Luân (trái) và thạc sĩ Huỳnh Khải

H.Đ.N

Anh Hữu Luân cung cấp cho chúng tôi những tư liệu về dòng họ của anh. Theo đó, ông Lê Văn Tiếng có vợ là Trần Thị Bạch, họ chỉ có một con trai là Lê Hữu Trí. Ông Trí lấy bà Nguyễn Thị Sáu sinh được 6 người con (trong đó có 3 con trai là Lê Hữu Độ, Lê Hữu Lượng và Lê Hữu Đức). Ông Lê Hữu Độ (cháu đích tôn) là cha của Hữu Luân (tên thật là Lê Hữu Luận).

Hiện nay người trực tiếp coi sóc từ đường, thờ cúng nhạc sư Lê Văn Tiếng là ông Lê Hữu Đức (ở số 77 KA ấp Vàm Kinh, xã Bình An, H.Thủ Thừa, Long An) - cháu nội nhạc sư. Ông Lê Hữu Đức cho biết: "Ông bà nội tôi chỉ có một người con là cha tôi. Tôi là con út nên thờ phụng ông bà. Tôi nghe cha kể ông nội viết văn, chơi đờn ca tài tử và thường xuyên đi xa nhà. Những thành tựu ông nội đạt được trước đây tôi không hề biết, cho đến khi có người đến nhà tìm hiểu thông tin về ông thì tôi mới rõ. Tôi tự hào lắm vì ông nội là người có tài… Chúng tôi cũng được thừa hưởng từ ông niềm đam mê nghệ thuật. Trong dòng họ có một người cháu cố hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, còn tôi và con gái cũng từng tham gia sân khấu không chuyên và phong trào văn nghệ quần chúng tại Long An và TP.HCM". "Người cháu cố hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp" mà ông Đức nhắc tới chính là thạc sĩ Hữu Luân.

Hậu duệ và thế hệ kế thừa  của nhạc sư Lê Văn Tiếng - Ảnh 2.

Bìa bản in vở tuồng cải lương Cửu Nhĩ mạo Châu Kỳ do nhạc sư Lê Văn Tiếng soạn, in tại Sài Gòn năm 1927

H.Đ.N CHỤP LẠI

Hữu Luân tâm sự: "Có lẽ nhờ thừa hưởng cái "gien" của ông cố nên Hữu Luân được bà con vùng ĐBSCL yêu mến qua chương trình Tuyển chọn giọng ca cải lương hàng tuầnBông lúa vàng của Đài phát thanh TP.HCM (VOH) suốt 30 năm". Cùng với quá trình 20 năm làm việc ở Nhà hát Thành phố (trên cương vị giám đốc), Hữu Luân đã được trao tặng Huân chương Lao động hạng ba (năm 2016) để ghi nhận những đóng góp cho nghệ thuật của anh.

Hữu Luân còn chụp gửi cho chúng tôi một bức thư của cha anh (Lê Hữu Độ) như sau:

"TP.HCM ngày 15.8.2012 (nhằm ngày 28.6 Â.L). Nhân sắp đến ngày giỗ ông nội của ba là ông Lê Văn Tiếng, ba ghi ra đây vài chi tiết để tưởng nhớ đến ông nội của ba, là ông cố của tụi con. Ông cố của ba tên Lê Văn Lãnh, bà cố tên Nguyễn Thị Dần sanh ra con trai thứ tư là ông Lê Văn Phụng và thứ bảy là Lê Văn Tiếng.

Ông Lê Văn Tiếng cưới bà Trần Thị Bạch sanh một người con trai nhưng chết sớm. Ông nội tụi con thứ ba nhưng thường được gọi là Hai Trí… Đặc biệt ông nội của ba là Lê Văn (Tiếng) nhưng khi sanh con là Lê Hữu Trí (ông nội đặt tên lót chữ Hữu). Khi bà nội tụi con sanh ba, ông nội gởi thư vào (vì lúc đó ông không ở chung với bà) và đặt tên ba là Lê Hữu Độ, sanh ngày 6.7.1937. Từ đó về sau ba đặt tên tụi con là Lê Hữu Luận, Lê Hữu Hạnh, Lê Hữu Từ, Lê Hữu Dụng và Lê Hữu Huy. Má con tên Nguyễn Kim Liêng nên con gái ba đặt là Lê Thị Kim Phượng, Lê Thị Kim Lệ, Lê Thị Kim Hồng và Lê Thị Kim Oanh.

Vì chiến tranh, ông Lê Văn Tiếng mất tích từ năm 1945 tại Bến Tre (khi sư ông Nhất Hạnh về Việt Nam có lập đàn trai chẩn tế, cầu nguyện, ba có ghi tên cầu nguyện trong dịp này. Vì không biết ngày ông mất nên ông Lê Hữu Trí coi ngày và thầy định ngày 18.7 Â.L là ngày giỗ của ông Lê Văn Tiếng...".

Theo anh Hữu Luân, mỗi năm cứ đến ngày giỗ nhạc sư Lê Văn Tiếng thì lễ cúng kỵ được tổ chức ở cả 2 nơi: Long An (nhà ông Lê Hữu Đức) và ở số 69/8 Cao Thắng, P.3, Q.3

(TP.HCM), nơi con cháu ông Lê Hữu Độ quây quần về…

Bên cạnh đó, nhạc sư Lê Văn Tiếng còn có những thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ đờn ca tài tử và cải lương kế thừa khắp vùng Chợ Lớn - Long An, rất nhiều người nổi tiếng như: nghệ nhân nhân dân Đặng Quất Vân, nghệ nhân ưu tú Tấn Khoa, nghệ nhân dân gian Trung Học, NSƯT Mỹ Châu, NSƯT Huỳnh Khải, nhạc sư Ba Tu, các nghệ sĩ Hai Biểu, Văn Vĩ, Minh Vương, Út Bạch Lan…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.