Trăm năm đờn ca tài tử: Nhạc sư Ba Đợi hệ thống hóa bài bản

Hà Đình Nguyên
Hà Đình Nguyên
04/12/2023 07:04 GMT+7

Cầm ca tân điệu là quyển sách làm nền tảng cho sự định hình và phát triển của đờn ca tài tử Nam bộ, còn người đi tiên phong dẫn dắt loại hình nghệ thuật này chính là nhạc quan Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi)…

Nhạc sư Nguyễn Quang Đại quê ở xã Hải Quế, H.Hải Lăng, Quảng Trị. Ông sinh năm Mậu Ngọ 1855, năm mất chưa rõ. Ông là nhạc quan ở triều đình Huế vào cuối thời vua Tự Đức. Khi vua Hàm Nghi xuất bôn (1885), hưởng ứng phong trào Cần Vương, ông tìm vào phương Nam và đem "nhạc Lễ" cung đình truyền dạy cho các học trò khắp các vùng thuộc miền Đông Nam bộ (Biên Hòa, Sài Gòn, Chợ Lớn, Cần Đước, Cần Giuộc, Tân An…). Rất nhiều học trò của ông về sau trở thành những nghệ nhân, nhạc sư nổi tiếng. Ông cũng là người có công đầu trong việc hệ thống hóa các bài bản của bộ môn đờn ca tài tử (ĐCTT).

Cuộc họp lịch sử

Vào khoảng thời gian đầu thế kỷ 20, do nhận thấy các bài bản do những "thầy đờn", nghệ nhân ĐCTT ở các địa phương có những dị bản, không thống nhất nên nhạc sư Ba Đợi (do dân Nam bộ kiêng tên húy của ông mà gọi chệch đi) đề xuất một cuộc họp các thầy đờn của các nhóm miền Đông và miền Tây, tại nhà ông Tư Trì ở xóm Nhà Dài (xã Tân Lân, Q.Cần Đước, tỉnh Chợ Lớn) để đi đến thống nhất hệ thống hóa các hơi điệu căn bản của nhạc tài tử Nam bộ. Có mặt trong buổi họp quan trọng này, nhạc sư Lê Văn Tiếng đã ghi lại đầy đủ chi tiết để sau này cùng với nhạc sư Trần Phong Sắc hợp soạn cuốn Cầm ca tân điệu - được giới nghệ nhân hậu bối xưng tụng là "bí kíp gối đầu giường" của giới ĐCTT.

Trăm năm đờn ca tài tử: Nhạc sư Ba Đợi hệ thống hóa bài bản  - Ảnh 1.

Bàn thờ nhạc sư Nguyễn Quang Đại tại đình Vạn Phước (H.Cần Đước, Long An)

H.Đ.N

Với tác phẩm Cầm ca tân điệu, nhạc sư Lê Văn Tiếng đã ghi lại một cách có hệ thống các bài bản của ĐCTT và nâng tầm loại hình giải trí bình dân này trở thành một loại hình nghệ thuật hàn lâm. Từ cuộc họp do nhạc quan Ba Đợi chủ trì, các bài bản được thống nhất như sau:

20 bản Tổ gồm: 6 bài Bắc (Lưu thủy, Phú lục, Bình bán chấn, Xuân tình, Tây Thi, Cổ bản), 3 bài Nam (Nam xuân, Nam ai, Đảo ngũ cung - còn gọi là Nam đảo), 4 bài Oán (Tứ đại, Phụng cầu, Phụng hoàng, Giang nam), 7 bài lớn (Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Vạn giá, Tiểu khúc - còn gọi là Thất chánh). 20 bản Tổ này lại chia thành 4 (theo giai điệu): 6 bài Bắc có tiết điệu vui tươi (Xuân nhạc), 7 bài lớn: tiết điệu tức tưởi như uất hận, bứt rứt nóng nảy (Hạ nhạc), 3 bài Nam: tiết điệu có bài thơ thới, có bài lại trầm buồn, có bài lại hăng say, trầm bổng, tượng trưng cho mùa thu (Thu nhạc) còn 4 bài Oán có tiết điệu buồn thảm, thê thiết, lâm ly (Đông nhạc).

Theo các nhà nghiên cứu thì điệu Bắc và điệu Nam vốn có từ trước, riêng âm nhạc Nam bộ có thêm điệu Oán. Ngoài 4 bản Oán kể trên, còn có nhiều bản Oán khác ra đời sau đó, như bản Dạ cổ hoài lang mà từ đó hình thành nên bản Vọng cổ đều mang điệu thức Oán… Nhiều người cho rằng, chính nhạc sư Nguyễn Quang Đại là người sáng tạo ra điệu Oán. Bài Tứ đại oán là hậu thân của Tứ đại cảnh miền Trung do ông biến cải thành một bản nhạc tiêu biểu của hơi Oán.

Sống tài hoa, chết cô quạnh

Trong giới nghệ nhân, nghệ sĩ ĐCTT Nam bộ xem Nguyễn Quang Đại là bậc kỳ tài trên nhiều lĩnh vực như nhạc thính phòng cung đình Huế; nhạc lễ trong quan, hôn, tang, tế; nhạc sân khấu hát bội và ĐCTT Nam bộ. Không chỉ truyền dạy ngón đờn mà ông còn sáng tác nhiều bài bản như bộ "Ngũ Châu miền Đông", "Tám bản ngự" để nghinh đón vua Thành Thái, khi vua vào Sài Gòn ngày 4.12.1897. Tám bài ấy gồm Đường Thái Tôn, Chiêu Quân, Vọng phu, Tương tư, Duyên kỳ ngộ, Bắc man tấn cống, Ái tử kê Quả phụ hàm oan.

Là một nhạc sư đầy tài năng và đức hạnh song khi qua đời, Nguyễn Quang Đại lại ở trong hoàn cảnh nghèo nàn túng quẫn. Quan tài của ông do một chiếc xe ngựa chở cá chở vào vùng mả hoang miệt Bình Đông, Rạch Cát (nay thuộc Q.8, TP.HCM). Tới nay thì mồ xiêu mả lạc. May mắn thay, nhạc sư Nguyễn Văn Thinh (1907 - 1991), cựu Giáo sư Trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn có ghi ngày mất của ông là ngày 19 tháng giêng (nhưng lại không ghi năm mất).

Trước năm 1975, tên tuổi nhạc sư Nguyễn Quang Đại gần như đã bị quên lãng. Mãi đến ngày 19 tháng giêng (âm lịch) năm 1994, CLB Ca nhạc tài tử và Nhà văn hóa Q.8 (TP.HCM) mới lần đầu tiên đứng ra tổ chức lễ cúng giỗ cho cụ Nguyễn Quang Đại long trọng và linh vị của cụ được thờ tại Nhà văn hóa Q.8. Đến năm 1996, linh vị của cụ được Sở VH-TT tỉnh Long An rước về thờ vĩnh viễn tại đình Vạn Phước (xã Mỹ Lệ, H.Cần Đước). Cụ Ba Đợi được tôn là Hậu Tổ của loại hình ĐCTT Nam bộ và ngày giỗ của cụ (19 tháng giêng âm lịch) tại đình Vạn Phước đã trở thành lễ hội truyền thống ĐCTT của toàn miền Nam suốt 27 năm qua. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.