Trăm năm đờn ca tài tử: Nhạc sư, soạn giả, doanh nhân Lê Văn Tiếng

Hà Đình Nguyên
Hà Đình Nguyên
01/12/2023 07:16 GMT+7

Hiện nay rất ít tư liệu nói về 2 nhạc sư Lê Văn Tiếng và Trần Phong Sắc - những người đã có công lớn trong buổi đầu phát triển đờn ca tài tử. Trong quá trình tìm kiếm, người viết may mắn được gặp nhà nghiên cứu Võ Trường Kỳ và nghệ sĩ Nguyễn Công Toại (Long An) và được cung cấp một số thông tin.

Nghệ nhân nhạc sư Lê Văn Tiếng (tự Cử Thiện), sinh năm 1889 tại xã Bình Phong Thạnh, quận Thủ Thừa, tỉnh Tân An (nay thuộc xã Bình An, H.Thủ Thừa, Long An). Ông lớn lên trong một gia đình trí thức Nho học, nhưng có tư tưởng duy tân, nên sớm tiếp cận nền văn minh phương Tây. Trên nền tảng tri thức văn hóa truyền thống, ông hưởng ứng mạnh mẽ phong trào yêu nước, bảo vệ văn hóa nghệ thuật dân tộc, tích cực truyền bá quốc ngữ vào những năm đầu thế kỷ 20.

Trăm năm đờn ca tài tử: Nhạc sư, soạn giả, doanh nhân Lê Văn Tiếng - Ảnh 1.

Hậu duệ của Lê Văn Tiếng và Trần Phong Sắc (giữa, cầm hoa) trong lễ công bố quyết định truy tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian cho hai nhạc sư năm 1996

Hữu Luân

Với vốn hiểu biết sâu rộng và niềm đam mê các loại hình nghệ thuật cổ truyền như: hát bội, đờn ca tài tử, cải lương, ông đã dày công sưu tầm, biên soạn bài bản đờn ca tài tử Nam bộ và cùng với người anh ruột là nghệ nhân nhạc sư Lê Văn Phụng truyền dạy bộ môn nghệ thuật dân gian này cho các thế hệ nghệ nhân, nhạc sĩ hậu bối ở khu vực Thủ Thừa, Tân An và các vùng phụ cận.

Trăm năm đờn ca tài tử: Nhạc sư, soạn giả, doanh nhân Lê Văn Tiếng - Ảnh 2.

Di ảnh nhạc sư Lê Văn Tiếng

Tư liệu

Khoảng đầu năm 1920, nghệ nhân nhạc sư Nguyễn Quang Đại đã chủ trì cuộc họp với các nghệ nhân nhạc sĩ tên tuổi cả hai khu vực Đông, Tây Nam bộ tại xóm Nhà Dài, xã Tân Lân, quận Cần Đước, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc xã Tân Lân, H.Cần Đước, Long An), thống nhất hệ thống hóa các hơi điệu căn bản của nhạc tài tử Nam bộ và sắp xếp bài bản thành hệ thống 20 bản Tổ gồm: 3 Nam, 6 Bắc, 7 Bắc Lễ và 4 Oán. Nghệ nhân nhạc sư Lê Văn Tiếng đã sưu tập đầy đủ thông tin kết quả của cuộc họp quan trọng này.

Để bảo tồn và nâng cao hiệu quả phương pháp truyền dạy, cũng như phổ biến rộng rãi bộ môn đờn ca tài tử và sân khấu cải lương, đồng thời đẩy mạnh phong trào truyền bá quốc ngữ, nghệ nhân nhạc sư Lê Văn Tiếng đã cùng với nghệ nhân - soạn giả - nhà giáo Trần Phong Sắc hợp soạn quyển Cầm ca tân điệu xuất bản năm 1926 tại Sài Gòn. Trong quyển sách, phần soạn nhạc do ông đảm trách (Lê Văn Tiếng diễn cầm); phần soạn lời ca do Trần Phong Sắc đảm trách (Trần Phong Sắc diễn ca). Quyển sách gồm 60 tác phẩm, trong đó có 20 bản Tổ được sắp xếp hơi điệu rành mạch theo hệ thống Bắc, Hạ, Nam, Oán và 40 bài bản khác. Nhờ vậy mà từ đó về sau việc truyền dạy bài bản đờn ca tài tử và sân khấu cải lương không bị "tam sao thất bổn", góp phần quan trọng đưa đờn ca tài tử phát triển rộng mạnh khắp các vùng, miền trong cả nước. Các thế hệ thầy đờn về sau xem quyển sách Cầm ca tân điệu như sách "bí kíp" không thể thiếu của nghiệp cầm ca.

Lúc Lê Văn Tiếng còn sống, gia đình ông thuộc thành phần khá giả, sang trọng. Ông là chủ nhân của một nhà in lớn ở Sài Gòn, có thương hiệu mang tên ông là Nhà in Lê Văn Tiếng. Bản thân ông vừa là nhạc sư, vừa là soạn giả, đồng thời cũng là một doanh nhân có tiếng tăm trên lĩnh vực văn hóa.

Ngoài việc truyền dạy âm nhạc, ông viết khá nhiều tuồng cải lương, nhưng hiện nay phần nhiều bị mai một, chỉ sưu tầm được ấn phẩm 10 tuồng cải lương còn lưu trữ tại Thư viện quốc gia Pháp (mà giáo sư - nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên đã photocopy mang về nước và giao cho người viết).

Cuộc đời Lê Văn Tiếng rất tài hoa, phong lưu khắp chốn, bất chấp mọi hoàn cảnh, sống gắn bó với các gánh hát cải lương và các nhóm đờn ca tài tử cả Đông và Tây Nam bộ, để thỏa niềm đam mê truyền nghề cho các thế hệ nối tiếp bảo tồn giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc.

Tuy nhiên, vào lúc cuối đời, ông lâm cảnh khó khăn, vì xa gia đình, không liên lạc được người thân, không để lại tin tức về ngày, tháng, năm cũng như nơi mất. Ông mất tích không biết lý do, gia đình chỉ nghe ông Châu, người hàng xóm nói có lần gặp ông ở Vũng Tàu, và lần cuối cùng nghe ông Phùng Ngọc Sanh, người bạn láng giềng của ông ở Thủ Thừa, cho biết ông mất ở miệt Vũng Liêm (Vĩnh Long), mồ xiêu mả lạc… Từ đó đến nay gia đình không có thêm thông tin gì về ông nữa. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.