Hàng không Thái Lan gặp hạn

01/04/2015 09:17 GMT+7

Hàng loạt quốc gia trên thế giới quyết định chặn đường bay của các hãng hàng không Thái Lan vì “không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn”.

Hàng loạt quốc gia trên thế giới quyết định chặn đường bay của các hãng hàng không Thái Lan vì “không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn”.

“Những lo ngại đáng kể về sự an toàn” của hàng không Thái Lan (HKTL) được Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) cảnh báo sau khi tiến hành cuộc kiểm tra mới đây. “Việc kiểm tra đã hé lộ một số vấn đề về an toàn, chủ yếu xoay quanh việc cấp bằng chứng nhận điều hành bay cho các hãng HKTL của chính quyền”, Anthony Philbin, người phát ngôn của ICAO, cho biết. Ngay cả khi ICAO vẫn chưa công bố rộng rãi kết quả kiểm tra cuối cùng thì giới chức hàng không một số nước đã quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với HKTL.
Đối mặt lệnh cấm bay
Tuần trước, Nhật đã chặn đường bay mới từ Thái Lan của các hãng hàng không giá rẻ Thai AirAsia X, NokScoot, Asia Atlantic Airlines. Hãng hàng không quốc gia Thái Lan Thai Airways cũng bị ảnh hưởng khi hai chuyến bay đến Nhật vào tháng tới bị chặn. Theo hiệu ứng dây chuyền, Hàn Quốc từ chối kế hoạch mở đường bay mới của Asia Atlantic Airlines. Tương tự, Trung Quốc cũng không đồng ý kế hoạch mở thêm đường bay của hãng hàng không giá rẻ Orient Thai Airlines.
Ngày 28.3, chuyến bay OX682 của Hãng hàng không Orient Thai Airlines từ Phukhet (Thái Lan) đi Thành Đô (Trung Quốc) gặp sự cố khi một động cơ không hoạt động. Máy bay bị mất độ cao và rơi tự do một đoạn khiến hành khách hoảng loạn, la khóc, ngất xỉu và nhiều người chảy máu mũi, miệng. Chuyến bay sau đó phải hạ cánh khẩn cấp xuống Côn Minh. “Lúc đó chúng tôi nghĩ rằng máy bay có thể gặp trường hợp tương tự vụ rơi máy bay ở Pháp vừa rồi”, một hành khách 47 tuổi kể lại với tờ Daily Mail.
Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) dù chưa quyết định chặn đường bay của các hãng hàng không Thái nhưng cũng quan tâm đến những cảnh báo của ICAO. Những nhà phân tích cho biết, việc FAA “hạ chuẩn” an toàn của HKTL có thể sẽ khiến các hãng của nước này không thể mở rộng hoạt động tại Mỹ dù trực tiếp hay gián tiếp.
Theo Reuters, những lệnh cấm trên như một đòn giáng mạnh vào các hãng HKTL vốn còn chưa phục hồi hoàn toàn sau khi những biến động về chính trị năm 2014 khiến lượng du khách đến nước này giảm mạnh. Ngân sách của các hãng bay đã chạm đáy. Hãng Thai Airways, vốn đang trong giai đoạn cải tổ toàn diện, nay lại càng gặp khó.
Trước mắt, việc tạm dừng các đường bay vào thời điểm này sẽ khiến Thái Lan thiệt hại nặng nề vì sắp bước vào mùa cao điểm du lịch với lễ hội Songkran truyền thống vào giữa tháng 4. Tổng giám đốc Cục Hàng không dân dụng Thái Lan (DCA) Somchai Piputwat cho biết chỉ riêng ở Nhật đã có 100 chuyến bay bị hủy và 30.000 vé phải trả lại tiền cho khách.
Thủ tướng vào cuộc
Thật ra, vấn đề an toàn bay không phải là mới với Thái Lan. Bộ trưởng Bộ Giao thông Thái Lan Prajin Juntong nói Thái Lan đã được ICAO cảnh báo về chuyện này từ năm 2005. “Họ đã yêu cầu chúng ta chấn chỉnh lại hệ thống. Bây giờ chúng ta phải cấp tốc điều chỉnh”, ông nói.
Theo AFP, chính quyền Thái Lan cho biết họ sẽ dùng “quyền lực đặc biệt” trong giai đoạn thiết quân luật để cải thiện tiêu chuẩn an toàn hàng không. “Chúng ta phải chấp nhận thiệt hại kinh tế trong vụ này và tôi thật sự quan tâm làm thế nào để giải quyết”, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha nói.
Tại buổi họp báo ngày 30.3, ông Prayuth tuyên bố ông sẽ dựa vào điều 44 của hiến pháp lâm thời để cải tổ lĩnh vực hàng không. Ngoài ra, ông cho biết đã nêu vấn đề với Thủ tướng Nhật và Tổng thống Hàn Quốc bên lề lễ tang của cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu.
Thái Lan đã gấp rút lập mới hai ủy ban để xử lý vấn đề này, một nhằm cải tổ DCA và một nhằm hạn chế tác động của việc bị ICAO cảnh báo. Tuần trước, DCA cũng thông báo mở những khóa huấn luyện mới cho nhân viên và nâng cao việc kiểm tra an toàn hàng không.
Kiến nghị dỡ bỏ thiết quân luật
Ngày 31.3, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha cho biết ông vừa kiến nghị Quốc vương Bhumibol Adulyadej dỡ bỏ thiết quân luật được ban hành trên toàn quốc từ sau cuộc đảo chính vào tháng 5.2014.
Ông cho biết thiết quân luật có thể được thay thế bằng điều 44 của hiến pháp lâm thời. Theo đó, chỉ huy của Hội đồng hòa bình và trật tự quốc gia (NCPO) là ông Prayuth có toàn quyền ban hành các sắc lệnh về vấn đề an ninh quốc gia mà không cần thông qua các cơ quan lập pháp, tư pháp và hành pháp.
Từ khi thiết quân luật được ban hành, Thái Lan đã mất một lượng khách du lịch quốc tế đáng kể và hứng chịu chỉ trích của nhiều quốc gia về vấn đề nhân quyền.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.