SIPRI: Nhiều nước vẫn tiếp tục hiện đại hóa vũ khí hạt nhân

15/06/2015 11:52 GMT+7

(TNO) Các nước sở hữu vũ khí hạt nhân vẫn tiếp tục nâng cấp kho vũ khí hạt nhân bất chấp xu hướng quốc tế về giải trừ vũ khí hạt nhân, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế (SIPRI) ở Thụy Điển ngày 15.6.

(TNO) Các nước sở hữu vũ khí hạt nhân vẫn tiếp tục nâng cấp kho vũ khí hạt nhân bất chấp xu hướng quốc tế về giải trừ vũ khí hạt nhân, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế (SIPRI) có trụ sở tại Stockholm (Thụy Điển) ngày 15.6.

Một tên lửa liên lục địa của Nga tham gia duyệt binh ở Quảng trường Đỏ, Moscow (Nga) năm 2009 - Ảnh: AFP
AFP dẫn báo cáo thường niên về giải trừ vũ khí hạt nhân của SIPRI cho biết trong giai đoạn từ 2010 đến 2015, số đầu đạn hạt nhân giảm từ 22.600 xuống 15.850, đa phần là ở Mỹ và Nga. Thế nhưng, hai cường quốc hạt nhân Mỹ và Nga, sở hữu 90% tổng số vũ khí hạt nhân trên thế giới, vẫn tiếp tục những chương trình hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của họ.
“Mặc dù xu hướng quốc tế ưu tiên giải trừ vũ khí hạt nhân, nhưng những chương trình hiện đại hóa vũ khí hạt nhân vẫn đang diễn ra tại nhiều nước. Điều này cho thấy không quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân nào muốn từ bỏ kho vũ khí này trong tương lai gần”, nhà nghiên cứu Shannon Kile của SIPRI nhận định.
Ba nước khác được công nhận sở hữu vũ khí hạt nhân hợp pháp theo Hiệp ước Cấm phổ biến Vũ khí Hạt nhân năm 1968 là Trung Quốc (260 đầu đạn hạt nhân), Pháp (300 đầu đạn) và Anh (215 đầu đạn) cũng đang phát triển, triển khai những hệ thống vũ khí hạt nhân mới và đã từng tuyên bố kế hoạch của họ.
Trung Quốc là nước duy nhất trong số 5 cường quốc hạt nhân kể trên có tỉ lệ tăng cường kho vũ khí hạt nhân ở mức “vừa phải”, theo báo cáo của SIPRI.
Trong khi, đó những nước khác như Ấn Độ (90-100 đầu đạn hạt nhân), Pakistan (100-120 đầu đạn) và Israel (80 đầu đạn) có kho vũ khí hạt nhân nhỏ hơn. Ấn Độ và Pakistan tiếp tục tăng cường kho vũ khí hạt nhân, trong khi Israel đã thử nghiệm các tên lửa đạn đạo tầm xa.
Triều Tiên được cho đang phát triển kho vũ khí hạt nhân với 6-8 đầu đạn hạt nhân, nhưng SIPRI cho hay khó đánh giá “bước tiến kỹ thuật” của Bình Nhưỡng trong việc phát triển vũ khí hạt nhân.
Độ tin cậy trong thông tin về kho vũ khí hạt nhân là hoàn toàn khác biệt giữa các nước. Mỹ đứng đầu thế giới về tính minh bạch đối với thông tin về kho vũ khí hạt nhân nước này. Trong khi đó, Anh và Pháp kiểm soát chặt chẽ thông tin về vũ khí hạt nhân, còn Nga không công bố thông tin chính thức, ngoại trừ trong những cuộc đàm phán song phương với Mỹ.
Ở châu Á, Trung Quốc hé lộ một ít thông tin về kho vũ khí hạt nhân nước này, chỉ có Ấn Độ và Pakistan là công khai thông tin về kho vũ khí hạt nhân và những đợt thử nghiệm tên lửa.
Trong khi đó, năm cường quốc hạt nhân đồng thời là năm thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp) cùng với Đức đang tiến hành những cuộc đàm phán với Iran nhằm thuyết phục Tehran không phát triển vũ khí hạt nhân. Đổi lại, Iran có thể được gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt từng bị áp đặt vì chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.