Sách giáo khoa không còn là nguồn học liệu duy nhất

Lê Tuệ Minh
Lê Tuệ Minh
Chủ tịch Hội đồng trường Trường Phổ thông Edison
21/08/2023 16:18 GMT+7

Mỗi bộ sách giáo khoa chỉ đóng vai trò như một trong những phương án, giải pháp, công cụ để đạt được năng lực cần có bên cạnh những giải pháp khác là những bộ sách giáo khoa khác, những nguồn học liệu khác.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 xây dựng theo hướng mở với mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất, kỹ năng cho người học thay vì trang bị kiến thức theo khối lượng cụ thể như chương trình cũ 2006. 

Như vậy, nếu trước đây, với mục tiêu truyền đạt, trang bị một khối lượng kiến thức nhất định thì một bộ sách giáo khoa duy nhất gần như là một phương án cụ thể hóa không thể thay thế của chương trình khung với chuẩn kiến thức kỹ năng cần đạt rất cụ thể thì trong chương trình mới 2018 với mục tiêu phát triển năng lực - phẩm chất - kỹ năng.

Với mục tiêu thay đổi như vậy thì mỗi bộ sách giáo khoa lại chỉ đóng vai trò như một trong những phương án, giải pháp, công cụ để đạt được năng lực cần có bên cạnh những giải pháp khác là những bộ sách giáo khoa khác, những nguồn học liệu khác, cùng với những phương pháp dạy và học đa dạng và các ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và những giải pháp giáo dục kết hợp khác…

Như vậy, sách giáo khoa từ vai trò là một phương án đóng khung cụ thể cố định đã được chuyển thành là một giải pháp, một công cụ có tính phù hợp trong một giai đoạn nhất định để phát triển năng lực của con người.

Sách giáo khoa không còn là nguồn học liệu duy nhất   - Ảnh 1.

Ngoài sách giáo khoa, các trường phải lựa chọn những nguồn học liệu khác phù hợp với mục tiêu của nhà trường, phát huy năng lực của học sinh

VÂN NGỌC

Thi theo chương trình chứ không theo sách giáo khoa sẽ thế nào?

Sự khác biệt lớn nhất trong việc kiểm tra, đánh giá của chương trình mới 2018 là sự đa dạng hóa về cách thức, nội dung và các hình thức kiểm tra để đánh giá được toàn bộ năng lực, kỹ năng và phẩm chất của người học thay vì chỉ kiểm tra sự ghi nhớ, tái hiện các kiến thức cụ thể. 

Thay vì chỉ dựa vào bài kiểm tra trắc nghiệm hoặc viết, có thể có thêm các dạng kiểm tra thực hành, dự án, thuyết trình và các hoạt động thực tế khác để đo lường khả năng áp dụng kiến thức vào thực tế của học sinh. Các câu hỏi hướng tới áp dụng kiến thức giải quyết vấn đề đời sống chứ không đơn thuần là khả năng ghi nhớ.

Tuy nhiên, do đến nay vẫn chưa có bài thi vượt cấp hay cuối cấp tốt nghiệp nào được thực hiện thực tế dưới chương trình mới 2018, nên mô hình bài thi theo chương trình mới 2018 vẫn còn là một dấu hỏi với cả nhà trường và học sinh, phụ huynh nên thông tin về sách giáo khoa lại càng khiến cả xã hội băn khoăn lo lắng.

Nguồn học liệu phải được chọn lọc kỹ càng

Trên thực tế, mặc dù với thời đại internet như hiện nay, các nguồn thông tin rất đa dạng và phong phú nhưng lại khó xác định chất lượng và không được kiểm chứng.

Những nguồn học liệu phù hợp, hữu ích, thực sự chất lượng, khả thi có thể sử dụng phục vụ cho chương trình học tập các mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất, kỹ năng phù hợp với mục tiêu của chương trình từng môn học, từng khối lớp, từng đối tượng người học thì cần có định hướng rõ ràng từ lãnh đạo nhà trường với những tiêu chí cụ thể, sự chọn lọc và kiểm định chất lượng kỹ càng.

Để tìm kiếm những nguồn học liệu như vậy, dưới chương trình khung từng môn học 2018 của Bộ GD-ĐT ban hành, nhà trường phải có ban chương trình và đào tạo phối hợp với các chuyên gia trong từng lĩnh vực thiết kế, xây dựng chương trình chi tiết và phân phối chương trình theo tiến độ và mục tiêu của đối tượng học sinh của trường với những định hướng cụ thể về nguồn học liệu và phương pháp phù hợp với từng bộ môn, chuyên đề học tập.

Với giáo viên, ngoài việc đào tạo liên tục về các phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá tiên tiến, các kỹ năng công nghệ thông tin và các ứng dụng trong giảng dạy, trang bị năng lực tiếng Anh, việc xây dựng và cập nhật hàng năm vào chương trình chi tiết của bộ môn các mục tiêu mới, các nguồn học liệu mới và đào tạo về cách thức sử dụng các học liệu trong từng chuyên đề cũng giúp giáo viên làm chủ việc sử dụng các học liệu đa dạng một cách tối ưu nhất.

Điều quan trọng nhất để tạo động lực cho giáo viên không ngừng tự đào tạo và học hỏi nâng cao kiến thức chính là tiêu chí và cơ chế đánh giá đúng, ghi nhận những đáp ứng của giáo viên với các yêu cầu đòi hỏi về chuyên môn được đề ra. Khi có cơ chế tạo động lực từ nhà trường như vậy, sự học hỏi và sáng tạo của từng giáo viên là không có giới hạn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.