Dạy học không bám sách giáo khoa, được không?

18/08/2023 05:58 GMT+7

Khi chương trình là pháp lệnh, còn sách giáo khoa là tài liệu có tính chất tham khảo, hướng dẫn thì một số trường không sử dụng sách giáo khoa sẵn có mà chủ động biên soạn tài liệu học tập riêng cho học sinh.

HỌC THEO TÀI LIỆU CỦA TRƯỜNG BIÊN SOẠN

Tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), dù đã công bố danh mục sách giáo khoa (SGK) lớp 10, 11 sử dụng cho năm học 2023 - 2024 nhưng nhà trường cũng thông báo riêng bộ môn toán, học sinh (HS) sẽ học tài liệu do nhà trường biên soạn.

Học không bám sách giáo khoa, được không? - Ảnh 1.

Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong là một trong những trường tại TP.HCM biên soạn tài liệu học tập riêng phù hợp với học sinh

ĐÀO NGỌC THẠCH

Hay tại Trường THPT Gia Định (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), lãnh đạo nhà trường cho biết ở một số môn học khoa học tự nhiên (KHTN), nhà trường biên soạn tài liệu bài tập; còn một số môn khoa học xã hội (KHXH), nhà trường biên soạn tài liệu theo dạng tóm tắt bài học…Với những lớp chuyên thì biên soạn tài liệu dạy học theo hướng chuyên sâu.

Về quy trình biên soạn tài liệu, ông Tô Lâm Viễn Khoa, Hiệu phó Trường THPT Gia Định, cho hay hiệu trưởng sẽ ban hành quyết định biên soạn, thẩm định tài liệu sử dụng nội bộ. Mỗi bộ SGK có cách tiếp cận khác nhau nên tổ bộ môn, giáo viên (GV) nghiên cứu các bộ sách và thống nhất trong tổ.

Ông Khoa cũng chia sẻ định hướng của Trường THPT Gia Định là sau 3 năm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở bậc THPT, khi GV có cái nhìn tổng quan về chương trình ở cả 3 bộ SGK thì sẽ hướng tới biên soạn bộ tài liệu kết hợp những điểm hay của từng bộ sách thành tài liệu riêng trên cơ sở phát huy năng lực của GV, thế mạnh của HS Trường Gia Định.

Nói về việc tổ chức học môn toán theo tài liệu riêng của trường, bà Phạm Thị Bé Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, cho biết nhằm để tránh trường hợp mỗi GV thực hiện tài liệu mỗi khác, mỗi tổ bộ môn xây dựng học liệu riêng của tổ. Cụ thể, tổ toán dựa theo khung kiến thức của chương trình và nội dung yêu cầu cần đạt của bộ SGK mà nhà trường đã chọn để biên soạn tài liệu, thêm nội dung bài tập để phù hợp với năng lực và yêu cầu HS trường chuyên.

Bà Bé Hiền cho biết: "Đặc biệt ở trường chuyên, HS có năng lực học tập tốt nên tài liệu riêng như vậy sẽ phát huy tốt hơn nữa và tránh lãng phí thời gian. Đồng thời không gặp tình trạng mỗi GV nâng cao mỗi kiểu mà thay vào đó là sự thống nhất, có sự phê duyệt của tổ bộ môn, nhà trường".

Tương tự, hiệu trưởng một trường THPT có tiếng ở khu vực Q.1, TP.HCM, cho biết SGK biên soạn những nội dung kiến thức cơ bản, phục vụ cho mặt bằng chung về năng lực của HS. Vì vậy, tùy theo năng lực của HS cũng như định hướng, chiến lược giáo dục của mỗi nhà trường mà trường có kế hoạch biên soạn tài liệu học tập phù hợp với người học. Hiệu trưởng này lấy ví dụ, chẳng hạn SGK có những nội dung không tô đậm thì GV sẽ cô đọng lại, đưa ra những từ khóa để HS dễ dàng nắm bắt kiến thức. Đồng thời tính toán để đưa vào lượng bài tập phù hợp, đa dạng giúp HS nâng cao năng lực tự học, tự nghiên cứu…

Học không bám sách giáo khoa, được không? - Ảnh 2.

Do thực hiện một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa nên nhiều trường chủ động lựa chọn bộ sách phù hợp, thậm chí biên soạn tài liệu dạy học riêng

NHẬT THỊNH

BÁM CHƯƠNG TRÌNH CHUẨN CHỨ KHÔNG BÁM SGK

Theo ghi nhận tại Hà Nội, việc dạy học không coi SGK là pháp lệnh có chuyển biến rõ hơn ở khối các trường tư thục.

Cô Nguyễn Thị Thúy, Tổ trưởng tổ KHXH khối THCS, Trường The Dewey Schools, cho biết nhà trường không dạy theo duy nhất bộ SGK nào. Nhà trường vẫn đảm bảo khung chương trình của Bộ GD-ĐT, kiến thức nền tảng nhưng sẽ xây dựng tài liệu dạy học theo mục tiêu phát triển chương trình nhà trường. Ví dụ, môn văn phân thành 2 phần văn và tiếng Việt. Phần văn phát triển cho HS về năng lực nghệ thuật, còn phần tiếng Việt là năng lực thực hành ngôn ngữ. Cụ thể như, đến lớp 9, chủ yếu HS sẽ được thực hành, biểu đạt ngôn ngữ mà HS đã học đến lớp 8. Do bám chương trình làm chuẩn chứ không học tuần tự theo từng bài trong SGK, nên khi xây dựng kế hoạch giáo dục, xây dựng giáo án, nhà trường thiết kế nội dung môn học theo kiểu cuốn chiếu. Ví dụ, môn ngữ văn ở lớp 8 thì toàn bộ học kỳ 1 HS sẽ được học tiếng Việt và sang học kỳ 2 là học văn.

Theo cô Thúy, cách thiết kế như vậy giúp hệ thống bài học liền mạch. Các năm trước, khi dạy song song cả văn và tiếng Việt cùng lúc thấy rằng nội dung khá dàn trải, HS dễ bị nhầm lẫn giữa các học phần.

Tài liệu do nhà trường thiết kế dựa trên khung chương trình của Bộ GD-ĐT sẽ phát triển như một cái cây, các tán cây sẽ to dần; đảm bảo HS vẫn được học theo yêu cầu cần đạt của chương trình nhưng cách tiếp cận khác. Tuy nhiên, học như vậy thì cách kiểm tra, đánh giá cũng rất khác so với các bài kiểm tra truyền thống; HS cũng không bị áp lực bởi kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vào trường công lập của TP…

Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie, cho rằng đã qua rồi cái thời "SGK là cha, là mẹ". Khi chỉ có duy nhất bộ SGK, GV có thể chẳng biết văn bản, chương trình như thế nào, cứ theo SGK và sách hướng dẫn cho GV mà dạy. Góc nhìn từ cơ sở trực tiếp sử dụng SGK, từ khi có nhiều bộ sách, nhà trường luôn yêu cầu GV dạy học không coi SGK là "pháp lệnh" mà bám vào chương trình. Có thể chọn từ mỗi bộ SGK, các nguồn học liệu khác nhau để có bài giảng hấp dẫn, phù hợp nhất với HS của mình.

ĐỌC CÁC NGUỒN SÁCH KHÁC NHAU ĐỂ TIẾP CẬN KIẾN THỨC

Cô Vũ Thị Anh, GV Trường THPT Ân Thi (Hưng Yên), cũng chia sẻ đầu năm học trước xảy ra tình trạng thiếu SGK lớp 10 ở một vài môn, GV bộ môn đã xử lý bằng cách gửi file PDF SGK cho HS in, đọc tham khảo. Tuy nhiên, quan trọng là do đã chủ động xây dựng kế hoạch bài dạy điện tử nên dù thiếu sách, các em vẫn học tập bình thường. Khi chưa mua được đúng bộ sách, thầy cô có thể khuyến khích HS tạm thời mua SGK khác để học. Trong quá trình dạy học, GV xác định nội dung mục tiêu kiến thức đúng theo chương trình và tổ chức cho HS đọc các nguồn sách khác nhau để tiếp cận kiến thức.

Học không bám sách giáo khoa, được không? - Ảnh 2.

Thầy Lê Tấn Thời, GV Trường THCS Nguyễn Đăng Sơn (H.Chợ Mới, An Giang), cho rằng nếu không thay đổi được tư duy SGK là "pháp lệnh" thì chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ mất đi ý nghĩa của việc theo hướng tăng quyền tự chủ cho địa phương, cơ sở giáo dục và bản thân GV.

Sự bùng nổ của công nghệ thông tin khiến trường học không phải là nơi duy nhất HS tiếp nhận kiến thức. Quan trọng hơn nữa là phải giúp các em nhận biết được đâu là những thông tin xác thực từ những dữ liệu các em thu thập được. Điều này đòi hỏi GV phải trau dồi thường xuyên để có được sự tự tin khi đứng lớp cũng như có được niềm tin trong mắt HS. Với tâm thế như vậy, SGK nên được xem như một học liệu cơ bản trong quá trình thiết kế những hoạt động dạy học. Căn cứ vào chuẩn kiến thức quy định, GV nên sưu tầm thêm những tài liệu chính thống phù hợp để truyền tải đến học trò. Sự năng động và sáng tạo của người GV là tạo niềm hứng khởi đối với HS qua môn học mình phụ trách.

Học liệu của nhà trường phát huy được hết nội lực của HS

Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT TP.HCM, đánh giá học liệu của nhà trường làm cho quá trình học tập được gọn gàng hơn, phù hợp với HS hơn, phát huy được hết nội lực của HS. Ông cũng lưu ý các trường phải tổ chức thống nhất, cân nhắc, chịu trách nhiệm chất lượng dạy học. Không tạo áp lực một cách thái quá, không làm cho HS lo lắng hoảng sợ vì yêu cầu của tài liệu. Tài liệu phải giúp cho quá trình học được tốt hơn, nội dung GV bổ sung hữu ích chứ không phải là áp đặt. Đặc biệt, theo ông Tân, tài liệu nội bộ không có mục đích kinh doanh mà chỉ là giúp việc học được tiện dụng, hiệu quả hơn.


Học theo tài liệu, kiểm tra thế nào?

Ông Tô Lâm Viễn Khoa, Hiệu phó Trường THPT Gia Định (TP.HCM), cho biết các bài kiểm tra căn cứ theo yêu cầu cần đạt của chương trình chứ không theo SGK để ra đề kiểm tra vì hiện nay chương trình giáo dục phổ thông 2018 thực hiện theo chủ trương một chương trình có nhiều bộ SGK khác nhau.

Bà Phạm Thị Bé Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), cũng cho hay việc kiểm tra đánh giá theo khung quy định của Bộ GD-ĐT về kiến thức kỹ năng. Mức độ và ma trận có sự thống nhất trong từng tổ bộ môn sao cho đảm bảo đúng yêu cầu của Bộ.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.