Giảm lệ thuộc vào sách giáo khoa là tất yếu

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
18/08/2023 06:45 GMT+7

Còn nhớ năm 2017, văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh (HS) từ năm học 2017 -2018 của Bộ GD-ĐT đã gây sốc dư luận khi quy định: “Tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa (SGK)”.


Thời điểm này chưa có chương trình giáo dục phổ thông mới nhưng việc "cấm" dạy những nội dung ngoài SGK đã gây ra phản ứng dữ dội. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng tư duy quá coi trọng SGK, coi đó là cẩm nang trong dạy học đã rất lỗi thời.

Giảm lệ thuộc vào sách giáo khoa là tất yếu - Ảnh 1.

Hiện cả nước có 3 bộ SGK của các môn học cho các địa phương lựa chọn

ĐÀO NGỌC THẠCH

Khi chuẩn bị xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ cũng không ít lần tổ chức các cuộc hội thảo quốc tế, mời các chuyên gia ở các nước có nền giáo dục phát triển đến VN chia sẻ về kinh nghiệm làm SGK trong bối cảnh hiện nay. Tại một trong những cuộc hội thảo đó, bà Andrea Carr, Giám đốc điều hành Công ty giáo dục Rising Stars and Hodder, Primary của Anh, khi nói về vai trò của SGK đã cho biết: Nhiều môn học ở Anh hiện nay thậm chí không cần đến SGK. Việc dạy và học hoàn toàn không chỉ dừng lại ở kiến thức trong sách mà thông qua đó kích thích người học tiếp tục đào sâu, mở rộng kiến thức, kỹ năng. SGK giới thiệu những đường dẫn để người học tiếp cận được các nguồn học liệu khác cho mục đích bổ sung thông tin.

PGS Chu Cẩm Thơ (Viện Khoa học giáo dục VN) chia sẻ cá nhân bà thời học phổ thông đã từng rất hạnh phúc và phát huy tối đa năng lực, sáng tạo của mình nhờ được học những giáo viên (GV) rất giỏi, không bao giờ bị lệ thuộc hoàn toàn vào SGK, dù thời điểm ấy chỉ có một bộ SGK. Bà Thơ cho rằng một GV thực sự có trách nhiệm sẽ không phụ thuộc hoàn toàn vào SGK để giảng dạy. Họ sẽ là người tìm tòi các nguồn tài liệu, học liệu khác nhau để phù hợp với từng đối tượng HS, làm phong phú cho bài giảng của mình. Nhờ vậy mới có thể bồi dưỡng HS giỏi, phụ đạo HS yếu, không có SGK nào có thể linh hoạt tới từng đối tượng HS.

Giảm lệ thuộc vào sách giáo khoa là tất yếu - Ảnh 2.

SGK, theo chương trình mới, được xem là một học liệu chứ không phải là pháp lệnh

NHẬT THỊNH

Gần đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng nhiều lần nhấn mạnh cần thay đổi quan niệm về SGK. Tại cuộc gặp gỡ GV toàn quốc mới đây, ông Sơn đề nghị: "Nhà giáo cần thay đổi quan niệm và cách sử dụng SGK. Trong giai đoạn trước, chúng ta phụ thuộc quá nhiều vào SGK. SGK là chỗ dựa, dạy phải theo đó, học phải theo đó, kiểm tra không được ra ngoài, học gì phải thi thế ấy. Chúng ta bị khuôn cứng, bị lệ thuộc vào SGK. Nhưng sự thay đổi lớn của lần này là chương trình thống nhất toàn quốc, là yêu cầu. SGK là học liệu, cũng có thể là học liệu đặc biệt nhưng chúng ta cần sử dụng SGK một cách chủ động, không lệ thuộc. Đó là công cụ và chúng ta sẵn sàng sử dụng các bộ SGK khác, các học liệu khác, sử dụng một cách linh hoạt, phát huy quyền chủ động của chúng ta".

"Nếu không thay đổi được cách tiếp cận về SGK thì chúng ta không đạt được điểm đổi mới rất quan trọng", ông Sơn nhấn mạnh và cho biết qua thực tế thăm dò GV ở nhiều vùng miền khác nhau, vẫn còn nhiều người phụ thuộc vào SGK. Do vậy, người đứng đầu ngành GD-ĐT đề nghị trong chương trình giáo dục phổ thông mới, GV được nhiều quyền hơn, chủ động hơn, cần được phát huy. GV có quyền quyết định các nội dung, tuần tự bài học, tổ chức kiểm tra đánh giá. Điều này vốn chưa từng có trước đây. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho rằng nếu hiệu trưởng các nhà trường không thay đổi thì sự thay đổi của GV sẽ rất khó khăn, thậm chí không thể.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.