Tiền chi ào ào, ngập vẫn ngập

22/10/2014 08:30 GMT+7

Chống ngập rượt đuổi theo kiểu “Sơn Tinh - Thủy Tinh”, hễ đường ngập thì nâng đường, hẻm ngập nâng hẻm và nhà ngập nâng nhà... khiến rất nhiều con đường, hẻm, ngõ và khu phố của TP.HCM đã biến dạng mà ngập vẫn hoàn ngập .

Đường Nguyễn Hữu Thọ mới đưa vào sử dụng vài năm, nay cũng đã bị ngập do triều cường -  Ảnh: Diệp Đức Minh

Hàng loạt căn nhà dọc theo QL50 thuộc địa bàn xã Phong Phú, H.Bình Chánh đều chìm sâu phía dưới mặt đường và vỉa hè từ nửa mét đến hơn 1 m. Một số căn nhà vừa nâng nền cho nổi lên trên, nhưng cũng chỉ làm được ở phía trước nhà, còn phía sau vẫn như tầng hầm. Đó là kết quả sau khi nâng đường của công trình bù lún, thảm bê tông nhựa mặt đường, nâng cao và chỉnh sửa các hạng mục cần thiết trên QL50, do Khu quản lý giao thông đô thị số 1 (Sở GTVT TP.HCM) làm chủ đầu tư thi công hồi đầu năm 2014.

Trước đó, đoạn quốc lộ này đã được nâng cao nền đường một lần khi thi công giai đoạn 1 (hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2007). Nền đường đã được nâng cao hơn đỉnh triều cường lúc đó. Tuy nhiên, không bao lâu sau, đường này đã ngập lại do triều cường ngày càng nghiêm trọng. 

 Triều cường "ăn" mất tầng 1

 

Người dân phản ánh ngập rất nhiều. Liệu các đồng chí đã báo cáo hết tất cả các điểm ngập chưa? Điểm ngập mà giấu làm gì. Các đồng chí cứ giấu trong cặp thì biết đâu mà xử lý.

Phải công bố ra cho người dân biết là các đồng chí báo cáo có đúng không   

Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND TP.HCM 

Chủ hộ một căn nhà mặt tiền QL50, ở ấp 5, xã Phong Phú, cho biết: Trước đây, do nằm ngay đoạn ngập nặng nhất, nhà bị ngập sâu có khi đến cả mét nước trong các tháng cao điểm về triều cường. Ngoài đường cũng bị ngập khoảng hơn nửa mét. Nhưng khi đường được nâng lên thì hầu hết nền nhà dân hai bên đều thấp hơn đường, có nhà thấp hơn đến 1,5 m. "Giờ QL50 đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đi về phía cầu Ông Thìn đã hết ngập, nhưng trong hẻm và đường nhánh đều ngập lênh láng, muốn hết ngập cũng phải nâng nền lên như QL50" - một chủ hộ nói.

Theo chính quyền xã Phong Phú, các tuyến đường nhánh này cũng đã có kế hoạch nâng nền lên đạt cao độ đến 2,5 m, cao hơn nền đường hiện hữu khoảng hơn 1 m và cao ngang bằng với QL50 hiện tại. Hôm chúng tôi đến, một chủ hộ nhà trên con đường nhánh ở ấp 5 chỉ tay về phía cột điện có kẻ một vạch màu đỏ, nói: "Con đường này phải nâng lên tới mức vạch đó mới hết ngập, khoảng hơn 1 m nữa. Đó là ở ngoài đường thôi, còn trong nhà cũng phải nâng nền lên, chắc cũng phải tốn từ vài chục đến cả trăm triệu đồng".

Đường Lê Văn Lương đi qua địa bàn Q.7 và H.Nhà Bè cũng bị ngập trong đợt triều cường cao vừa qua. Nặng nhất là đoạn đi qua xã Nhơn Đức và xã Phước Kiển. Anh Sơn, một người dân ở xã Nhơn Đức kể trong ngày đỉnh triều cao 1,68 m, nước ngập lên đến yên xe gắn máy trong khi con đường này cũng mới được nâng nền cách nay khoảng vài năm. Lúc làm đường vào khoảng năm 2008 - 2009, người dân cũng rất khổ sở vì tiến độ thi công ì ạch. Những tưởng rằng khi hoàn thành sẽ hết khổ, thì nay lại phải "bơi" mỗi khi triều cường lên đỉnh cao.

Cũng từng là điểm thường bị ngập mỗi khi mưa lớn và triều cường, nhiều con đường ở khu Văn Thánh Bắc (Q.Bình Thạnh) đã được nâng nền để chống ngập. Nhưng với kiểu làm không đồng bộ, đường nâng sau luôn cao hơn đường nâng trước khiến nhiều đoạn trông rất kỳ cục, đang thấp rồi lên cao, rồi lại xuống thấp. Có khi cùng một con đường, chỉ vài trăm mét nhưng cũng có đoạn thấp, đoạn cao như đường D3. Hậu quả là những chỗ nâng trước giờ tiếp tục ngập khi có mưa lớn và triều cường. Ngay cả đường D2 - trục đường chính của khu vực này cũng có những lúc bị ngập, dù đã một lần được nâng nền.  

TS Bùi Tuyên (Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) nhận xét: "Nâng cao đường thì nhà dân bị ngập, họ cũng buộc phải nâng nhà lên. Hầu hết nhà làm trước 1995 ở dọc các đường thấp đều đã bị mất (chìm) luôn tầng một. Những hộ nghèo chưa nâng nhà kịp sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng trong thời gian dài".

Trách nhiệm lớn nhất thuộc về Sở GTVT

 

Chống ngập trên mặt đường

Theo một cán bộ Sở Tài chính, kế hoạch chi ngân sách cho Sở GTVT 1 năm khoảng 5.000 tỉ đồng, cho Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP khoảng hơn 1.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, nhiều dự án trình lên để thực thi chỉ lo nâng đường, làm cống mà không nạo vét kênh mương nên nước không có chỗ thoát, làm ngập hẻm, nhà dân. Đây là cách làm không phát huy được hiệu quả vì chỉ “chống ngập trên mặt đường”.

Tại cuộc họp của UBND TP.HCM với các sở ngành liên quan về chống ngập trên địa bàn TP vào chiều 21.10, khi lãnh đạo Sở GTVT, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP lý giải tình trạng ngập nước thời gian qua do triều cường, lượng mưa lớn, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND TP nói ngay: “TP.HCM ngập thì cả thế giới biết rồi, giờ không thanh minh về nguyên nhân này kia gì nữa. Nếu cứ nói ngập do mưa thì gọi điện hỏi ông trời. Phải xác định được lỗi chủ quan trong quá trình tổ chức thực hiện các dự án chống ngập đã làm cho tình hình ngập trầm trọng hơn. UBND TP đã giao nhiệm vụ mấy năm nay rồi, ngày nào cũng gọi điện mà kết quả như vậy thì sao được”. Ông Tín cho rằng những bất cập, tồn tại trong công tác xử lý chống ngập, trách nhiệm lớn nhất thuộc về Sở GTVT.

Theo ông Tín, cuối năm 2013, đã xử lý dứt điểm được 47 điểm ngập, còn lại 11 điểm theo kế hoạch xử lý trong giai đoạn 2014 - 2015. Tuy nhiên, hiện có 11 điểm tái ngập ở khu vực trung tâm TP (chưa tính đến khu vực ngoại thành), 2 điểm phát sinh ngập mới ở Q.Tân Phú, trong đó có 5 điểm do tắc trách trong thi công dự án kênh Tân Hóa - Lò Gốm. “Làm thế này thì có lỗi với dân, trong khi tiền thì chi ào ào”, ông Tín bức xúc, và đặt vấn đề: “Người dân phản ánh ngập rất nhiều. Liệu các đồng chí đã báo cáo hết tất cả các điểm ngập chưa? Điểm ngập mà giấu làm gì. Các đồng chí cứ giấu trong cặp thì biết đâu mà xử lý. Phải công bố ra cho người dân biết là các đồng chí báo cáo có đúng không”.

“Tôi ghét bệnh thành tích lắm. Nếu làm không được thì phải sửa, chứ cứ lờ lờ như thế này là không được. Các đồng chí cũng được cho đi tây đi tàu về nhưng làm thì không giống ai. Trong điều kiện chưa thể giải quyết được triệt để nhưng cũng chính mình làm cho ngập nặng hơn. Từ nay đến 2015 phải lo xử lý chứ không thể để hoài vậy được”, ông Tín nhấn mạnh, và yêu cầu các đơn vị liên quan nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và rút ra bài học kinh nghiệm.

Về vấn đề xử lý ngập do triều cường, ông Tín phân tích việc xây đê bao (kéo dài từ Q.12 đến H.Nhà Bè dọc sông Sài Gòn) không thể làm xuể vì kinh phí sẽ rất lớn. Giải pháp khả thi nhất là lắp đặt hệ thống cống và van ngăn triều ở cửa sông nhưng do khó khăn về nguồn vốn, TP không thể giải quyết hết được trong vòng một vài năm.

Mai Vọng - Đình Phú

>> TP.HCM vay vốn ODA của Thái Lan để chống ngập
>> Hà Nội lên phương án chống ngập
>> 1.569 tỉ đồng chống ngập TP.Vĩnh Long
>> TP.HCM thống nhất đầu tư 666 triệu USD chống ngập nước
>> Không thể chống ngập chỉ bằng tiền
>> Thiếu vốn cho chống ngập
>> Vất vả chống ngập
>> Chống ngập phải đồng bộ
>> Chống ngập lại gây ngập
>> Thiếu vốn thực hiện quy hoạch chống ngập úng cho TP.HCM
>> Huy động vốn cho dự án chống ngập của TP.HCM
>> TP.HCM xây hồ điều tiết để chống ngập úng
>> Khổ sở chống ngập
>> Dự án chống ngập khốn khổ vì… ngập

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.