Tỷ lệ thất nghiệp chưa phản ánh đúng thực tế

26/09/2014 07:20 GMT+7

(TNO) Trong phiên họp toàn thể của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội (25.9) thảo luận về kế hoạch và dự toán ngân sách cho 2 Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội và Bộ Y tế, các đại biểu đã nhận định tỷ lệ thất nghiệp trong báo cáo 'chưa phản ánh đúng thực tế'.

(TNO) Tại Hà Nội, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội ngày 25.9 đã họp phiên toàn thể để thảo luận về kế hoạch và dự toán ngân sách cho 2 Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội và Bộ Y tế.


Lao động thất nghiệp đăng ký tại Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội


Tư vấn giới thiệu việc làm cho các lao động thất nghiệp

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội (LĐ-TB-XH), trong 8 tháng đầu năm, cả nước đã tạo việc làm cho khoảng 1,03 triệu người, đạt 64,79% chỉ tiêu kế hoạch năm 2014 và bằng 104,4% so với cùng kỳ 2013. Những chỉ tiêu đạt vượt mức so với cùng kỳ, không làm các đại biểu bận tâm bằng con số tỷ lệ thất nghiệp 1,84% vừa được Bộ LĐ-TB-XH công bố đầu tháng 9.

Ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên thường trực ủy ban kinh tế, băn khoăn: “Nếu tỷ lệ thất nghiệp 1,84% thì quá tốt, nhưng dựa trên cơ sở nào chúng ta đưa ra đánh giá như vậy? Chúng ta cần có một con số sát thực để rồi từ đó chúng ta mới có giải pháp giải quyết vấn đề thất nghiệp. Nếu cứ tiếp tục con số, mà cả xã hội và chúng ta đều thấy rằng rất khó có thể tin được, tôi e rằng chính sách chúng ta đề ra không sát thực khi chính con số không sát thực”.

Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội, đề nghị cần xem xét lại phương pháp điều tra, kết quả công bố dựa trên 500.000 người chọn mẫu, phương pháp kiểm tra trong một tuần chưa phản ánh đúng thực tế. “Tôi đề nghị tiếp tục cần phải nghiên cứu thêm, do điều kiện thực tế Việt Nam con số này chỉ phản ánh một số bộ phận, chưa thể phản ánh tình trạng thất nghiệp và việc làm”, bà Mai nói.

Ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư, cho biết tới đây 2 bộ (Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ LĐ-TB-XH) sẽ họp kiến nghị với Chính phủ xem xét báo cáo Chính phủ thêm một số chỉ tiêu phụ trợ, để có cái nhìn thực chất hơn hiện trạng xu hướng lao động, việc làm. Ngoài chỉ tiêu thất nghiệp, có thể thêm chỉ tiêu thiếu việc làm, số lượng giờ làm việc trong một tuần, số lao động làm việc trong khu vực chính thức là bao nhiêu…

Ngân sách tập trung quá nhiều cho các chương trình dự án

Hàng nghìn tỉ đồng được chi cho các chương trình, đề án, dự án, trong khi tiền đầu tư cho quản lý hành chính rất ít. Đây là thực trạng dẫn đến việc ban hành các thông tư chậm trễ, thiếu kiểm tra, thanh tra thực thi pháp luật tại hai Bộ LĐ-TB-XH và Bộ Y tế.

Theo dự toán của Bộ LĐ-TB-XH, chỉ tính riêng chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề đề nghị được bố trí năm 2015 là 3.224 tỉ đồng, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là hơn 9.646 tỉ đồng. Còn Bộ Y tế dự toán ngân sách toàn ngành là 93.427 tỉ đồng. Trong đó, đầu tư cho phát triển là 21.079 tỉ đồng.

Theo ông Nguyễn Văn Tiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội, số tiền chi quản lý hành chính ở cả hai bộ rất ít. “Tôi đọc thấy Bộ Y tế chi 14 tỉ, tức khoảng 10% dành cho thanh tra, kiểm tra, còn Bộ LĐ-TB-XH không thấy chi phí này là bao nhiêu. Viết như trong báo cáo, Bộ chỉ đi làm 2 chương trình mục tiêu và 9 đề án, còn các vấn đề quản lý nhà nước khác rất ít đề cập, trong khi nhiệm vụ của Bộ là quản lý nhà nước phải làm là chính. Bộ mà đi làm đề án, dự án, sức đâu mà làm thông tư nghị định”, ông Tiên thẳng thắn. Lấy ví dụ từ chuyện nuôi trẻ ở chùa Bồ Đề, chương trình dạy nghề thiếu hiệu quả, vi phạm trong việc cắt chế độ của mẹ liệt sĩ tái giá..., ông Tiên cho rằng đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thực thi pháp luật không nghiêm thiếu kiểm tra, thanh tra.

Ông Tiên cho hay năm 2014, Bộ Y tế chi 130 tỉ đồng cho quản lý hành chính, chỉ hơn một chút so với chi các đề án khoa học 100 tỉ. Số tiền chi cho nghiên cứu khoa học rất lớn, song nhiều đề án phân bổ cấp huyện, chỉ để cất vào ngăn kéo. Theo ông Tiên, chuyển tiền chi cho nghiên cứu khoa học và chi cho quản lý hành chính cân đối hợp lý, chắc chắn không có việc chậm thông tư, hạn chế đi địa phương thanh tra, kiểm tra.

Bài, ảnh: Thu Hằng

>> Hàng trăm giáo viên trước nguy cơ thất nghiệp
>> Sinh viên cao đẳng ngành công nghệ không lo thất nghiệp
>> Tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong vòng 1 năm qua
>> Để không còn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp
>> Hơn 162.000 lao động có trình độ đại học thất nghiệp
>> Hà Nội: Đăng ký bảo hiểm thất nghiệp tăng đột biến
>> Công nhân mất việc được hưởng 6 tháng bảo hiểm thất nghiệp
>> Hỗ trợ học nghề cho lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp
>> Trợ cấp thất nghiệp 'kiểu' hành dân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.