Hà Nội: Đăng ký bảo hiểm thất nghiệp tăng đột biến

17/06/2014 09:00 GMT+7

Từ hơn 1 tháng nay, lượng người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tại Hà Nội tăng đột biến. Trung bình mỗi ngày có trên 150 trường hợp xin nộp hồ sơ hưởng BHTN.

Từ hơn 1 tháng nay, lượng người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tại Hà Nội tăng đột biến. Trung bình mỗi ngày có trên 150 trường hợp xin nộp hồ sơ hưởng BHTN. 

>> Mệt mỏi vì thủ tục bảo hiểm thất nghiệp

 Đăng ký bảo hiểm thất nghiệp tăng đột biến
LĐ đăng ký thất nghiệp tăng đột biến so với đầu năm - Ảnh: Thu Hằng

Không phải phiên giao dịch việc làm, nhưng bãi gửi xe Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội sáng sớm đầu tuần (16.6) không còn một chỗ trống. 9 giờ sáng, số người đến đăng ký BHTN càng đông, trung tâm phải mở thêm điểm trông xe trên vỉa hè. “Trước chỉ có phiên thứ 5 hàng tuần mới đông, giờ ngày nào, cả sớm lẫn chiều, anh em bảo vệ cũng phải đội nắng trông xe. Mệt nhưng dù sao mình cũng còn có công việc để làm, còn những người thất nghiệp, chẳng biết bao giờ mới có việc”, một bảo vệ giữ xe góp chuyện.

Tốt nghiệp ĐH chuyên ngành ngôn ngữ loại khá, sau ba bốn bận chuyển công ty, cách đây 4 năm, chị Bùi Kim Lê, quê Bắc Giang về làm nhân viên một công ty truyền thông có trụ sở tại Mỹ Đình. Lê kể: “Tưởng mọi chuyện “êm chèo, mát mái” nhưng vì kinh tế khó khăn, sau Tết, các hợp đồng tổ chức sự kiện với đối tác đều bị hủy. Mới đây, công ty đột ngột thông báo cắt giảm nhân sự. Thất nghiệp nửa tháng nay, mình đang chạy khắp nơi tìm việc vẫn chưa có nơi nào gọi”.

 
Theo ông Phong, để thuận tiện cho việc giải quyết thủ tục, từ 1.7, trung tâm sẽ đưa vào thí điểm hệ thống “một cửa”. Mọi thủ tục hành chính được công khai, minh bạch, tránh tiêu cực; người LĐ không phải chờ đợi và đi lại nhiều lần. Thời gian chờ thủ tục giải quyết chế độ nhận BHTN sẽ giảm từ 20 ngày xuống còn 17 ngày.

Theo ông Nguyễn Toàn Phong, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội, số người đăng ký thất nghiệp tại trung tâm trong tháng 5 là hơn 2.900 người, tăng 500 người (khoảng 20%) so với tháng 4 và tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, cuối tháng 5 và đầu tháng 6, số người đăng ký thất nghiệp khoảng 700-800 người/tuần. “Trung bình mỗi ngày có trên 150 người đăng ký. Nguyên nhân do khó khăn, nhiều DN tiếp tục cắt giảm lao động, đặc biệt là các DN trong các ngành nghề gia công, chế biến, điện tử….tại các khu công nghiệp”, ông Phong cho biết.

Những DN có số lượng đăng ký thất nghiệp đông như Công ty Canon 101 người; công ty Panasonic 82 người; công ty Nissei 96 người…

Cũng theo ông Phong, đáng lo ngại là số người đến xin trợ cấp thất nghiệp có trình độ ĐH - CĐ chiếm tới 30-40%. Phần lớn trong số đó làm việc tại các công ty tư nhân và TNHH trong ngành thương mại, dịch vụ. “Đây là những DN vừa và nhỏ không đủ sức vượt qua khủng hoảng. Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng tại các phiên giao dịch việc làm khoảng 1.000 người, chỉ bằng 1/3 số người thất nghiệp. Trong đó, chỉ tiêu tuyển lao động có trình độ CĐ-ĐH không nhiều, chỉ chiếm chưa đến 20%. Còn lại chỉ tiêu uyển dụng lao động có tay nghề trung cấp, công nhân kỹ thuật và lao động phổ thông đều chiếm tỉ lệ ngang nhau là 40%”, ông Phong thông tin.

Ông Nguyễn Bá Thắng, Phó viện trưởng viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐ-TB-XH) cho rằng, chất lượng đào tạo trong các trường CĐ-ĐH chưa cao nên lao động mới tốt nghiệp đa số không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các cơ quan, DN. Mặt khác, sự chuyển dịch mô hình, cơ cấu kinh tế khiến cho cung và cầu trong LĐ thay đổi, trong khi các ngành đào tạo trong nhà trường chưa bắt kịp được xu thế sử dụng LĐ của DN.

Theo ông Nguyễn Toàn Phong, trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, người LĐ không nên quá cầu toàn. Nếu không tìm được việc đúng ngành nghề hãy tìm một công việc gần với ngành nghề mình đã học. Trong thời gian chờ tìm được việc như sở nguyện, nên tranh thủ học hỏi, bổ túc thêm kỹ năng tìm việc, ứng xử…

Dự báo của Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội cho thấy, tỉ lệ thất nghiệp sẽ tiếp tục gia tăng những tháng tới. Tuy nhiên, vẫn có một số ngành nghề đang thiếu hụt LĐ như nhân viên nhà hàng, khách sạn, nhân viên đưa hàng, chăm sóc khách hàng, thợ kỹ thuật, cơ khí….

Thu Hằng

>> Công nhân mất việc được hưởng 6 tháng bảo hiểm thất nghiệp
>> Mệt mỏi vì thủ tục bảo hiểm thất nghiệp
>> Vĩnh Long chi trả trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp gần 7,6 tỉ đồng
>> Thu hồi gần 40 triệu đồng trục lợi bảo hiểm thất nghiệp
>> Thành lập văn phòng giao dịch bảo hiểm thất nghiệp và việc làm  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.