Để không còn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp

08/07/2014 08:00 GMT+7

162.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp là con số được Bộ LĐ-TB-XH, Tổng cục Thống kê và Tổ chức lao động quốc tế (ILO) đưa ra trong bản tin thị trường lao động số 2.2014 vào sáng 1.7.

Để không còn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp

Giảng viên đồng thời là cán bộ Ngân hàng Phát triển Nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB) đang thị phạm tại chỗ cho SV Cao đẳng Viễn Đông

Thất nghiệp là hiện tượng phổ biến trong nền kinh tế thị trường khi các nguồn lực (đầu vào) của nền kinh tế luôn thay đổi và luôn phải đối mặt sự cạnh tranh.

Theo các báo cáo của ngành lao động và thống kê thì tỷ lệ thất nghiệp tại VN hiện tại dưới 5%, là con số khá lý tưởng ở các quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên nếu lấy lực lượng lao động được đào tạo là cử nhân, thạc sĩ bị thất nghiệp trên tổng số lao động đào tạo thì chất lượng đào tạo ĐH và sau ĐH đang có vấn đề chưa gắn với nhu cầu xã hội?

Trong cuộc hội thảo ngày 27.6 về công nghiệp phụ trợ do UBND TP.HCM tổ chức có sự tham dự của các khu chế xuất, khu công nghệ cao và các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam và các hội đoàn nước ngoài như Jetro, Kotra… đã gióng lên hồi chuông báo động về chất lượng nguồn nhân lực là một rào cản nghiêm trọng thứ hai trong việc phát triển công nghiệp phụ trợ.

Trở lại báo cáo của Intel cách đây mấy năm về chất lượng phỏng vấn một trong các trường hàng đầu tại TP.HCM về kỹ sư công nghệ thông tin cũng cho kết quả đáng ngại khi tỷ lệ phỏng vấn được chấp nhận chỉ chiếm chưa tới 10% trong tổng số ứng viên.

Năng suất lao động và mức lương hiện tại của phần lớn lao động qua đào tạo ĐH, thạc sĩ ở Việt Nam chưa cao. Với trình độ ĐH, khi xin việc thường kỳ vọng ở mức lương 4 - 5 triệu đồng ở phổ trung bình. Nếu tính chi phí đào tạo trong 4 năm là gần 80 triệu đồng (cả học tập, sinh hoạt) thì thời gian hoàn vốn thường mất trên 6 năm (nếu để dành được 1 triệu đồng/tháng). Con số này chưa tính đến khả năng tái đầu tư về kỹ năng tin học, tiếng Anh mà hầu hết SV Việt Nam buộc phải học thêm sau khi tốt nghiệp.

Đào tạo gắn với nhu cầu xã hội

Tin từ một trường trung cấp tại TP.HCM cho biết hầu hết các SV ở đây đều được khuyến khích đi thực tế tại các nhà hàng, bếp ăn trong thành phố, bên cạnh được thực hành chính quy tại trường. Việc tiếp cận có khuyến khích này của nhà trường đã làm cho hiệu quả đào tạo nâng lên rõ rệt.

Ở bậc cao hơn một chút mô hình vừa là thầy vừa doanh nghiệp đang thu hút đã và đang tạo sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng đào tạo tại Trường cao đẳng Viễn Đông. Những người thầy, cô ở đây đồng thời cũng là những người đang đảm nhiệm những trọng trách đúng ngành nghề tại các DN ở TP.HCM. Điều này đã mang tới cho SV những chương trình đào tạo thực tiễn, tạo nên gắn kết tự nhiên giữa học và thực hành.

Mô hình ĐH chất lượng cao của một trường ĐH khác tại TP.HCM khi yêu cầu SV năm thứ nhất phải đi cùng doanh nghiệp cũng là những hành động thiết thực.

Qua 3 ví dụ trên và nhiều ví dụ khác trong các cơ sở đào tạo tại TP.HCM hiện đang góp phần góp sức tạo ra môi trường học tập năng động, cạnh tranh từ thực tiễn. SV được đào tạo từ các cơ sở này có tỷ lệ kiếm việc làm sau tốt nghiệp, đúng ngành nghề cao, những SV này còn cho biết có mức thu nhập từ trung bình tới cao so với các bạn SV cùng học tại các cơ sở khác.

Bên cạnh lợi ích cho SV, các giảng viên ở đây có điều kiện tăng thêm thu nhập hợp pháp mà không cần phải "chạy sô" dạy học 3 ca như trước đây. Việc cọ xát thực tế còn giúp giảng viên dễ dàng nắm bắt cái mới và từ đó chất liệu bài giảng phải thay đổi.

Đây có thể chỉ mới là bước khởi đầu của Trường cao đẳng Viễn Đông và các trường nói trên. Chắc chắn còn nhiều gương điển hình khác đang âm thầm tạo dựng thương hiệu riêng cho mình để làm sao trong báo cáo năm sau của ngành lao động và thống kê con số 162.000 cử nhân, thạc sĩ không còn là nỗi ám ảnh của SV khi tốt nghiệp và bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội. 

Hải Đông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.