Điệp viên hoàn hảo X6 - Kỳ 5: Chiến thắng Ấp Bắc

07/09/2013 03:05 GMT+7

Những báo cáo của Phạm Xuân Ẩn đã giúp Hà Nội xây dựng được những đối pháp hiệu quả để chống lại hình thức chiến tranh kiểu mới của Mỹ. Chiến thắng tại Ấp Bắc là một ví dụ minh họa cho giá trị của những báo cáo tình báo mà ông Ẩn gửi vào rừng.

Điệp viên hoàn hảo X6 - Kỳ 5: Chiến thắng Ấp Bắc

Trực thăng Mỹ - VNCH bị bắn rơi trong trận Ấp Bắc - Ảnh: Từ sách Điệp viên hoàn hảo

>> Điệp viên hoàn hảo X6 - Kỳ 4: Đơn độc trong vùng nguy hiểm
>> Điệp viên hoàn hảo X6 - Kỳ 3: Bắt đầu cuộc sống kép
>> Điệp viên hoàn hảo X6 - Kỳ 2: Tìm đường đến Mỹ
>> Điệp viên hoàn hảo X6 - Kỳ 1: Sứ mệnh bắt đầu

Ngày 28.12.1962, Sư đoàn 7 bộ binh Việt Nam Cộng hòa, đóng tại đồng bằng sông Mê Kông, được lệnh thu giữ một máy truyền sóng vô tuyến của PLAF (Quân Giải phóng nhân dân) hoạt động gần làng Ấp Bắc, vốn đang được một đơn vị Việt Cộng nhỏ với chừng 120 tay súng bảo vệ. Cố vấn cấp cao người Mỹ của Sư đoàn 7 Quân lực Việt Nam Cộng hòa là John Paul Vann, người đã ở Việt Nam trong 8 tháng và chưa từng giáp mặt kẻ thù. Trung tá lục quân Vann là một trong những nhân vật huyền thoại của Chiến tranh Việt Nam...

Vann ngứa ngáy muốn tham gia trận đánh để ông ta có thể đánh giá xem các tư lệnh Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã hấp thu các bài huấn luyện của ông tới mức nào. Ở phía bên kia, viên tư lệnh Việt Cộng cũng đã chuẩn bị giáng một đòn vào các máy bay trực thăng Mỹ. Sự xuất hiện của đại đội trực thăng vận đầu tiên của Mỹ vào tháng 12.1961 đã gây ra nhiều khó khăn cho du kích quân, tương tự như các “trận càn” bạo liệt do Quân lực Việt Nam Cộng hòa thực hiện vào ban ngày quét qua các làng mạc để truy bắt Quân giải phóng. “Lúc bấy giờ chúng tôi không biết cách nào để chống lại trực thăng và thiết xa”, ông Mai Chí Thọ nói với tôi. “Ông Ẩn đã cung cấp các thông tin giúp chúng tôi xây dựng một lối đánh ở tầm chiến thuật”.

Giờ đây, được trang bị một kế hoạch chiến lược mới, Quân giải phóng đã sẵn sàng chọi lại trực thăng. Vài tuần trước, để tính toán tầm bắn hiệu quả nhất, họ đã tập luyện tại vùng Đồng Tháp Mười với mục tiêu là mô hình trực thăng Shawnee và Huey làm bằng giấy bìa gắn trên cọc tre để mô phỏng các đặc điểm bay của chúng… 

Tin tức tình báo của Vann đã sai; không phải là một đại đội 120 người, ông ta đã đối mặt với Tiểu đoàn 261 chính quy của Việt Cộng với 320 quân được sự hỗ trợ của 30 dân quân. Nhưng Quân lực Việt Nam Cộng hòa vẫn vượt trội về số lượng lẫn phương tiện. Một tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 7 bộ binh gồm 330 binh sĩ, được yểm trợ bởi hai tiểu đoàn bảo an và một đại đội gồm 13 xe thiết giáp chở quân M-113, thêm vào đó là một đại đội bộ binh cùng xe bọc thép chở quân (APC) mười tấn được Việt Cộng gọi là “rồng xanh”. Tổng quân số lên tới hơn 1.000.

Mới bước vào trận, quân Việt Nam Cộng hòa ngay lập tức đã hứng chịu tổn thất về nhân mạng và các sĩ quan chỉ huy đã gọi quân tiếp viện từ làng Tân Hiệp gần đó. “Mười trực thăng Shawnee và năm trực thăng tấn công Huey thế hệ mới” bay đến. Khi chúng vừa tới Ấp Bắc, chiếc lưới đã được bủa ra với hàng loạt đạn được bắn lên từ dưới các hàng cây trên bờ đê. Trong vòng vài phút, mười bốn trong số mười lăm trực thăng bị bắn trúng, bốn chiếc rơi, trong đó có một chiếc Huey, và ba người Mỹ thiệt mạng. Quân Việt Nam Cộng hòa vẫn còn cơ hội cứu vãn tình hình bởi Việt Cộng đã bị bao vây và lối rút quân duy nhất là băng qua cánh đồng phía đông. Vann vội điều động thiết xa nhưng Diệm trước đó đã ban lệnh rằng không ai được tham chiến nếu không được Sài Gòn trực tiếp chuẩn thuận. Ông cũng chỉ đạo tất cả tư lệnh các quân đoàn và sư đoàn là phải tránh tổn thất lớn về nhân mạng. Ai không tuân theo chỉ thị đơn giản này sẽ không được thăng cấp. Viên tư lệnh Việt Nam Cộng hòa ở đấy đã không chấp hành chỉ đạo của Vann về việc bít đường rút quân của Việt Cộng. Khi hoàng hôn xuống, quân Việt Cộng rút lui.

Vann coi trận này là bằng chứng cho thấy đội quân mà ông được giao nhiệm vụ huấn luyện kém năng lực một cách tệ hại. “Một thành tích quá tồi tệ. Những người này không chịu nghe lệnh. Bọn họ cứ lặp đi lặp lại những lỗi chết tiệt”. Trận đánh cho thấy những binh sĩ chiến đấu cho Quân lực Việt Nam Cộng hòa sẽ chết uổng mạng nếu đặt họ dưới sự chỉ huy của mấy viên tướng bất tài và chuyên nịnh hót mà Diệm đã đưa vào các vị trí chủ chốt. “Trận Ấp Bắc đã bộc lộ cái chính sách thăng tiến và bổ nhiệm vào thành phần lãnh đạo Quân lực Việt Nam Cộng hòa mà chỉ dựa vào lòng trung thành với Diệm chứ không dựa trên năng lực nghiệp vụ là hoàn toàn sai lầm”, ông Ẩn nói với tôi. Tướng Huỳnh Văn Cao, người được Diệm tin tưởng là nhân vật trung thành nhất với gia đình họ Ngô và đã được thăng cấp rất nhanh, đã bộc lộ cả sự bất tài và hèn nhát. “Ông Diệm có những vị tướng chưa bao giờ hoàn thành nhiệm vụ nhưng vẫn được thăng cấp bởi họ từng hôn tay Nhu và Diệm. Ấp Bắc là nơi những con gà trống đầu tiên về nhà” Ẩn nói kèm theo nụ cười và nhìn vào bộ sưu tập chim của ông.

Báo cáo tổng kết trận chiến của Vann là bản cáo trạng đối với tư lệnh ở tất cả các cấp vì họ đã không hành động quyết đoán và không khích lệ binh sĩ của mình. Cố vấn cấp cao của Mỹ, đại tá Daniel B.Porter, coi báo cáo tổng kết này “có lẽ là bản nhiều tư liệu nhất, toàn diện nhất, có giá trị nhất và tiết lộ nhiều vấn đề nhất trong tất cả các bản báo cáo” từng được trình lên trong năm vừa qua.

Không thể đánh giá thấp ý nghĩa của trận Ấp Bắc đối với Quân giải phóng ở miền Nam và uy tín của Ẩn tại Hà Nội. Ấp Bắc trở thành một lời hiệu triệu, và Trung ương cục miền Nam đã phát động một phong trào “Thi đua Ấp Bắc” trên khắp miền Nam Việt Nam. Báo cáo đánh giá tình báo đặc biệt của CIA vào ngày 17.4.1963 kết luận rằng “Việt Cộng đã cho thấy họ là một kẻ thù đáng gờm và là lực lượng du kích hiệu quả… Họ đã chứng tỏ sự linh hoạt trong việc điều chỉnh chiến thuật để đối phó với mô thức chiến dịch kiểu mới của Nam Việt Nam… Một nhân tố quan trọng góp phần vào thành công này chính là hệ thống tình báo hiệu quả của họ”...

Phía Việt Cộng coi “trận chống càn vào ngày 2.1.1963” là một “thắng lợi to lớn của quân và dân ta… Chiến thắng trong trận chống càn Ấp Bắc cho thấy quân ta đã lớn mạnh về kỹ và chiến thuật… Thắng lợi này cũng cho chúng ta thấy rõ các lợi điểm về chiến thuật của kẻ thù”.

Với những đóng góp trong trận Ấp Bắc, Phạm Xuân Ẩn về sau đã nhận Huân chương Chiến công đầu tiên trong bốn huân chương loại này mà ông được trao tặng…

Larry Berman
Người dịch: Đỗ Hùng
Bản quyền và Thực hiện: First News - Trí Việt

LOẠT KÝ SỰ NHIỀU KỲ "GIẢI MÃ" PHẠM XUÂN ẨN 
CỦA NHÀ BÁO HOÀNG HẢI VÂN

>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ cuối
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 16
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 15
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 14
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 13
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 12
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 11
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 10
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 9
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 8
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 7
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 6
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 5
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 4
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 3
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 2
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 1
>> Khởi đăng ký sự nhiều kỳ: "Giải mã" Phạm Xuân Ẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.