Điệp viên hoàn hảo X6 - Kỳ 4: Đơn độc trong vùng nguy hiểm

06/09/2013 11:00 GMT+7

Trong vòng một năm sau khi từ Mỹ trở về, Phạm Xuân Ẩn đã kết thân với bác sĩ Trần Kim Tuyến, làm nhân viên trong khu vực văn phòng tổng thống, trở thành bạn của Nguyễn Thái tại Việt Tấn xã, rồi chuyển tới làm việc cho Reuters.

>> Điệp viên hoàn hảo X6 - Kỳ 3: Bắt đầu cuộc sống kép
>> Điệp viên hoàn hảo X6 - Kỳ 2: Tìm đường đến Mỹ
>> Điệp viên hoàn hảo X6 - Kỳ 1: Sứ mệnh bắt đầu

Việt Nam không hề có trường đào tạo tình báo, và điều trớ trêu là, hành trang bước vào lĩnh vực tình báo của ông Ẩn lại được tích lũy từ một cuốn sách xuất bản năm 1963, Mổ xẻ nghề tình báo: Điệp viên và kỹ thuật của điệp viên từ Roma cổ đại đến sự kiện U-2, mà Ẩn cho biết là ông được phóng viên trẻ David Halberstam làm việc tại Sài Gòn tặng để Ẩn trau dồi kỹ năng viết phóng sự. Ẩn lôi cuốn sách ấy từ thư phòng nhà ông và chỉ cho tôi những phần quan trọng, đầu tiên là điệp viên huyền thoại Richard Sorge của Liên Xô, phóng viên chính thức của bốn tờ báo trong thời gian làm việc dưới vỏ bọc tại Nhật Bản từ năm 1933 tới 1942...

"Nghề tôi có hai cái kỵ”, Ẩn nói với người Việt Nam viết hồi ký cho ông. “Nếu bị bắt, không trốn được (nếu trốn được thì tốt), nhưng nếu không sống được thì phải kể là chết. Cái cần giữ không phải xác anh. Xác anh kể là chết, nhưng không được tiết lộ nguồn tin. Không khai báo đã đành, ngay khi những gì địch đã biết, anh có thể nhận, nhưng tuyệt đối phải bảo vệ người cung cấp tin. Thứ hai là cái gì lấy được rồi, giấu tuyệt đối”...

Ẩn chọn cách giấu các cuộn phim bên trong các miếng chả trứng cuốn hoặc nem chua (thịt sống được gói trong lá chuối), nhưng các điệp viên khác thì chọn phương cách khác. “Đối với tài liệu viết bằng nước trà trên những tờ giấy dầu màu vàng thì dùng những tờ giấy đó... gói đồ, hoặc dán lại thành cái túi đựng đồ. Còn phim thì làm theo hai cách. Một là mua một đôi dép cao su xốp, lột lớp phía trên ra, rồi lấy dao cắt rỗng miếng xốp trong đế dép, phim cắt ra từng khúc nhét vào đó rồi dán lại”, con trai ông Ba Quốc kể. “Một chiếc dép chứa được một phần tư cuộn phim, một đôi được nửa cuộn; nửa cuộn còn lại cũng cắt ra, cuộn nhỏ lại, nhét vào đồ chơi trẻ em. Tất cả đựng vào cái túi bằng giấy dầu màu vàng nói trên, cả vỏ cả ruột đều là tài liệu. Ông đem cái túi đó để vào cốp xe Vespa rồi mang đi gặp giao liên nội đô”…

Điệp viên hoàn hảo X6
Phạm Xuân Ẩn (thứ hai từ trái) đang tác nghiệp dưới vỏ bọc là một phóng viên - Ảnh: Từ sách Điệp viên hoàn hảo

Ẩn luôn ví mình như một con sói cô đơn bởi không có một ai giám sát các hoạt động hằng ngày của ông. Ẩn chính là trường hợp mà trong ngành tình báo Mỹ gọi là điệp viên đơn độc hoạt động trong vùng cấm. Do hoàn cảnh quá nguy hiểm nên việc tiếp xúc trực tiếp bị cấm; mọi bước đi đều do Ẩn tự nghĩ ra. Ông có một loạt cấp trên trực tiếp, đầu tiên là Mười Hương. Nếu Trung ương cục miền Nam cần gì đấy đặc biệt, Ẩn sẽ nhận được yêu cầu thông qua mật thư của bà Ba hoặc bà này có thể gây chú ý cho Ẩn lúc ông đưa con đến trường.

“Tôi là nhà tình báo chiến lược, không phải tình báo chính trị, vốn thường chuyên về các hoạt động như tổ chức các nhóm đảo chính hoặc thực hiện các hoạt động gián điệp chính trị”, Ẩn thường nhấn mạnh. “Tôi là học trò của Sherman Kent, công việc của tôi là giải thích và phân tích thông tin”...

Sau chuyến thăm lịch sử của Richard Nixon tới Trung Quốc vào tháng 2.1972, cách thức làm việc của Ẩn đã có sự thay đổi quan trọng. “Tôi buộc phải thay đổi mọi thứ sau chuyến thăm của Nixon bởi có rất nhiều gián điệp Trung Quốc hoạt động tại Việt Nam. Mọi việc đều rất nguy hiểm ngoại trừ báo cáo, vì thế tôi phải dành nhiều thời gian hơn để đọc và phân tích tài liệu sau đó ngồi gõ những bản báo cáo dài. Chỉ có một lần vào năm 1974 là tôi có làm một chuyện ngoại lệ, nhưng lúc đó thì người Mỹ rút rồi. Tôi nói với cấp trên rằng tôi là người phân tích, nếu họ muốn lấy tài liệu thì các điệp viên sẽ làm; họ có rất nhiều phương cách để có tài liệu nhưng không phải lấy từ tôi nữa. Mang tài liệu về nhà rồi sau đó đem trả lại rất dễ bị tóm”…

Ẩn luôn nhấn mạnh vai trò của vận may trong nghề tình báo. Ông thường đi xem bói và nếu thầy phán hôm đó là ngày xấu thì ông không ra ngoài. Ẩn thậm chí còn coi số xe của mình “NBC 253” là số xui vì đó là số bù, con số rất xấu theo quan niệm tướng số của người Việt Nam. “Tôi nhớ thời bà Nhu cấm đánh bạc, chúng tôi thường ngồi ở góc đường và cá độ biển số mấy chiếc xe chạy qua. Không ai muốn ngồi gần xe tôi vì đấy là số xui”…

Khi thực hiện các bài viết cho Time, Ẩn chủ yếu dựa vào tài liệu mà các phóng viên khác có được - đó là tài liệu thu giữ của đối phương, bài của hãng thông tấn, bài viết trên các báo, thêm vào đó là các nguồn tin cấp cao của ông. Điều này có nghĩa là ông không sử dụng mọi thứ có được để phục vụ các bài viết cho tờ Time. Mặt khác, là một điệp viên chiến lược, Ẩn dựa vào các tài liệu lấy được nhờ vào đầu mối bên trong các cơ quan như CIO, Quân lực Việt Nam Cộng hòa, Quốc hội và các đầu mối trong cộng đồng tình báo Mỹ, Pháp và Trung Quốc…

Trước khi Mỹ tăng cường lực lượng ở khu vực xung quanh Củ Chi, Ẩn thường tới căn cứ của Việt Cộng để thảo luận về các báo cáo của ông và nhận nhiệm vụ mới. Ẩn thực hiện các chuyến đi này theo một cách rất lạ. Ông để ria mép và tóc khá dài nhằm che giấu diện mạo cũng như tạo vỏ bọc cho sự vắng mặt của mình. Ông nói với các đồng nghiệp ở Time rằng “giáo sư tình dục học” sẽ đi nghỉ ba ngày ở Huế, nơi có nhiều gái đẹp mê vẻ ngoài nghệ sĩ và phong cách lập dị.

"Chuyện để ria mép là tôi học được từ CIO, không phải kỹ thuật để ria mà là nghiệp vụ phát hiện Việt Cộng”, Ẩn giải thích. “CIO thường tới Củ Chi dò hỏi người dân xem họ có thấy người lạ nào tới đây không. Nếu người ta thấy tôi rồi miêu tả lại cho CIO thì họ cũng không nhận ra, vì nhân viên CIO khi đó sẽ ghi chú là có một người lạ để ria mép. Trên đó không ai biết tên tôi, nên họ chỉ miêu tả hình dáng”. Điều gì sẽ xảy ra nếu ai đó ở Sài Gòn nhớ ra rằng ông đã để ria mép, tôi hỏi. Ông cười lớn và nói rằng đến lúc thông tin đó được chuyển xuống Sài Gòn cho CIO và họ đi tìm một ai đó phù hợp với miêu tả, thì ông có thể đã từ Huế về lâu rồi và chẳng ai nghi ngờ chuyện này cả, nhưng nếu thực sự họ nhớ ra chuyện để ria, thì ông có thể đáp: “Các ông nói gì thế? Tôi không có ria mép. Nhìn xem này, có đâu? Tôi ra Huế để kiếm gái đẹp, chứ đâu có lên Củ Chi tìm Việt Cộng. Rồi tôi có thể bảo họ tới hỏi ông Nguyễn Cao Kỳ xem - ông ta cũng để ria mép đấy, có lẽ ông ta đã tới Củ Chi!”.

Larry Berman
Người dịch: Đỗ Hùng
Bản quyền và Thực hiện: First News - Trí Việt

LOẠT KÝ SỰ NHIỀU KỲ "GIẢI MÃ" PHẠM XUÂN ẨN
CỦA NHÀ BÁO HOÀNG HẢI VÂN

>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ cuối
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 16
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 15
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 14
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 13
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 12
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 11
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 10
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 9
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 8
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 7
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 6
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 5
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 4
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 3
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 2
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 1
>> Khởi đăng ký sự nhiều kỳ: "Giải mã" Phạm Xuân Ẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.