Điệp viên hoàn hảo X6: Sứ mệnh bắt đầu

03/09/2013 11:00 GMT+7

Công ty First News - Trí Việt đã hợp tác cùng nhà sử học người Mỹ Larry Berman mang cuốn Điệp viên hoàn hảo đến với độc giả VN. Trong ấn bản mới, tác giả Berman cho rằng ông đã bổ sung nhiều thông tin chưa từng được biết đến, bao gồm những điều mà nhà tình báo chiến lược - thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn dặn chỉ được công bố sau khi ông qua đời. Thanh Niên xin giới thiệu một số trích đoạn quan trọng.

Phạm Xuân Ẩn trở thành đảng viên Cộng sản vào tháng 2.1953 trong một lễ kết nạp ở tỉnh cực nam Cà Mau, cách Sài Gòn 350 cây số. Cán bộ cấp cao nhất của Việt Minh hoạt động ở miền Nam, ông Lê Đức Thọ, chủ trì lễ kết nạp và sau đó đã kéo Ẩn ra nói chuyện riêng. Ông Thọ tham gia nhóm cách mạng của Hồ Chí Minh từ rất sớm và là một trong những sáng lập viên của Đảng Cộng sản Đông Dương. Ông từng bị người Pháp cầm tù mười năm, trong đó có khoảng thời gian lao động khổ sai tại Poulo Condore, về sau gọi là Côn Sơn, một hòn đảo với hệ thống nhà tù khét tiếng khắc nghiệt…

“Anh Sáu Búa”, biệt danh mà các đồng chí đặt cho Lê Đức Thọ, cảnh báo Ẩn rằng khi cuộc chiến chống Pháp kết thúc, Mỹ sẽ không để cho người VN tự quyết định tương lai của mình. Những kẻ đế quốc mới sẽ thay thế thực dân Pháp, và cuộc chiến sắp tới sẽ lâu dài và tàn khốc. Ẩn được chỉ thị phải chuẩn bị sẵn sàng cho bất cứ nhiệm vụ nào mà Đảng giao phó trong công cuộc bảo vệ đất nước.

Điệp viên hoàn hảo: Sứ mệnh bắt đầu
Phạm Xuân Ẩn (hàng đầu bìa phải) khi làm việc cho Hãng dầu mỏ Caltex - Ảnh: Từ sách Điệp viên hoàn hảo

Một thập kỷ trước đó, Ẩn không thể tưởng tượng ra cảnh có ngày mình sẽ trở thành đảng viên Đảng Cộng sản. Sau khi Pháp đầu hàng Hitler, Nhật nhảy vào VN. Ẩn lúc bấy giờ là một thiếu niên sống ở thị trấn cảng miền nam Rạch Giá, đã tận mắt chứng kiến cảnh lính Nhật hành xử độc ác với tù binh Pháp bằng cách xích nhiều người lại rồi vừa đánh đập vừa giải đi. “Tôi không bao giờ thích người Pháp vì thực dân Pháp đã đối xử tàn tệ với trẻ em VN chúng tôi. Nhưng sự tàn bạo của quân Nhật cũng khiến tôi ghê sợ...”.

Ngày 6.8.1945, quả bom nguyên tử đầu tiên được thả xuống Hiroshima; ba ngày sau, quả bom thứ hai được ném xuống Nagasaki. Nhật Bản lập tức đầu hàng, Thế chiến II kết thúc. Ngay sau đó, quân Việt Minh của Hồ Chí Minh tiến vào Hà Nội và kiểm soát các cơ quan chính phủ, tiến hành cuộc Cách mạng tháng 8. Ngày 2.9, trước đám đông 400.000 người ở Quảng trường Ba Đình ở Hà Nội, ông Hồ công bố bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử của VN, nhắc lại những ngôn từ nổi tiếng của Thomas Jefferson: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”…

Sau Thế chiến II, Mỹ nổi lên như một cường quốc vượt trội. VN nhanh chóng trở thành một con tốt trong cuộc chiến tranh lạnh mới… Cuối năm 1945, ông Hồ có nỗ lực cuối cùng để tìm kiếm sự giúp đỡ của Mỹ, bằng cách viết thư cho Tổng thống Harry S.Truman và Ngoại trưởng James Byrnes trong đó nêu rõ rằng sự kiện Philippines giành độc lập có thể được coi là một hình mẫu: “Với niềm tin vững chắc, chúng tôi đề nghị nước Mỹ trong vai trò là người bảo vệ và là nhà quán quân của công lý trên thế giới hãy thực hiện bước đi quyết định là ủng hộ nền độc lập của chúng tôi. Điều mà chúng tôi đề nghị này chính là điều đã được trao cho Philippines. Tương tự Philippines, mục tiêu của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Mỹ”.

Điều đó đã không thành hiện thực.

Phạm Xuân Ẩn cùng một thế hệ người VN tham gia cuộc cách mạng để chống lại nỗ lực sau chót và vô vọng của người Pháp nhằm giành lại quyền lực thực dân. Ẩn nhớ lại lúc mình đang ở Cần Thơ thì nghe tin ông Hồ đọc tuyên ngôn. “Tôi rất phấn chấn. Tôi muốn tham gia chiến đấu vì đất nước, để đánh bại quân Pháp. Tôi chỉ là một trong số rất nhiều người như thế và đó là phản ứng tự nhiên”. Lúc bấy giờ, lũ trẻ con như Ẩn thường phải dự lễ chào cờ trong trường, với lá cờ nước Pháp được thượng lên trước, sau đó mới đến cờ VN và các học sinh phải hát bài Maréchal, nous voilà, bài hát phổ biến nhất của chính phủ Vichy có nội dung ca ngợi Thống chế Henri-Philippe Pétain. Dưới chế độ thực dân Pháp, người VN bị coi là đồ nhà quê (nhaques).

Là một chàng trai mới lớn, Ẩn không biết gì về Marx hoặc Lenin, nhưng cậu luôn mơ ước đất nước được độc lập và sự bất công mà thực dân đã áp đặt hàng chục năm qua chấm dứt…

Tháng 10.1945, Ẩn rời trường trung học ở Cần Thơ và gia nhập lực lượng Việt Minh chuẩn bị vào rừng để đánh Pháp. Khi tàu chiến Pháp bắn phá Hải Phòng vào tháng 11.1946, chiến tranh toàn diện đã nổ ra giữa Pháp và Việt Minh. Ngày 19.12.1946, ông Hồ ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

Nhưng rồi Ẩn đã không thể vác súng hay gậy để lao vào cuộc chiến này. Cậu buộc phải trở lại Sài Gòn vào năm 1947 để chăm sóc người cha đang bị bệnh lao rất nặng. Tại đây, cậu trở thành người tổ chức các cuộc biểu tình của sinh viên, học sinh nhằm phản đối người Pháp và sau này là người Mỹ. Ẩn còn nhớ rất rõ một ngày vào tháng 3 năm 1950, khi chiến hạm USS Richard B.Anderson thăm Sài Gòn, mang theo hàng tiếp tế giúp quân Pháp chống lại Việt Minh. Cậu là một trong những người tổ chức các cuộc xuống đường phản đối chiếc tàu Mỹ neo đậu tại cảng Sài Gòn.

Sự nghiệp lãnh đạo biểu tình của Ẩn nhanh chóng kết thúc khi cấp trên trực tiếp là bác sĩ Phạm Ngọc Thạch nói với cậu rằng cách mạng có nhiệm vụ mới giao cho cậu. Bác sĩ Thạch, một phụ tá thân cận từ rất sớm của Hồ Chí Minh, bảo Ẩn không được tham gia bất cứ cuộc xuống đường nào để tránh bị bắt hoặc bị chú ý. Ẩn cảm thấy băn khoăn và thất vọng, trong lòng tự hỏi không biết cách mạng có nhiệm vụ gì mới cho mình. Ít lâu sau, Ẩn được triệu tập lên căn cứ Việt Minh tại Củ Chi ở phía bắc Sài Gòn và bác sĩ Thạch nói rằng cậu sẽ được tham gia lớp tình báo chiến lược đầu tiên của VN.

Ẩn không mấy thích thú cái nghề mà cậu coi là “chim mồi” này. Nhưng trên đã quyết rồi… “Tôi không còn lựa chọn nào khác”, Ẩn nói với tôi. “Đất nước giao cho tôi sứ mệnh mới. Không có gì phải thắc mắc cả. Đấy chính là lời giải thích cho công việc mới của tôi”.

Larry Berman
Người dịch: Đỗ Hùng
Bản quyền và Thực hiện: First News - Trí Việt

LOẠT KÝ SỰ NHIỀU KỲ "GIẢI MÃ" PHẠM XUÂN ẨN
CỦA NHÀ BÁO HOÀNG HẢI VÂN

>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ cuối
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 16
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 15
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 14
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 13
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 12
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 11
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 10
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 9
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 8
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 7
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 6
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 5
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 4
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 3
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 2
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 1
>> Khởi đăng ký sự nhiều kỳ: "Giải mã" Phạm Xuân Ẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.