‘Hố tử thần’ ở Phú Thọ: Hơn 400 hộ dân đang nằm trong diện nguy hiểm

28/08/2013 18:55 GMT+7

(TNO) Bà con ở xã Ninh Dân, H.Thanh Ba, Phú Thọ ngày càng hoang mang do cứ đổ đất lấp đầy 'hố tử thần' không được lâu lại sụp xuống, như không có đáy.

(TNO) Bà con ở xã Ninh Dân, H.Thanh Ba, Phú Thọ ngày càng thêm hoang mang do cứ đổ đất lấp đầy “hố tử thần” không được lâu lại sụp xuống, như không có đáy.

>> Hố tử thần ở Phú Thọ
>> Hố tử thần' liên tiếp xuất hiện ở Phú Thọ
>> Nạn nhân bị 'hố tử thần nuốt chửng': Tôi như rơi xuống địa ngục !
>> Hố tử thần' gây hoang mang dân Cẩm Phả
>> Vụ 'hố tử thần' nuốt người: Thêm hai hộ dân phải khẩn cấp di dời
>> Đang ngủ, một phụ nữ bị 'hố tử thần nuốt chửng
>> Hố tử thần' giữa lộ
>> Hố tử thần' xuất hiện giữa lộ

hố tử thần
Bà Dương Thị Mậu cũng như nhiều người dân khác ở Ninh Dân không khỏi hoang mang khi thấy "hố tử thần" liên tiếp xuất hiện, trong khi chính quyền địa phương chưa có cách khắc phục triệt để

Đứng trên miệng “hố tử thần” mới “há miệng” ở xã Ninh Dân, PV Thanh Niên Online cũng không khỏi bàng hoàng trước miệng hố sâu hun hút gần 10 m, rộng chừng 4 m2, ngoặm quá nửa vào phòng khách nhà ông Vũ Đức Dũng, con trai bà Dương Thị Mậu.

“Sáng nay, UBND H.Thanh Ba đã cho chở hàng chục chuyến xe tải lớn đá hộc lấp đầy “hố tử thần” sụt hôm 26.8. Đích thân ông Hoàng Dân Mạc, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ cũng đã đến hiện trường chỉ đạo sử dụng xe chở đất đá lấp, rào hố tử thần lại, không cho người dân lại gần. Nhưng chỉ được đến trưa, toàn bộ số đất đá mới trút xuống lại bị tiếp tục sụt xuống. Ngay trước lúc đất đá mới đổ sụt xuống, chúng tôi có nghe tiếng nổ mìn từ công trường khai thác đá cách đây khoảng 300 m”, ông Dũng cho hay.

Ông Dũng và nhiều người dân ở xã Ninh Dân đều khẳng định, từ hôm 23.8, mỗi khi mỏ đá nổ mìn thì “hố tử thần” lại sụt xuống, kể cả khi đổ đầy đất đá.

Nhiều hộ dân trong bán kính 100 m so với “hố tử thần” chưa di dời cho biết những ngày gần đây, lúc ngủ không dám đóng cửa để khi nghe thấy nổ mìn khai thác đá ở mỏ gần đó chạy luôn. “Vì sau những tiếng nổ mìn phá đá thì xuất hiện càng nhiều vết nứt và nhiều “hố tử thần” nhỏ khác", một người dân cho biết.

Đứng gần miệng “hố tử thần”, PV Thanh Niên Online cũng không khỏi bất an khi cảm nhận đất dưới chân vẫn rùng rùng. Nhiều người dân cho biết đến chiều nay, tình trạng này đã bớt đi nhiều. Còn trước đó, đừng càng gần miệng “hố tử thần” càng cảm nhận rõ ràng, nhất là khi đất đá mới đổ xuống bị lún.

Theo quan sát của Thanh Niên Online, bán kính chừng dưới 100 m xung quanh khu vực “hố tử thần” xuất hiện thêm rất nhiều vết nứt mới, chia thành nhiều nhánh. Có vết to đút lọt cả bàn chân, bàn tay người lớn vào, sâu không nhìn thấy đáy.

Nhiều gia đình sống gần khu vực “hố tử thần” như gia đình ông Dũng, bà Mậu, bà Lan, bà Thanh, ông Sơn… quá sợ hãi đã phải di dời, nhưng chưa nhận được hỗ trợ từ phía chính quyền.

Trao đổi với Thanh Niên Online chiều 28.8, ông Vi Mạnh Hùng, Phó chủ tịch UBND H.Thanh Ba cho biết qua các đợt kiểm tra sau khi xảy ra các vết nứt trên địa bàn, chính quyền đã rà soát được 31 hộ nằm diện nguy hiểm. Đến nay đã di dời được đa số các hộ trong diện này đến nơi tái định cư an toàn. Tuy nhiên, do còn vướng mắc trong chuyện đền bù, hỗ trợ nên một số hộ trong vùng nguy hiểm chưa chịu dời đi.

Ông Hùng cho biết thêm, theo chính sách, mỗi hộ di dời sẽ được đền bù, hỗ trợ 50% tổng số tài sản kê khai, nhưng không được quá 250 triệu đồng/hộ. Tuy nhiên, một số hộ dân kiên quyết “mặc cả” đền bù 100% tài sản, có thể lên đến cả tỉ đồng nên chưa chịu đi.

Nói về nguyên nhân tạo ra “hố tử thần”, ông Hùng cho biết sau khi khảo sát, đánh giá, Bộ Tài Nguyên và Môi trường kết luận… sụt lún do tai biến địa chất.

Ông Hùng cũng khẳng định, hoạt động nổ mìn khai thác đá ở gần đó không liên quan đến “hố tử thần”. Việc người dân cho rằng sụt lún là do có nguyên nhân từ hoạt động nổ mìn, khai thác đá ở mỏ đá là không có căn cứ.

Tuy nhiên, ông Thiều Vinh, Chánh văn phòng UBND tỉnh Phú Thọ lại thừa nhận, việc nổ mìn khai thác đá ở mỏ đá của Công ty xi măng Sông Thao có gây ra chấn động nhưng không đủ lớn để taọ ra tai biến địa chất, làm hình thành “hố tử thần”. Dù vậy, UBND tỉnh Phú Thọ vẫn đề nghị Công ty xi măng Sông Thao hỗ trợ các hộ dân phải di dời tránh “hố tử thần” về vật chất.

Phó chủ tịch H.Thanh Ba cũng cho biết thêm, theo khảo sát của tỉnh Phú Thọ thì còn tới hơn 400 hộ dân đang nằm trong diện nguy hiểm, có thể bị sụt xuống lòng đất bất cứ lúc nào, cần di dời khẩn trương. Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho hay, công tác di dời số dân này sẽ hoàn thành trong năm… 2015.

Cũng trong chiều nay, PV Thanh Niên Online liên hệ với lãnh đạo mỏ đá nhưng bị từ chối tiếp với lý do văn phòng ở Hà Nội. Được biết, Nhà máy xi măng Sông Thao có chủ đầu tư là Công ty cổ phần xi măng Sông Thao, Công ty con thuộc Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD).

Không nên đổ cát vào "hố tử thần"

Theo TS Địa chất Thủy văn Đặng Đình Phúc, chuyên gia tư vấn cao cấp của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trước đây, khu vực H.Thanh Ba, Phú Thọ đã từng xảy ra sụt lún nhưng không nhiều như hiện nay.

Theo TS Phúc, nguyên nhân tạo ra “hố tử thần” nói trên có thể do các nguyên nhân: nằm trên vùng địa chất đá vôi hòa tan (địa chất casto), dòng chảy nước ngầm sẽ tạo thành các hang, hố rỗng trong lòng đất. Các yếu tố như thời gian lâu, nước mưa nhiều… sẽ làm thay đổi cấu trúc địa chất, gây sụt lún lớp bề mặt, tạo ra hố lớn còn gọi là “hố tử thần”.

Một nguyên nhân khác là vùng xuất hiện “hố tử thần” có cấu trúc địa chất trên nền đất mềm, kém ổn định sẽ rất dễ bị xói mòn, tạo rỗng dưới lòng đất, có thể gây ra sụt lún.

Đánh giá về tác động của hoạt động nổ mìn, khai thác đá ở khoảng cách rất gần khu dân cư, nơi có “hố tử thần”, TS Phúc cho rằng chắc chắn sẽ có ảnh hưởng.

“Bình thường, những khe nứt kín sẽ nằm yên vị, nhưng khi có tác động từ rung chấn do nổ mìn, có thể tạo thành khe nứt hở. Cộng với động lực dòng chảy ngầm, sẽ tạo ra xói mòn. Kèm theo đó, vùng Thanh Ba, Phú Thọ lại là nơi có kết cấu địa chất casto phổ biến, nhiều hang hố rỗng nên gây ra sụt lún liên tục”, ông Phúc giải thích.

Cũng theo chuyên gia địa chất thủy văn này, để có giải pháp khắc phục “hố tử thần” ở đây, cần phải có khảo sát, đánh giá chi tiết để tìm ra nguyên nhân, khoanh vùng rõ ràng. Từ đó mới đưa ra được giải pháp cụ thể. Còn những biện pháp đổ đất vào chỉ là giải pháp tình thế.

Ông Phúc cũng khuyến cáo, không nên đổ cát xuống “hố tử thần” vì loại vật liệu này dễ bị dòng nước ngầm cuốn đi. Cần đổ những loại vật liệu có đủ tải trọng sao cho động lực dòng nước ngầm không đủ sức đẩy đi, có thể là đá cỡ lớn.

Bài, ảnh: Hà An - Lê Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.