Thử thách khắc nghiệt trên tàu ngầm

16/09/2012 04:00 GMT+7

Không chỉ có sức khỏe tốt, những người tham gia làm việc trên tàu ngầm còn phải được huấn luyện kỹ lưỡng để thích ứng các thử thách khắc nghiệt.

Theo chương trình How Stuff Works thuộc mạng lưới của kênh Discovery Channel, cuộc sống trên một chiếc tàu ngầm chỉ phù hợp với những người có tinh thần vững vàng cùng sức khỏe dồi dào. Đó là vì không gian bên trong tàu ngầm được thiết kế tiết kiệm tối đa và máy móc, thiết bị hầu như chiếm hết các khoảng trống. Vì vậy, ngoài vị trí làm việc và chỗ ăn, ngủ thì gần như không còn nơi nào để các thủy thủ có những hoạt động khác, ngoại trừ vài chiếc máy tập thể dục.

Tàu ngầm thường thiết kế một số ca bin để thủy thủ có thể ngủ nghỉ. Mỗi ca bin có 6 giường được chia làm 3 tầng và nhiều khi 2 người chỉ có 1 giường để thay phiên nhau ngủ. Khi tàu ngầm hoạt động, thủy thủ đoàn sẽ chia thành các ê kíp thay nhau làm việc trong từng ca kéo dài 6 giờ. Vì thế, cuộc sống của những thủy thủ tàu ngầm gần như chỉ gói gọn theo quy trình: làm việc hoặc tập luyện rồi ngủ, thức dậy lại tiếp tục làm việc trong điều kiện mức không khí bị hạn chế, áp lực lớn.

Hơn thế nữa, khi di chuyển giữa lòng đại dương, nếu xảy ra chuyện gì thì chỉ có thủy thủ đoàn tự mình ứng phó và rất khó hy vọng các lực lượng cứu hộ sẽ đến kịp lúc. Đặc biệt, đối với các tàu ngầm sử dụng năng lượng nguyên tử thì rủi ro càng cao vì phải đối mặt với những nguy cơ đáng sợ như rò rỉ phóng xạ. Thông thường, mỗi tàu ngầm có trung bình 70 - 120 nhân sự cho một chuyến hải trình. Mỗi thủy thủ đoàn sẽ làm việc liên tục từ 60 - 80 ngày rồi được thay thế bởi một thủy thủ đoàn khác. Suốt thời gian trên, những người làm việc trong tàu ngầm chẳng khác gì sống trong tù vì hiếm khi được thấy ánh sáng mặt trời và bị hạn chế liên lạc với bên ngoài. Việc giao tiếp bằng email cũng gặp nhiều khó khăn.

 
Bản vẽ cắt lớp mô tả bên trong tàu ngầm hạng Kilo - Ảnh: Defenseindustrydaily.com

 
Phòng ngủ trên tàu ngầm - Ảnh: The Mirror

 
Phòng điều khiển trên một tàu ngầm - Ảnh: The Mirror

Đào tạo phức tạp

Để có được nhân sự đủ sức làm việc trong những điều kiện khắc nghiệt như trên, quy trình tuyển chọn và đào tạo thủy thủ rất phức tạp. Theo chuyên trang thông tin công việc quốc phòng Mỹ USmilitary.com, quy trình tuyển chọn thủy thủ tàu ngầm của nước này rất nghiêm ngặt. Đầu tiên là vòng sơ tuyển tổng thể về sức khỏe và các tiêu chuẩn trình độ. Tiếp đến, các ứng viên đạt tiêu chuẩn sẽ được tham gia một chương trình hoạt động trong 9 tuần để đánh giá về việc có phù hợp với vị trí thủy thủ tàu ngầm hay không. Các ứng viên còn bị kiểm tra về lý lịch và khả năng bảo mật thông tin. Nếu vượt qua được giai đoạn này, ứng viên sẽ được đưa đến một trường đào tạo các kỹ năng cơ bản để trở thành thủy thủ tàu ngầm. Số ứng viên được chia thành từng nhóm 17 người sống trong một căn phòng có diện tích rất nhỏ, mô phỏng theo không gian trên tàu ngầm. Bắt đầu từ đây, họ phải trải qua những chương trình huấn luyện phức tạp trong nhiều tháng để sẵn sàng đối mặt với tất cả những tình huống có thể xảy ra trên tàu ngầm.

Mỗi ngày, các tân binh phải tập luyện không dưới 12 tiếng với những bài tập khắc nghiệt nhất về cứu hỏa, tự giải thoát cho chính mình giữa lòng biển, đối phó tình trạng thiếu ô xy… Điển hình như việc làm sao thoát khỏi căn phòng chỉ có một lối thoát hiểm rất nhỏ bị khóa chặt trong khi nước đang tràn vào nhanh chóng. Thậm chí, trong lúc đang ngủ, các ứng viên cũng phải sẵn sàng ứng phó với những bài tập như nước bất ngờ tràn vào, tàu ngầm bị cháy. Tất cả diễn ra trong tình trạng tinh thần luôn đối mặt với sức ép rất lớn.

Đó chỉ mới là “kỹ năng cơ bản”. Để được làm việc chính thức trên tàu ngầm, các thủy thủ còn phải thuần thục chuyên môn cụ thể như kỹ thuật vận hành, kỹ thuật tác chiến, thông tin liên lạc, định vị dò tìm…

Hải quân Trung Quốc “thiếu kinh nghiệm”

Hiện nay, Trung Quốc được xem là một trong những nước có nhiều tàu ngầm nhất thế giới. Tuy nhiên, giới chuyên gia quân sự quốc tế đánh giá lực lượng tàu ngầm Trung Quốc vẫn thiếu cọ xát, chưa được “nhúng nước” nhiều, theo tờ The Washington Post. Giám đốc Dự án thông tin hạt nhân của Hiệp hội Khoa học gia Mỹ Hans

M.Kristensen dẫn thông tin từ hải quân Mỹ cho biết 63 tàu ngầm Trung Quốc thực hiện khoảng 10 chuyến tuần tra trong năm 2009. Cường độ tuần tra này chỉ bằng 1/10 so với hải quân Mỹ trong khi tổng số tàu ngầm hai bên không chênh lệch đáng kể.

Hơn 10 năm trước, Bắc Kinh nhận ra thách thức rất lớn về nhân lực để phục vụ chiến lược tăng cường tàu ngầm, theo Học viện Hải quân Mỹ. Trong giai đoạn năm 1999 - 2000, Trung Quốc tăng lương gấp đôi đối với các vị trí làm việc trên tàu ngầm; đồng thời Bắc Kinh còn thực hiện chiến dịch tuyển dụng những cá nhân xuất sắc để phát triển đội ngũ nhân sự.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, nỗ lực trên không quan trọng bằng việc làm sao để lực lượng nhân sự tàu ngầm Trung Quốc được chia sẻ kinh nghiệm từ giới đồng nghiệp ở Mỹ, Nga, Anh… Thế nhưng, Bắc Kinh lại không có nhiều cơ hội được tham gia tập trận tàu ngầm chung với đối tác bên ngoài. Trung Quốc cũng bị cáo buộc liên quan đến những vụ đánh cắp bí mật về hoạt động tàu ngầm của các nước khác. Lực lượng tàu ngầm Trung Quốc bị cho là yếu kém về nhân sự và hệ thống tổ chức cũng khá chắp vá. (Hoàng Đình)

Tổ chức bên trong tàu ngầm Mỹ

Số lượng nhân sự làm việc trong một tàu ngầm tùy thuộc vào từng loại tàu. Tuy nhiên, theo trang mạng của lực lượng hải quân Mỹ, mỗi tàu ngầm nước này có 5 bộ phận nhân sự cốt yếu như sau:

- Bộ phận điều hành tổng thể: phụ trách điều phối các hoạt động chung trên tàu ngầm và nối kết các bộ phận khác.

- Bộ phận kỹ thuật: nằm dưới quyền kỹ sư trưởng. Bộ phận này phụ trách các vấn đề về kỹ thuật, vận hành, bảo trì và sửa chữa động cơ cũng như những thiết bị khác. Nếu là tàu ngầm sử dụng năng lượng nguyên tử, bộ phận kỹ thuật đảm trách theo dõi vận hành lò phản ứng hạt nhân.

- Bộ phận vũ khí: phụ trách bảo trì, vận hành các khí tài như: ngư lôi, tên lửa… Bộ phận này trực tiếp điều khiển các vũ khí khi tác chiến.

- Bộ phận định vị, thông tin liên lạc: phụ trách xác định vị trí tọa độ của tàu ngầm và kết nối liên lạc với các bộ phận trên đất liền và những tàu chiến khác lẫn máy bay khi cần thiết.

- Bộ phận cung ứng: đảm trách việc cung cấp, lưu giữ các phụ tùng, thiết bị dự phòng. Ngoài ra, bộ phận này còn phụ trách cung cấp thực phẩm và nấu ăn. Thông thường, một tàu ngầm có thể mang theo cơ số thực phẩm đủ phục vụ cho toàn bộ thủy thủ đoàn trong 90 ngày.

Ngô Minh Trí

>> Ước mơ tàu ngầm Việt
>> Tàu ngầm Mỹ lại ghé Philippines
>> Nga triển khai tàu ngầm hạt nhân mới
>> Hải quân Anh thiếu nhân lực cho tàu ngầm
>> Nga đóng tàu ngầm mới cho Hạm đội Biển Đen
>> Tàu ngầm hạt nhân Nga “áp sát bờ biển Mỹ” ?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.