Trung Quốc sẽ đánh chiếm Senkaku/Điếu Ngư ?

14/09/2012 03:10 GMT+7

Báo chí Nhật Bản vừa phân tích khả năng Trung Quốc sử dụng vũ lực để chiếm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà hai bên đang tranh chấp.

Mới đây, tờ The Daily Yomiuri đăng bài phân tích cựu quan chức Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản Yoji Koda nhận định nguy cơ chiến tranh là rất thật nếu hai bên tiếp tục căng thẳng như thời gian qua. Ông nhận định Bắc Kinh có thể dùng vũ lực chiếm nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện không có người sinh sống và do Tokyo kiểm soát nhưng cả Trung Quốc lẫn Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền.

Một tàu cứu hộ Nhật di chuyển gần Senkaku/Điếu Ngư
Một tàu cứu hộ Nhật di chuyển gần Senkaku/Điếu Ngư - Ảnh: Reuters 

Theo ông Koda, nếu chiến sự xảy ra, các tàu dân sự trá hình của Trung Quốc sẽ tiến hành đánh bắt bất hợp pháp với quy mô lớn tại vùng biển tranh chấp. Những tàu này sẽ lần lượt tiếp cận, đổ bộ lên các đảo tranh chấp. Tiếp đến, tàu tuần duyên và ngư chính Trung Quốc nắm quyền kiểm soát thực tế bằng cách phối hợp hành động cùng các tàu cá. Ông Koda khẳng định Bắc Kinh từ đầu năm nay đã dần lộ rõ ý đồ “sớm giành quyền kiểm soát” nhóm đảo trên. Ngoài ra, ông Koda cũng cảnh báo Trung Quốc sẽ lặp lại kịch bản trận chiến Midway giữa Mỹ và Nhật hồi năm 1942. Theo đó, Bắc Kinh điều động lực lượng đặc nhiệm bất ngờ đổ bộ lên Senkaku/Điếu Ngư bằng tàu ngầm hoặc máy bay rồi chiếm quần đảo này trong vài giờ. 

Thậm chí, trường hợp tồi tệ nhất là Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật chỉ phát hiện sự hiện diện của binh sĩ Trung Quốc trên đảo khi lá cờ nước này đã được cắm trên đỉnh núi. Cùng lúc, Bắc Kinh công bố hình ảnh trên ra khắp thế giới thông qua truyền hình vệ tinh để khẳng định “quân đội Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát quần đảo”. Như thế, Nhật Bản sẽ khó trở tay.

“Chiến tranh không giới hạn”

Trong khi đó, thiếu tướng quân đội Trung Quốc Kiều Lượng cũng vừa đăng bài trên tờ China Youth Daily đề xuất “chiến tranh không giới hạn” để giải quyết tranh chấp chủ quyền giữa Bắc Kinh với các bên. Theo viên tướng này, không cần thiết phải tránh né chiến tranh mà vấn đề then chốt là làm thế nào để “kiểm soát cường độ xung đột”. Tướng Kiều Lượng còn khẳng định một số “hành động đặc biệt” là cần thiết để chứng minh chủ quyền của Trung Quốc.

Ngoài ra, báo chí Trung Quốc liên tục đề cập sức mạnh hạt nhân của nước này. Ngày 11.9, bài xã luận của Nhân dân Nhật báo răn đe Tokyo khi tuyên bố các cuộc thử tên lửa đạn đạo hạt nhân tầm xa gần đây của Trung Quốc là bước chuyển quan trọng về vị thế hạt nhân của Bắc Kinh. Bài báo có đoạn: “Trung Quốc phải đẩy mạnh nâng cấp và củng cố hệ thống ngăn chặn hạt nhân của mình, biến chúng thành thực tế và đáng tin cậy”. Đến ngày 12.9, Thời Báo Hoàn Cầu thì đồng thanh tương ứng khi tuyên bố một hệ thống ngăn chặn hạt nhân như thế khiến Nhật “ít có khả năng tấn công quân sự”. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định Bắc Kinh chẳng dám “uống thuốc liều” triển khai vũ khí nguyên tử nhằm vào Tokyo. Trung Quốc chỉ hù dọa Nhật Bản, nước duy nhất đến nay bị tấn công hạt nhân.

Về phần mình, Nhật đang triển khai tàu tuần tra hiện diện xung quanh quần đảo tranh chấp nhằm đối phó 2 tàu hải giám do Trung Quốc điều động đến đây. Ngày 12.9, tờ Asahi Shimbun đưa tin chưa có tàu Trung Quốc nào tiến về đảo tranh chấp. Theo AP, Đài Loan cũng vừa “góp vui” bằng cách điều động 2 tàu tuần tra thuộc Cơ quan Bảo vệ bờ biển đảo này đến vùng biển gần Senkaku/Điếu Ngư. Trong khi đó, báo The Washington Post đưa tin các thành viên thuộc Ủy ban Đối ngoại hạ viện Mỹ ngày 12.9 đã buộc tội Trung Quốc bắt nạt những nước láng giềng nhằm chiếm quyền lực chi phối ở châu Á. Chủ tịch Ủy ban Ileana Ros-Lehtinen tuyên bố Mỹ sẽ sát cánh với các đồng minh trong khu vực là Philippines và Nhật.

Tân đại sứ Nhật tại trung quốc bị đột quỵ

Tân Đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc Shinichi Nishimiya phải nhập viện hôm qua sau khi đột quỵ khi đi trên đường gần nhà ở quận Shibuya thuộc thủ đô Tokyo. Theo Kyodo News, ông Nishimiya hiện vẫn bất tỉnh. Ngày 11.9, ông Nishimiya được bổ nhiệm làm đại sứ mới tại Trung Quốc thay ông Uichiro Niwa giữa lúc 2 nước căng thẳng về nhóm đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Cuối tháng trước, Đại sứ Philippines tại Trung Quốc Sonia Brady cũng đột quỵ và Ngoại trưởng Albert del Rosario hôm 11.9 cho biết bà đang hồi phục tốt và sẽ về nước sớm, theo tờ Philippine Daily Inquirer.

Khang Huy

Trùng Quang

>> Quan chức Tokyo lên đường khảo sát Sensaku/Điếu Ngư
>> Tân Đại sứ Nhật Bản ở Trung Quốc đột ngột bất tỉnh
>> Nhật Bản quốc hữu hóa đảo tranh chấp
>> Báo Trung Quốc đe dọa Philippines, Nhật Bản
>> Nhật Bản tập trận bắn đạn thật
>> Nhật Bản lưỡng đầu thọ địch
>> Nhật Bản tăng cường bảo vệ đảo tranh chấp
>> Nhật Bản trục xuất 14 người Trung Quốc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.