Việt Nam là đối tác quan trọng của Pháp

26/05/2012 03:34 GMT+7

Quan hệ Việt Nam - Pháp sẽ tiếp tục hướng đến nhiều mục tiêu mới trong nhiệm kỳ của tân Tổng thống François Hollande.

Tổng thống Hollande đang được kỳ vọng sẽ tạo nên hình ảnh mới cho nước Pháp trên nhiều phương diện... PV Thanh Niên đã trao đổi với phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Bernard Valero (ảnh) về quan hệ với Việt Nam ngay sau khi nội các mới được thành lập và bắt đầu tiếp nhận trọng trách của đất nước.

Ông đánh giá thế nào về quan hệ Pháp - Việt trong nhiệm kỳ của Tổng thống Nicolas Sarkozy?

Giữa hai nước đã có nhiều chương trình hợp tác quan trọng trong 5 năm qua nhưng vẫn cần phải mở rộng hơn nữa. Trước tiên, Pháp có quan hệ lâu đời với Việt Nam và trong lòng người Pháp, đất nước các bạn vẫn giữ một vị trí rất đặc biệt. Kế đến, thế giới đang biến đổi không ngừng, Việt Nam cũng thế. Vì vậy, trong giai đoạn này, quan hệ song phương đang từng bước thay đổi, về bản chất lẫn các mục tiêu chủ đạo. Trước đây, quan hệ giữa 2 nước liên quan chủ yếu đến các dự án hỗ trợ phát triển nay đang tiến đến giai đoạn quan trọng hơn là quan hệ đối tác. Tất cả sẽ được nâng lên tầm cao mới, về cả quy mô lẫn tiến độ và ở nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, giới trẻ và đầu tư nâng cao chất lượng là một trọng tâm trong xây dựng tương lai quan hệ Pháp - Việt. Một ví dụ cụ thể là dự án thành lập Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội được ký kết nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Pháp François Fillon vào tháng 11.2009.

Việt Nam là đối tác quan trọng của Pháp - nd1
Triển lãm giới thiệu công nghệ ngân hàng Pháp tại Hội thảo và triển lãm Banking
Việt Nam
2012 tại Hà Nội ngày 23.5 - Ảnh: TTXVN

Pháp là nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (1973). Sau gần 40 năm, điều gì khiến 2 nước vẫn chưa ký kết thỏa thuận trở thành đối tác chiến lược?

Không có trở ngại nào cả. Pháp rất xem trọng quan hệ ngoại giao với Việt Nam, vì vậy chúng tôi muốn xây dựng nền tảng căn bản vững vàng. Tất cả phải được chuẩn bị thật nghiêm túc trước khi đặt bút ký các văn bản. Có thể Pháp chậm chân hơn một số nước khác về thời gian nhưng tôi khẳng định một khi đã đạt được thỏa thuận, quan hệ đối tác chiến lược này sẽ rất có chất lượng. Đối với chúng tôi, Việt Nam là một đối tác quan trọng. Thời gian qua, Pháp đã làm việc rất nhiều với Việt Nam để thực hiện kế hoạch xây dựng quan hệ đối tác chiến lược.

Phát triển quan hệ Pháp - Việt sẽ tạo hiệu ứng tích cực lên quan hệ EU - ASEAN?


Pháp là một trong những nước tham gia thành lập EU, còn Việt Nam đóng vai trò rất tích cực trong ASEAN. Vì thế theo tôi, 2 nước sẽ đóng vai trò cầu nối giữa châu Âu với Đông Nam Á trong hợp tác và đối thoại giữa các khu vực. Đặc biệt trong bối cảnh thế giới có nhiều mối quan tâm chung về an ninh, nhiên liệu, môi trường... mà không một nước nào có khả năng tự mình giải quyết.

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương có phải là trọng tâm đối ngoại của Pháp? Quan điểm của Paris về những căng thẳng gần đây trên biển Đông?

Châu Á là khu vực đang chuyển mình mạnh mẽ và sẽ đóng vai trò chủ chốt trong quan hệ quốc tế ở thế kỷ 21. Và trong các mối quan hệ này, không thể để bất cứ nước nào phải tỏ ra e ngại một nước khác. Khi tồn tại vấn đề gây bất đồng thì cần phải tìm ra giải pháp dựa trên đối thoại, trên luật quốc tế hoặc các thỏa thuận, quy định trong khu vực. Lời giải cho căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc thời gian gần đây cũng không ngoại lệ. Chúng tôi rất quan tâm đến vấn đề này, đặc biệt khi tình hình lưu thông hàng hải ở khu vực biển Đông có thể bị ảnh hưởng. Pháp đang chờ đợi các nước có liên quan có thể cùng tìm ra giải pháp.

Năm 2013 là kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Pháp - Việt. Sẽ có những hoạt động gì đánh dấu sự kiện này?

Chúng tôi đã làm việc rất nhiều với Chính phủ Việt Nam để lên lịch trình cho các hoạt động kỷ niệm. Sẽ có nhiều chương trình thực hiện trong năm 2013 ở cả 2 nước như tổ chức triển lãm, diễn đàn, hòa nhạc, kịch nghệ... Mục tiêu chính là đưa hình ảnh Việt Nam đến với công chúng Pháp và ngược lại, giúp khán giả Việt Nam hiểu hơn về đất nước chúng tôi.

Xin cảm ơn ông.

Nguyễn Ngọc Lan Chi
(thực hiện từ Paris, Pháp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.