Đề Văn nhẹ nhàng, thí sinh thoải mái

02/06/2010 08:32 GMT+7

(TNO) Chiều nay 2.6, các thí sinh (TS) thi môn thứ hai trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010 - môn Hóa học. Nhóm phóng viên Thanh Niên Online trong cả nước có ghi nhận về buổi thi đầu tiên. Ngay sau mỗi buổi thi, Thanh Niên Online sẽ đăng gợi ý bài giải các môn thi. Ngay khi kết thúc môn thi cuối cùng, Thanh Niên Online sẽ đăng toàn bộ đáp án các môn thi của Bộ GD-ĐT. Mời quý vị và các bạn đón xem.

Ngày mai (3.6), Thanh Niên (báo in) tặng bạn đọc phụ trương gợi ý giải đề thi.

*** Đề thi môn Ngữ văn
*** Gợi ý bài giải môn Ngữ văn

>> Kỳ thi tốt nghiệp THPT: Chậm nhất 18.6 công bố điểm thi
>> Sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT
>> Một học sinh cụt hai tay được đặc cách tốt nghiệp THPT
>> Chưa thi nhưng “phao” tràn lan
>> Lưu ý quan trọng trước kỳ thi tốt nghiệp THPT
>> Để làm bài thi tốt nghiệp đạt điểm cao
>> Thi tốt nghiệp THPT: Để không phạm quy
>> Giải tỏa tâm lý trước ngày thi
>> Sở GD-ĐT phải chấn chỉnh việc cấm trại ôn thi
>> Uống thuốc bổ để luyện thi
>> Cấm trại ôn thi
>> Khởi động chương trình Tiếp sức mùa thi

TP.HCM: Phụ huynh hồi hộp cùng thí sinh 

"Đề văn đầy tính yêu thương"

Đó là đánh giá của một học sinh nữ khi vừa bước ra khỏi cổng hội đồng thi trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM) về đề văn năm nay. Trừ câu hỏi lý thuyết, 3/4 câu hỏi còn lại trong đề thi đều xoay quanh tình yêu thương, tình cảm gia đình.

Phan Trần Linh Giang (học sinh trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai TP.HCM) tự tin: "Em thấy mình làm tốt phần thi. Đề ra dễ và những câu hỏi làm người viết có nhiều cảm xúc. Em thích câu hỏi về "tình yêu thương trong giới trẻ hiện nay". Đây như là cơ hội để chúng em thể hiện suy nghĩ, tình cảm của mình".

Nếu như đa số các học sinh nữ đều vui vẻ sau môn thi đầu tiên thì các nam sinh lại "lè lưỡi" vì "đề văn tình cảm quá, con trai khó viết", Thái Bình Quốc Vũ (học sinh trường THPT Lương Thế Vinh) bộc bạch.

Trong khi đó, một số thí sinh lại tiếc vì: “Trước khi thi tụi em ôn lý thuyết nặng quá nhưng cuối cùng đề ra chỉ có một chút xíu học bài thôi". Theo bạn Nguyễn Thái Hà (học sinh trường THPT Lương Thế Vinh): "Bài Sóng của Xuân Quỳnh học kỳ 2 ra rồi nên em bị “bể tủ” vì chủ quan không ôn lại. Còn câu hỏi tự chọn còn lại (chương trình cơ bản) thì hơi nặng vì muốn làm được phải nắm hết toàn tác phẩm (phân tích nhân vật Việt trong tác phẩm Những đứa con trong gia đình)". (Viên An)

Từ 6 giờ sáng, các TS đã có mặt tại trường thi. Tại TP.HCM, thời tiết buổi sáng nắng đẹp, thời gian tập trung TS trong ngày thi tốt nghiệp vào buổi sáng sớm nên giao thông hoàn toàn thông thoáng.

Tranh thủ khoảng thời gian còn lại ngay trước giờ tập trung, các TS ôn lại bài học của mình. Thoáng trên khuôn mặt ai cũng có những nét lo âu, hồi hộp mặc dù đã ôn bài kỹ luỡng. Lê Thái Duyên (học sinh trường THPT Marie Curie) lo lắng: "Em học khối A (toán, lý, hóa) nên hơi sợ các môn xã hội một chút. Sợ mấy môn học bài vì lúc vào thi nhiều khi hồi hộp quá lại quên mất".

Phan Quyết Tiến (học sinh trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm) cho biết đã thức dậy từ 4 giờ sáng: "Trường em học ở Q.Tân Phú, thi ở hội đồng thi THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1) thì hơi xa nên trường có tổ chức xe đưa học sinh đi thi. Sáng nay, trên xe các thầy cô cũng dặn dò kỹ lắm. Phải hít thở thật sâu trước khi vào phòng thi, làm bài cho đỡ run".

Đúng 6 giờ 30, các thủ tục khai mạc cho kỳ thi tốt nghiệp THPT tại Hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM) được tiến hành. Đến dự có ông Hứa Ngọc Thuận, Phó chủ tịch UBND TP.HCM; ông Đỗ Quốc Anh, Vụ trưởng - Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM và ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM.

Đến 7 giờ, các TS được hướng dẫn lên phòng thi và chuẩn bị bước vào 150 phút làm bài môn văn.

Trong khi đó, con đi thi nhưng ba mẹ cũng... hồi hộp không kém. Ngay trước cổng các hội đồng thi, nhiều phụ huynh vẫn đứng chờ con, ngóng vào bên trong xem "con mình có chuyện gì không". Chị Ngọc Anh (có con thi tại Hội đồng thi Nguyễn Thị Minh Khai) hồi hộp: "Mình đứng đây chờ cho đến qua giờ phát đề, để lỡ nó có quên gì còn có cách giải quyết, chạy đi lấy kịp. Xong chắc cũng ra quán nước ngồi chờ cuối giờ đón con, chứ giờ về nhà cũng đứng ngồi không yên". 

Một phụ huynh khác cho biết: "Tôi đã dặn cháu phải bình tĩnh làm bài rồi. Tin tưởng nó làm bài tốt!".

TP.HCM là một trong ba địa phương có số TS đông nhất cả nước với 65.678 TS, trong đó có hơn 12.200 TS hệ giáo dục thường xuyên. Sở GD-ĐT TP.HCM đã huy động hơn 8.000 cán bộ coi thi, 300 thanh tra sẽ có mặt tại hơn 100 hội đồng coi thi trong toàn TP.

Ông Hồ Phú Bạc, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng GD, Sở GD-ĐT TP.HCM, lưu ý đến các TS trước khi bắt đầu kỳ thi: TS chỉ được làm 1 trong 2 đề thi trong phần thi tự chọn. Tuyệt đối không làm cả hai phần vì sẽ bị coi là phạm quy và sẽ không được chấm cả hai phần thi đó. Nếu là môn thi trắc nghiệm, cần cố gắng làm hết bài thi, nhớ tô đúng phiếu báo danh, mã đề thi vào phiếu trả lời. Cần bố trí thời gian hợp lí, trả lời những câu hỏi dễ trước, khó sau.


Thí sinh vào trường thi


Tranh thủ ôn bài


Nghe phổ biến quy chế thi


Ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM động viên các học trò làm bài tốt


Xếp hàng lên phòng thi


TS làm các thủ tục kiểm tra phiếu báo danh, giấy tờ trước khi vào phòng thi


Các TS vào môn thi TN đầu tiên, ngữ văn


Phụ huynh ngóng con trước cổng hội đồng thi

* Tại Hội đồng thi (HĐT) trường THCS Phan Bội Châu, Q.Tân Phú mới 5 giờ sáng, TScác trường dân lập đã đổ về. Hội đồng thi này tập trung nhiều trường dân lập như Đông Du, Minh Đức, Nhân Văn, Trí Đức. Thầy Võ Văn Nhiên, quản nhiệm của trường THPT dân lập Đông Du sẽ đón các học sinh tại cổng trường sau giờ thi. Đã 3 năm nay, thầy luôn đồng hành cùng các học trò của mình mỗi khi mùa thi đến. Vừa điểm danh TS trên xe, thầy Nhiên cho biết. “Học trò lo 1 nhưng tôi lo đến 36 lận. Chưa thi thì lo các em ôn tập, dò bài, đến ngày thi thì lo đưa đón các em, lo ăn uống, lo ngủ nghỉ”.

Trong khi đó, toàn bộ Ban giám hiệu trường THPT dân lập Nhân Văn cũng xuất quân rảo khắp 5 HĐT có học trò của mình dự thi. Thầy Đặng Vũ Hào, phó hiệu trưởng  kể: “Từ 5 giờ 30, xe của trường đã đến các HĐT, hết giờ đón các em về cho ăn uống nghỉ ngơi. 1 giờ lại chở đi thi tiếp. Mỗi HĐT có 1 xe, 1 giáo viên quản nhiệm phụ trách. Ngoài ra, ban giám hiệu cũng phải đi theo để giải quyết những việc đột xuất xảy ra”.

6 giờ 30 phút, có mặt tại HĐT trường THPT Trần Khai Nguyên, theo ghi nhận của phóng viên Thanh Niên Online, các TS đều có tâm trạng hồi hộp. Đây là môn thi đầu tiên, nên không ai biết mức độ đề năm nay dễ hay khó như thế nào? Ngọc Trâm, học sinh trường THPT Trần Khai Nguyên cho biết: “Em đã ôn hết bài, tối qua có xem lại một lần nữa, nói chung là đã sẵn sàng “lâm trận” nhưng chỉ hơi băn khoăn một chút ít về nội dung làm bài văn nghị luận xã hội mà thôi”.

Đưa con đến trường thi, lo lắng là tâm lý chung của phụ huynh học sinh. Ông Nguyễn Văn Hải, phụ huynh học sinh trường THPT Trần Khai Nguyên tâm sự: “Tối qua có hỏi thì cháu trả lời ôn hết bài rồi. Nói thật, con nói thì biết vậy chứ có học với cháu đâu mà biết thực hư thế nào. Trước lúc vào phòng thi chỉ biết động viên con cố gắng”…

Kết thúc môn thi Văn buổi sáng, tâm trạng của TS của TP.HCM khá thoải mái. Thành Nhơn, học sinh trường THPT Trần Khai Nguyên nhận xét: “Đề thi không gây bất ngờ, chỉ cần học thuộc bài là làm được”.

Hay như bạn Lữ Kim Linh, trường THPT Hùng Vương cho biết: “Nội dung đề thi đều nằm trong cấu trúc đề thi cùng nội dung chương trình lớp 12 chúng em đều đã học và làm bài. Ngay như câu 3 trong phần đề theo chương trình nâng cao phân tích đọan thơ trong bài Sóng của Xuân Quỳnh thì chúng em đã từng phân tích nguyên bài thơ ở lớp 12. Nên dù câu này cao điểm nhất thì chúng em cũng không lo lắng”.

Khi được hỏi về câu hỏi thuộc lĩnh vực nghị luận xã  hội, học sinh thường hay lo lắng thì Hoàng Bảo Quyên, học sinh trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa cho biết: “Trong quá trình ôn tập, về phần văn nghị luận xã hội, các giáo viên trong trường đã đề cập đến các chủ đề như lòng yêu nước, tư tưởng đạo lý, hiện tượng xã hội…” nên cũng không quá bất ngờ với lối ra đề thi năm nay. (Bích Thanh - Thiên Long - Viên An)

Bà Rịa -Vũng tàu: Ứng phó nhanh với cúp điện

Tại HĐT trường THPT Trần Hưng Đạo (H.Tân Thành), nhiều phụ huynh ở xa nơi thi hơn 30km. Chú Năm Cường, nhà ở xã Sông Xoài cho biết: “Tôi đã đánh thức con dậy từ lúc 4 giờ để chuẩn bị đưa nó đến trường thi”.

Tại trường THPT Long Hải, Phước Tỉnh đã xảy ra tình trạng cúp điện khoảng 30 phút trong lúc khai mạc kỳ thi. Ngay sau đó, HĐT đã cho phát máy nổ và gọi điện đến chi nhánh điện lực H.Long Điền yêu cầu mở điện.

Kết thúc buổi thi môn Ngữ văn, một TS tại HĐT trường THPT Nguyễn Trãi (H.Châu Đức) đến trễ không được dự thi. Đối với hệ THPT, toàn tỉnh có 2 TS không đến thi vì bị ốm, 5 TS vắng có lý do và 28 TS vắng không có lý do. Đối với hệ GDTX, có 2 TS vắng có lý do và 23 TS vắng không có lý do. (Nguyễn Long)

Lâm Đồng: Nhiều thí sinh phải đi xa

Trong khi đó, tại Lâm Đồng, ông Nguyễn Văn Sang – Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng cho biết, trên địa bàn tỉnh có nhiều TS đến điểm thi tốt nghiệp THPT cách xa từ 20 – 60 km như: ở Đạ Sar (H.Lạc Dương) ra TP.Đà Lạt, ở Đà Loan ra trung tâm huyện Đức Trọng, ở Phi Liêng vào Đạ Tông (H.Đam Rông).

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các em dự thi, những phụ huynh có con đi thi đóng góp kinh phí và cử đại diện phụ huynh và giáo viên của trường đưa con em đến điểm thi. Các em học sinh sẽ được phụ huynh và giáo viên thuê phòng trọ, khách sạn để nghỉ và lo chuyện ăn uống trong các ngày thi. Nhiều nhà trọ, khách sạn đã giảm kinh phí cho các em từ 50 – 70%... (Gia Bình)

Bình Định: 3 TS nhập viện cấp cứu 

Trật tự tại các HĐT được đảm bảo an toàn tuyệt đối. Các TS làm bài nghiêm túc và không có trường hợp nào vi phạm quy chế thi. Trong buổi sáng 2.6, có 3 TS phải nhập viện cấp cứu; trong đó 1 TS ở HĐT trường THCS thị trấn Phù Mỹ (huyện Phù Mỹ) bị động kinh và 2 TS ở Hội đồng thi trường THPT số 1 Phù Cát (huyện Phù Cát) bị ngất xỉu trong lúc đang làm bài thi. (Đình Phú)

Hà Nội: Nhiều thí sinh khen câu hỏi mở

Kết thúc môn thi Văn, rất nhiều TS Hà Nội phấn khởi vì đề ra sát chương trình, thời gian thoải mái. Đặc biệt câu hỏi mở đề cập tới vấn đề giới trẻ được rất nhiều TS thích thú.

Tại HĐT trường THPT Thăng Long, khoảng 10 giờ 5 phút, cổng trường bắt đầu mở. Lác đác một vài TS làm bài thi xong bước ra ngoài. Nguyễn Phương Hồng, học sinh trường Nguyễn Đình Chiểu, thi ở HĐT Thăng Long cho hay: “Em thấy đề thi năm nay vừa sức bọn em, cũng toàn diện vì có cả câu lý thuyết và câu sáng tạo cho phép bọn em được thể hiện cảm xúc. Ngay ở phần tự chọn, câu nâng cao cũng rất sát chương trình”.

Tại địa điểm thi trường THPT Lômônôxốp, TS Hoàng Văn Duy học sinh của trường, vừa chạy về phía mẹ vừa khoe: “Đề thi cũng bình thường, con cũng không bất ngờ lắm nên đọc đề xong cứ bình tĩnh làm đến tận cuối giờ luôn”. 

Thấy các TS tỏ ra hồ hởi, các bậc phụ huynh cũng như bớt được chút gánh nặng: “Cháu nhà tôi thi khối A, nên lo nhất vẫn là Văn, Sử, Địa. Giờ thấy môn đầu làm ổn là đỡ lo nhiều lắm rồi, vạn sự khởi đầu nan mà”, bác Nguyễn Văn Nghĩa vui vẻ cho biết.

Bước ra từ phòng thi, đa phần các TS đều tỏ ra tạm hài lòng với bài thi của mình. Thí sinh Nguyễn Minh Hoa (lớp 12G6, trường THPT Marie Curie) cho biết: “Đề thi Văn năm nay nói chung là dễ. Em thấy rằng không quá khó để đạt được 6 điểm. Đề thi tiếp tục ra theo hướng mở như năm ngoái với 3 câu, 2 câu bắt buộc và 1 câu tự chọn”.

Trong khi đó, cũng cho rằng đề năm nay dễ nhưng một số học sinh lại nhận định, đề năm nay rất “lạ” và bất ngờ với sự có mặt của bài Sóng (Xuân Quỳnh). Vũ Thị Hoàng Anh (lớp 12T1, THPT Việt Đức) nói: “Đề năm nay em thấy hợp lý, không quá khó, câu hỏi nghị luận thì cũng sát với thực tế nên dễ viết. Tuy nhiên, có một điều là cả em và rất nhiều bạn đều thấy rằng, đề Văn năm nay “lạ” và bất ngờ. Bọn em không nghĩ sẽ ra bài “Sóng” đâu vì câu này mới ra năm 2008. Vì vậy, có thể nói là nhiều bạn chủ quan”.

 
Rất nhiều TS cùng phụ huynh vẫn nán lại ở cổng trường sau giờ thi để đối chiếu kết quả với nhau - Ảnh: Lê Quân

 
Đề thi năm nay, theo nhiều thí sinh, có phần dễ hơn năm ngoái - Ảnh Lê Quân

 
Câu số 2 lấy đi nhiều băn khoăn của các TS, nhưng hầu hết vẫn tự tin sẽ đạt điểm khá ở môn thi này - Ảnh Lê Quân.

Tuy vậy, nhiều TS (đặc biệt là các TS nam) cho biết câu hỏi mở phải tự viết bài luận làm các em cảm thấy khó khăn. TS Phạm Khánh Linh (THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm) cho biết: “Câu này đòi hỏi phải tư duy và sắp ý cho hợp lý, thêm cả liên hệ nữa. Khó kiếm điểm tuyệt đối ở câu hỏi này lắm”.

Kết thúc 150 phút thi, TS thi tại các hội đồng THPT Nguyễn Tất Thành, THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, THPT Lương Thế Vinh hồ hởi, phấn chấn. Thấy các con làm bài tốt, nhiều phụ huynh cũng mát lòng. Anh Hoàng Mạnh Nam - phụ huynh TS Hoàng Mạnh Hùng không giấu được niềm vui, cho hay: “Không uổng công tôi phải xin nghỉ làm để đưa cháu đi thi. Tâm lý thi tốt môn thi đầu tiên này sẽ tạo đà cho 5 môn sau nữa”.

Kỷ cương trong các phòng thi cũng được các thí sinh đánh giá là khá tốt. Tại điểm thi trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Q. Hà Đông), Nguyễn Minh Đức, lớp 12A7 – THPT Hà Đông dự thi tại điểm trường THPT chuyên Nguyễn Huệ cho biết: “Mặc dù là thi tự luận nhưng trong phòng thi của em các bạn đều tự làm chứ không ai giở bất cứ tài liệu gì ra để coi cóp. Mà các thầy cô giáo cũng rất nghiêm túc, chỉ cần nói chuyện hay có hành động gì khác thường là bị nhắc nhở ngay”.

Với tâm lý thoải mái sau môn thi đầu tiên, các TS cho hay đã sẵn sàng cho môn Hóa học trong buổi chiều hôm nay.

* Tại HĐT Kim Liên (Q.Đống Đa), ông Nguyễn Quốc Bình - Chủ tịch hội đồng coi thi cho biết: có thể do những ngày gần thi thời tiết quá nóng bức nên có 3 TS bị ốm ngay trước ngày thi, gia đình đã có đơn và hồ sơ bệnh án của bệnh viện để xin đặc cách cho những TS này.

Điều đáng tiếc là những TS này đều là học sinh khá, giỏi của trường THPT Kim Liên, đặc cách trong trường hợp này, các em chỉ được tốt nghiệp loại trung bình.

Tại HĐT THPT Hà Đông, hôm qua (1.6) có tới 4 phụ huynh mang giấy chứng nhận và bệnh án của bệnh viện đến để xin đặc cách tốt nghiệp cho con mình với lý do không đủ sức khỏe để dự thi.

Kết thúc buổi thi môn Văn sáng nay, TS ra khỏi phòng thi với nhiều tâm trạng khác nhau. Trao đổi với PV Thanh Niên Online, nhiều TS của trường THPT Kim Liên cho biết đã chọn phần đề của chương trình chuẩn để làm vì phần đề nâng cao có khó hơn một chút.

Đây cũng là điều dễ hiểu vì đặc thù của trường này là hầu hết các học sinh đều học ban Khoa học Tự nhiên.

Câu hỏi trong phần nghị luận xã hội của đề thi môn Văn sáng nay “Hãy viết một bài văn ngắn trình bày suy nghĩ của anh/chị về lòng yêu thương con người của tuổi trẻ trong xã hội hiện nay” khiến nhiều TS tỏ ra khá hào hứng và thích thú.

“Mặc dù chủ đề về lòng yêu thương con người không mới nhưng giới trẻ chắc chắn có cách nhìn nhận, cách nghĩ về điều này không như người lớn hoặc các chuẩn mực đạo đức cứng nhắc vẫn nói tới. Bởi vậy, đây là dịp để chúng em có thể nói lên suy nghĩ của mình”, Mạnh Hải, TS trường THPT dân lập Ngô Gia Tự nói.

Kết thúc buổi thi sáng nay, ông Nguyễn Hiệp Thống, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: có 74.617 TS hệ THPT và 8.611 TS hệ GDTX đến dự thi; 164 TS vắng mặt không rõ lý do. Tất cả các HĐT của Hà Nội không có trường hợp TS hoặc giám thị nào vi phạm quy chế thi, không có sự cố nào xảy ra trong buổi thi đầu tiên.

Sáng nay, đoàn kiểm tra thi của Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT do ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng dẫn đầu đã đến kiểm tra đột xuất tại 3 HĐT của tỉnh Hưng Yên là: THPT Trưng Vương, THPT Mỹ Hào và THPT Kim Động.

Theo đánh giá của đoàn kiểm tra, công tác tổ chức thi ở các hội đồng thi này khá tốt, chấp hành đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. (Tuệ Nguyễn)

* Sáng nay, hơn 81.200 TS của thủ đô Hà Nội đã bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Hà Nội là địa phương có số lượng TS đông nhất nước. Toàn thành phố chia làm 71 cụm thi với 190 hội đồng coi thi.

Tiết trời chuyển mát trong buổi sáng diễn ra môn Văn khiến cho các TS thêm phần phấn chấn. Trời mưa, đi lại khó khăn hơn ngày thường nên ngay từ gần 6 giờ sáng, tại rất nhiều điểm thi, TS đã tập trung đông đủ.

Khoảng 6 giờ 15 phút, các TS đã đứng trước cửa phòng thi chờ gọi tên. Tại điểm thi trường THPT Nhân Chính (Q.Thanh Xuân), sau khi khai mạc, cánh cửa lớn của trường đã khép lại, chỉ còn để mở cánh cửa phụ kèm theo một chiến sĩ công an đứng túc trực. Nhiều phụ huynh cố nán lại cho đến khi con em mình đã yên vị trong phòng thi.

Đến 7 giờ, vẫn còn một số TS đến muộn. Bác Nguyễn Văn Thành, quê ở Vĩnh Phúc cho biết, con bác học khối phổ thông trường Khoa học Tự nhiên, do không thạo đường, hai bố con xuất phát từ nhà chậm nên tới điểm thi muộn. Bác Thành cũng thở phào nhẹ nhõm khi biết con mình không gặp vấn đề rắc rối nào vì chưa tới giờ phát đề.

Tại cổng trường THPT Nguyễn Tất Thành (Cầu Giấy, Hà Nội), sự hồ hởi hiện trên từng khuôn mặt TS, hứa hẹn một buổi thi tốt đẹp. Nguyễn Thị Lan Anh - học sinh THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - cho biết: “Nóng như hôm qua mà ngồi trong phòng thi 150 phút thì chúng em chết mất. May là hôm nay trời mát. Tâm trạng thoải mái thế này chắc làm bài thi cũng ổn, trừ phi đề quá khó”.


Cổng trường THPT Nhân Chính luôn có một chiến sĩ cảnh sát đứng canh - Ảnh: Hồng Minh

Buổi sáng diễn ra môn thi đầu tiên này, với tâm lý muốn con an tâm, nhiều phụ huynh đưa con đến tận trường. Nhà cách trường thi của con chỉ vài trăm mét, nhưng chị Nguyễn Thanh Hồng (ngõ 175 Xuân Thủy) vẫn nhất quyết đưa con đi thi. “Cùng với thi đại học, đây là kỳ thi quan trọng nhất đời con tôi, không thể chủ quan được. Mình đưa đi cho an tâm, vừa củng cố thêm tinh thần cho con làm bài thi được tốt”, chị Hồng chia sẻ.

Cụm thi gồm 3 trường THPT Nguyễn Tất Thành, THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm và THPT Đông Đô ở quận Cầu Giấy có khoảng hơn 1.000 TS thi tại 2 hội đồng là THPT Nguyễn Tất Thành và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Tại hội đồng thi Đoàn Kết, Hai Bà Trưng, tuyến đường Hồng Mai có nhiều đoạn đường đang trong quá trình thi công, cộng với trời mưa nên đường rất trơn và bẩn. Điều này khiến nhiều phụ huynh học sinh khó khăn trong việc đưa con em đi thi. Anh Nguyễn Lương Anh đưa con đi thi ở hội đồng thi này cho biết: “Đường toàn cát với sỏi, con tôi học trường Trần Nhân Tông, hôm nay đi thi ở hội đồng này mới biết đường bẩn và khó đi thế này”. Điều này cộng với việc phụ huynh chờ con, đứng tràn ra cả lòng đường đã gây ách tắc cục bộ ở đoạn đường này lúc 6 giờ 15 phút, song đã được lực lượng dân phòng nhanh chóng giải quyết.

Tại hội đồng thi trường Trương Định, đến 6 giờ 45, khi đa phần TS đã lần lượt lên phòng thi sau lễ khai mạc thì vẫn còn xảy ra tình trạng nhốn nháo, lộn xộn ở cổng trường. TS đến muộn thì len lỏi, chạy vào trường. TS quên giấy tờ thi thì chen chân chạy ra cổng trường. Đứng ngóng con ở cổng trường Trương Định để đưa thẻ dự thi, chị Nguyễn Thu Phương, phụ huynh của em Nguyễn Phương Lan, học sinh trường THPT Trương Định tỏ ra vô cùng lo lắng và sốt ruột: “Sáng nay, cả mẹ cả con đã dậy từ 5 giờ sáng để chuẩn bị, ấy vậy mà không hiểu sao vẫn quên giấy tờ quan trọng này. Lúc đưa con đi thi thì đã dặn cháu là tắt điện thoại di động nên giờ cũng không gọi cho cháu ra cổng trường lấy được”. May thay, được một phụ huynh gần đó gợi ý, chị Phương đã chạy vào nhờ bác bảo vệ mang vào phòng thi cho con mình.

Trời Hà Nội trong buổi sáng thỉnh thoảng xuất hiện những cơn mưa nhỏ. Tại điểm thi số 24, trường THPT dân lập Lômônôxôp, khu đô thị Mỹ Đình và điểm thi trường THPT dân lập Trí Đức ngay từ sáng sớm đã chật cứng người dẫn tới tắc đường cục bộ. Nguyễn Thị Lan, học sinh trường THPT Trần Quốc Tuấn, Từ Liêm dự thi tại điểm thi trường THPT Dân lập Trí Đức vừa ngấu nghiến đọc quyển vở vừa kể hôm qua cô vẫn thức đến 1 giờ đêm. “Em đã đi ngủ rồi nhưng nằm mãi không chợp mắt được nên dậy đọc lại bài. Mặc dù đề các năm thường không khó nhưng thi nhiều môn quá, phải tiếp thu quá nhiều kiến thức nên em hay bị căng thẳng”.

Chị Lê Thị Vân Nga có con học trường THPT Trần Quốc Tuấn thi tại trường THPT Dân lập Trí Đức, Mỹ Đình, Từ Liêm đã phải nghỉ làm để đưa con đi thi vì trường con học và cơ quan quá xa nhau. Trong lúc ngồi chờ con, chị tâm sự: “Con đi thi nhưng cả nhà ai cũng lo, hôm qua giục nó đi ngủ sớm mà nó cứ cố học. Thế là con thức, bố mẹ cũng phải thức theo, ngồi chờ khi nào nó đi ngủ bố mẹ cũng mới dám đi ngủ, nằm xuống nhưng cứ trằn trọc mãi”.

Môn thi Văn sẽ diễn ra từ 7 giờ 30 đến 10 giờ sáng. Đề Văn năm nay cũng sẽ có một câu hỏi mở để phát huy tính sáng tạo của các TS. (Hồng Minh - Lê Quân - Thanh Lan - Ngọc Bích - Ngọc Tuyên - Thành Chung)

Nhộn nhịp chợ phao thi tốt nghiệp

Trong vai người anh đi mua “phao” cho đứa em chuẩn bị thi tốt nghiệp, chúng tôi tìm đến các cửa hàng photocopy trên phố Hồ Tùng Mậu (Cầu Giấy - đoạn đối diện ĐH Thương mại Hà Nội) vào chiều ngày 1.6. Theo ghi nhận của chúng tôi, tại hầu hết các quán photocopy ở đây đều bán công khai các loại “phao” thi dành cho thi tốt nghiệp năm nay. “Em lấy mấy bộ, ở đây, anh chỉ còn có văn, sử, địa, tiếng anh là chuẩn dành cho thi tốt nghiệp năm nay thôi, còn toán, hóa thì chỉ còn dành cho ôn thi đại học thôi, chất lượng thì khỏi phải lo, chuẩn theo hướng dẫn của Bộ và toàn do các thầy SPHN (?!) làm thôi, 20.000 đồng một môn”. Vừa giới thiệu, anh ta vừa đưa cho chúng tôi xem mấy bản “phao” còn nguyên mới được photo và bản đã được cắt sẵn. Theo quan sát của chúng tôi, tuy được thu nhỏ lại nhưng ở các môn phần phụ lục, số trang, câu hỏi, trả lời được đánh rất rõ ràng để giúp thí sinh có thể dễ dàng nhìn thấy.


Những bộ phao thi bán tại các cửa hàng trên phố Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Trãi


Không chỉ có các loại phao thi được photocopy từ các bản đánh máy sẵn hoặc từ các bản sách tham khảo, tại khu vực cổng phụ trường ĐH KHXH-NV Hà Nội, còn bán các loại “phao chất lượng cao”, được copy từ bản gốc viết tay rất cẩn thận thành các hàng dọc trên giấy, rồi chủ hàng mới photo ra thành các bản để bán. “Em cứ yên tâm đi, bài làm này đều do các thầy cô uy tín giảng dạy giải ra theo đúng nội dung ôn tập, sau đó chú thuê sinh viên chữ đẹp chép lại rồi photo ra, chứ không như mấy chỗ copy sách này, sách nọ, chất lượng không đảm bảo, nên về bảo em cháu cứ yên tâm mà chép”, ông chủ trung tâm luyện thi nhà ở ngõ 336 Nguyễn Trãi, cam kết. Ông này cũng cho biết thêm, trong mấy ngày gần đây mỗi ngày ông cũng bán được hàng trăm bộ “phao” thi này cho các thí sinh từ đủ các nơi như Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên… Mỗi bộ “phao chất lượng cao” được ông chủ đưa ra mức giá “tiền nào của ấy em ạ, 30.000 đồng một môn”. Sau một hồi thương thảo, hai bộ “phao” văn, sử chúng tôi chọn mua được giảm xuống còn 50.000 đồng/2 bộ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ các “chợ phao” trên các chợ mới nóng mà nhiều cò còn đến ngay trước cổng nhiều trường THPT trong những ngày gần thi tốt nghiệp để mời chào học sinh mua các loại “phao”. “Hôm tổng kết năm học, có mấy anh chị đến trước cổng rao bán các tài liệu được photo nhỏ tí, bảo là lời giải của các môn thi tốt nghiệp năm nay, mấy đứa bạn em, kể cả bố mẹ mấy bạn cũng đều ra mua”, Anh T., học sinh lớp 12 trường THPT Trung Văn (Từ Liêm) kể.

Khi được hỏi, chị Nguyễn Thị H. (Hà Đông, Hà Nội) đang mua “phao” cho em ở khu vực cổng phụ trường ĐH KHXH-NV Hà Nội cho rằng : “Biết là mang vào là em mình có thể bị đình chỉ, nhưng mà vẫn mua cho nó yên tâm, nếu giám thị có lỏng một tý thì cũng có cái mang ra mà chép cho nó bằng bạn, bằng bè, còn không thì để đấy cũng chẳng sao". (Thành Chung)

Thí sinh áo lính

Trong số hàng trăm TS ở hội đồng thi trường Nguyễn Huệ, TP Tuy Hòa (Phú Yên), nổi bật lên một TS mặc áo lính vừa thi xong môn Văn với nét mặt hớn hở.

Đó là Nguyễn Kiên Cường (sinh năm 1991, quê ở P.Phú Đông, TP Tuy Hòa), nhập ngũ tháng 3.2010 tại Tiểu đoàn Bộ binh 85 thuộc Trung đoàn Bộ binh 888 (Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Yên).

Cường cho biết, do năm ngoái thi rớt tốt nghiệp nên năm nay tiếp tục thi lại. “Trong thời gian tại ngũ, đơn vị đã tạo điều kiện nên việc ôn tập chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp lần này với em tương đối thuận lợi. Đề thi môn Văn năm nay không quá khó, tương đối “mềm”. Vì thế, em làm một mạch, chỉ mất hơn 2 tiếng là hoàn tất bài thi” - TS Cường tự tin về bài thi của mình. (Tin, ảnh: Đức Huy)

 An Giang: Có 28 TS vắng mặt ở hệ THPT, 1 TS đến chậm quá thời điểm tính giờ làm bài nên không được dự thi.

Hệ GDTX, 1.198 TS có mặt, vắng 35 TS so với đăng ký ban đầu. 100% số vắng đều không có lý do. Ở môn thi đầu tiên này, tại An Giang chưa xảy ra sự cố nào.

TP Cần Thơ: có 8.339 TS hệ THPT dự thi môn Văn, vắng 14 so với đăng ký. 2 TS vắng do bị ốm, 12 TS còn lại không có lý do.

Hệ GDTX, 1.851/1.900 TS tham gia thi môn đầu tiên. 49 TS vắng mặt đều không có lý do. Cũng như tại An Giang, môn thi đầu tiên tại Cần Thơ diễn ra suôn sẻ, an toàn. (Quang Minh Nhật)

Thừa Thiên - Huế: Nhiều đơn vị hỗ trợ ăn trưa miễn phí cho TS

Vào các buổi trưa từ ngày 2-4.6, gần 700 TS có hoàn cảnh khó khăn dự thi tốt nghiệp THPT tại Thừa Thiên - Huế được giúp đỡ ăn trưa miễn phí tại các điểm thi THCS Nguyễn Tri Phương, THCS Nguyễn Cư Trinh, THCS Thống Nhất, THCS Phan Sào Nam, CĐ Sư phạm Huế và Tiểu học Vĩnh Lợi. Các suất ăn trưa này được Hội Chữ thập đỏ tỉnh chỉ đạo thực hiện.

Hơn 150 học sinh của trường THPT Phan Đăng Lưu (H.Phú Vang) dự thi tại HĐT trường Tiểu học Trường An (P.Trường An, TP Huế) cũng được các thầy, cô giáo của nhà trường hỗ trợ ăn trưa miễn phí. 


Bữa cơm trưa miễn phí của các TS tại gia đình Phật tử P.An Hòa - Ảnh: Minh Phương 

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, năm nay tỉnh có 15.277 TS dự thi tốt nghiệp tại 31 HĐT với 639 phòng thi. Sở đã huy động 1.598 giám thị và 148 lực lượng công an tham gia bảo vệ tại các điểm thi.

Năm nay, có 2 học sinh khuyết tật của trường THPT Hai Bà Trưng được đặc cách không tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT. (Minh Phương)

Đà Nẵng: Thí sinh hớn hở vì đề Văn dễ

Trong buổi thi môn Ngữ văn sáng 2.6, nhiều TS đã xin nộp bài sớm vì đề tương đối dễ.

Đối với câu hỏi số 2 nghị luận về “lòng yêu thương con người của tuổi trẻ”, TS B.Ly (HĐT THPT Trần Phú) cho biết đề thi khá gần gũi với suy nghĩ và cuộc sống thường nhật của học sinh nên đa số các TS làm bài rất dễ dàng.

Ở câu hỏi số 3 phân tích nhân vật Việt trong truyện ngắn “Những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Thi, nhiều TS nhận xét đây cũng là một câu hỏi dễ. Bởi lẽ, các TS đã giải đề Văn phân tích nhân vật Việt và Chiến trong truyện ngắn trên trong kỳ thi thử tốt nghiệp vừa rồi.

Tuy nhiên, thời tiết nắng nóng đã khiến cho nhiều TS mệt mỏi, phụ huynh chờ trước các hội đồng thi cũng sốt ruột và mệt mỏi không kém.

Theo Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, trong buổi thi đầu tiên không xảy ra trường hợp nào vi phạm quy chế thi, các HĐT diễn ra an toàn, nghiêm túc. Toàn kỳ thi có 12 TS khối THPT và 20 TS khối GDTX được miễn thi tốt nghiệp.

Ngoài ra, khối THPT có 40 TS vắng thi, trong đó 33 TS vắng thi không lý do, 5 TS bị ốm và 2 TS khiếm thị  xin đặc cách tốt nghiệp. Ở khối GDTX, có 14 TS vắng mặt trong môn thi đầu tiên này.

* Trước đó, từ sáng sớm, tại các chốt giao thông quanh khu vực 30 hội đồng thi, lực lượng CSGT đã điều khiển giao thông không để xảy ra tình trạng kẹt xe, nhiều phụ huynh đậu đỗ xe dưới lòng đường, gần cổng trường cũng được nhắc nhở di chuyển đến đúng nơi quy định. Ghi nhận của phóng viên TNO cho thấy có nhiều trường hợp TS đến trễ sau giờ tập trung buổi sáng khai mạc kỳ thi tốt nghiệp THPT (6 giờ sáng 2.6).

Cũng có nhiều trường hợp ăn vội bánh mì và uống sữa, vừa tranh thủ ôn bài trước giờ vào phòng thi. Mặc cho thời tiết nắng nóng, nhiều phụ huynh vẫn chờ con em mình trước cổng trường. Phụ huynh TS Đặng Thị Thanh Bình (Hội đồng thi THPT Phan Châu Trinh) cho biết: “Khi bắt đầu giờ làm bài thì tôi sẽ ra về, bởi TS không được mang theo điện thoại di động, mà lỡ cần bổ sung, hay gặp sự cố gì thì mình chờ ở cổng trường vẫn có thể giúp con được ngay”. (Nguyễn Tú)


Khai mạc kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010


Tranh thủ ôn bài đến phút cuối cùng


Giám thị coi thi chuẩn bị làm nhiệm vụ


Ghi số báo danh


Vào phòng thi


Hướng dẫn thí sinh trước giờ làm bài


Mỗi phụ huynh mỗi tâm trạng khác nhau

Trước giờ thi

Sau 12 năm đèn sách, các thí sinh đã bắt đầu bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Phóng viên Thanh Niên Online đã ghi lại cảm xúc của các thí sinh ngay trước giờ thi môn văn vào sáng nay 2.6 tại TP.HCM.


Chăm chú xem sơ đồ các phòng thi...


Và dò tên mình trong danh sách thi


Hồi hộp vào phòng thi


Một thí sinh đi trễ hấp tấp chạy vào phòng thi ngay trước giờ phát đề (tại HĐ thi Marie Curie, TP.HCM)


Những lời dặn cuối cùng của cán bộ coi thi về quy chế thi trước khi thí sinh nhận đề


Trong khi đó, bên dưới phòng thi là những gương mặt hơi lo lắng...


Tập trung lại...


Tự tin chuẩn bị làm bài

Ảnh: Nghĩa Phạm

TNO

>> tiếp tục cập nhật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.