Sở GD-ĐT phải chấn chỉnh việc cấm trại ôn thi

28/05/2010 01:18 GMT+7

Chỉ còn ít ngày nữa thí sinh cả nước sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. PV Thanh Niên có cuộc trao đổi với ông Vũ Đình Chuẩn (ảnh), Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học - Bộ GD-ĐT xung quanh việc chuẩn bị cho kỳ thi này.

 

Ông Vũ Đình Chuẩn

* Thưa ông, theo ghi nhận của Thanh Niên, một số trường tổ chức ôn thi tốt nghiệp rất căng thẳng: Học sinh (HS) nội trú không được về nhà vào cuối tuần, có trường áp dụng thời khóa  biểu ôn tập từ 7 giờ sáng và kết thúc lúc 23 giờ đêm. Ý kiến của ông về hiện tượng này?

- Đây là hiện tượng cá biệt ở một số trường ngoài công lập chứ không phổ biến và Bộ GD-ĐT đã có ý kiến chỉ đạo Sở Giáo dục -Đào tạo (TP.HCM - PV) kiểm tra, điều chỉnh. Trong chuyện này, do các trường lo lắng thái quá về kết quả thi tốt nghiệp THPT nên vô tình tạo nên tâm lý căng thẳng cho HS. Các cơ quan quản lý phải có trách nhiệm yêu cầu điều chỉnh khi thấy bất hợp lý.

Chấm bài thi tự luận: không tráo đổi giữa 2 tỉnh

Bộ GD-ĐT vừa công bố phương án chính thức về phân công chấm chéo bài thi tự luận kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010. Theo đó: Không chấm tráo đổi qua lại giữa hai tỉnh với nhau; hạn chế tối đa việc phân công nhiều tỉnh chấm cho một tỉnh; tuyến đường vận chuyển bài thi thuận tiện; quãng đường vận chuyển bài thi không quá xa; số lượng bài chuyển đổi không vượt quá nhiều khả năng của tỉnh nhận bài chấm.

Theo quyết định này, bài thi tự luận của Hà Nội sẽ do 5 đơn vị chấm là: Bắc Giang, Hà Nam, Phú Thọ, Thái Bình, Vĩnh Phúc. Bài thi của TP.HCM do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh, Vĩnh Long chấm. Đà Nẵng sẽ do Gia Lai chấm, Cần Thơ do Kiên Giang chấm; Khánh Hòa do Bình Thuận và Ninh Thuận chấm...

* Còn hiện tượng tăng tiết phổ biến ở tất cả các trường thì sao, thưa ông?

- Việc dạy học, rèn luyện kỹ năng phải tiến hành trong cả năm học chứ không phải chỉ đến khi kỳ thi gần bắt đầu mới ôn tập. Việc tổ chức ôn tập thế nào cho phù hợp và có hiệu quả thì không ai có thể làm tốt hơn giáo viên và chính lãnh đạo của trường đó. Tất nhiên, khi chỉ đạo, Bộ GD-ĐT cũng đề nghị các trường, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn phải thống nhất với HS, phụ huynh sắp xếp thời gian hợp lý cho con em học tập có hiệu quả nhất nhưng không quá tải. Đó là điều quan trọng nhất.

* Một số giáo viên cho rằng tình trạng học lệch phổ biến trong HS khiến khi ôn thi rất căng thẳng. Ông có suy nghĩ gì về nhận định này?

- Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo rất rõ: dạy học đều tất cả các môn nhằm đảm bảo mục tiêu giáo dục toàn diện. Bộ cũng đã ban hành hướng dẫn dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình cho nên thi tốt nghiệp môn nào trong những môn của chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT không là điều phải lo lắng đối với những HS học đầy đủ chương trình và bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng các môn học. Còn việc HS học lệch là không đúng chỉ đạo của Bộ và các cấp quản lý. Việc chú ý đầu tư cho môn học này, không chú ý đến môn học kia lại là việc cụ thể của từng HS. Quy chế đánh giá, xếp loại HS trung học cơ sở và HS trung học phổ thông của Bộ GD-ĐT cũng không có kẽ hở cho việc học lệch.

* Trường có chất lượng đầu vào thấp hoặc trung bình cho rằng kết quả thi tốt nghiệp của tất cả các trường được công bố công khai để có cơ sở xếp hạng khiến thầy và trò càng  thêm căng thẳng. Thưa ông, đây có phải là quy định bắt buộc của Bộ GD-ĐT hay không? Theo ông, cách làm như vậy liệu có phải là áp lực thành tích?

- Theo Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân ban hành kèm theo Thông tư hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thì việc công khai chất lượng dạy học là việc phải làm và người dân có quyền được biết những thông tin đó. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT không chủ trương chỉ đạo lấy tỷ lệ tốt nghiệp THPT để xếp loại thi đua, xếp hạng các cơ sở giáo dục và để chạy theo thành tích, nhất là trong bối cảnh toàn ngành đang thực hiện cuộc vận động “hai không”.

Không nên nhìn nhận một vài hiện tượng tổ chức ôn tập cả ngày, đêm trong nhà trường chỉ là bệnh thành tích. Xét ở khía cạnh khác, việc nhà trường và giáo viên mong muốn HS đỗ tốt nghiệp với tỷ lệ cao và lo lắng ôn tập tốt cho các em còn là do lương tâm nghề nghiệp. Việc phụ huynh mong muốn con em mình đỗ tốt nghiệp cao hoàn toàn là tâm lý bình thường.

* Ông có lời khuyên nào cho thí sinh trước khi kỳ thi bắt đầu?

- Chỉ còn ít ngày nữa là kỳ thi tốt nghiệp THPT bắt đầu. Thời gian này có thể các em vẫn tiếp tục công việc ôn tập nhưng quan trọng nhất là cần phải chú trọng đến sức khỏe và tâm lý. Không nên quá căng thẳng mà nên dành thời gian cho việc rà soát, hệ thống lại phần kiến thức đã ôn tập, sao cho học ôn được đến đâu chắc đến đó; rèn luyện cách phân tích đề thi, cách trình bày bài thi theo đặc thù từng môn thi, hình thức thi; chuẩn bị cho mình tâm lý tự tin trước khi bước vào kỳ thi.

Xử phạt hành chính vì bán chứng khoán trước ngày T+4

Ngày 27.5.2010, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần CK An Phát (Hà Nội).

Nguyên nhân là do trong quá trình cung cấp dịch vụ cho khách hàng, Công ty cổ phần CK An Phát đã có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về CK và thị trường chứng khoán. Cụ thể, trong khoảng thời gian từ ngày 1.1.2010 đến 31.3.2010, Công ty cổ phần CK An Phát đã cho một số khách hàng bán CK vào trước ngày T+4 khi CK chưa được Trung tâm Lưu ký hạch toán vào tài khoản CK giao dịch của thành viên, vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 27 Quy chế đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán CK ban hành kèm theo Quyết định số 87/2007/QĐ-BTC ngày 22.10.2007 của Bộ Tài chính. Trong quá trình hoạt động kinh doanh, Công ty cổ phần CK An Phát chưa thực hiện tách bạch hoàn toàn tiền của nhà đầu tư với tiền của công ty CK, vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 71 Luật CK. Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần CK An Phát là 70 triệu đồng.

N.Khanh

Tuệ Nguyễn (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.