Đề thi, gợi ý bài giải môn Văn, môn Hóa

02/06/2010 10:00 GMT+7

(TNO) Chiều nay 2.6, các thí sinh đã thi xong hai môn đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010 là môn Văn và môn Hóa. Thanh Niên Online đăng đề thi, gợi ý bài giải các môn ngay sau mỗi buổi thi. Và ngay khi kết thúc môn thi cuối cùng, Thanh Niên Online sẽ đăng toàn bộ đáp án các môn thi của Bộ GD-ĐT. Mời quý vị và các bạn đón xem.

Ngày mai (3.6), Thanh Niên (báo in) tặng bạn đọc phụ trương gợi ý giải đề thi.

*** Đề thi và gợi ý giải bài môn Hóa (Mã đề 208)
*** Đề thi môn Ngữ văn
*** Gợi ý bài giải môn Ngữ văn
 

KỲ THI TỐT NGHIỆP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NĂM 2010

Môn thi : HÓA HỌC - Giáo dục trung học phổ thông

Mã đề thi : 208

 

Cho biết nguyên tử khối (theo u) của các nguyên tố : H = 1; C = 12; N = 14; O = 16; Na = 23; Al = 27; Cl=35,5; Fe = 56; Cu = 64; Zn = 65; Ag = 108

 

I. Phần chung cho tất cả thí sinh (32 câu, từ câu 1 đến câu 32)

 

Câu 1 : Quặng boxit là nguyên liệu dùng để điều chế kim loại

            A. đồng                        B. natri                        

            C. nhôm                       D. chì

Câu 2 : Kim loại không phản ứng được với nước ở nhiệt độ thường là

           A. Li                            B. Ca                          

           C. K                            D. Be

Câu 3 : Chất làm mềm nước có tính cứng toàn phần là

            A. CaSO4                     B. NaCl                       

            C. Na2CO3                   D. CaCO3

Câu 4 : Cấu hình electron lớp ngoài cùng của nguyên tử kim loại kiềm thổ là

            A. ns2np2                      B. ns2np1                     

            C. ns1                           D. ns2

Câu 5 : Protein phản ứng với Cu(OH­)2 tạo sản phẩm có màu đặc trưng là

            A. màu da cam             B. màu tím                   

            C. màu vàng                 D. màu đỏ

Câu 6 : Cho m gam glucozơ phản ứng hoàn toàn với lượng dư dung dịch AgNO3 trong NH3 (đun nóng), thu được 21,6 gam Ag. Giá trị của m là

            A. 16,2                         B. 9,0                          

            C. 36,0                          D. 18,0

Câu 7 : Cho dãy các kim loại : K, Mg, Cu, Al. Số kim loại trong dãy phản ứng được với dung dịch HCl là

            A. 3                              B. 1                             

            C. 2                              D. 4

Câu 8 : Để phản ứng hoàn toàn với dung dịch chứa 7,5 gam H2NCH2COOH cần vừa đủ V ml dung dịch NaOH 1M. Giá trị của V là

            A. 100                          B. 200                         

            C. 50                            D. 150

Câu 9 : Cho dung dịch Na2CO3 vào dung dịch Ca(HCO3)2 thấy

            A. có kết tủa trắng và bọt khí                            

            B. không có hiện tượng gì

            C. có kết tủa trắng  

            D. có bọt khí thoát ra

Câu 10 : Hai chất nào sau đây đều là hiđroxit lưỡng tính ?

            A. Ba(OH)2 và Fe(OH)3                                    

            B. Cr(OH)3 và Al(OH)3

            C. NaOH và Al(OH)3 

            D. Ca(OH)2 và Cr(OH)3

Câu 11 : Vinyl axetat có công thức là

            A. CH3COOCH3         

            B. C2H5COOCH3        

            C. HCOOC2H5            

            D. CH3COOCH=CH2

Câu 12 : Chất nào sau đây vừa phản ứng được với dung dịch KOH, vừa phản ứng được với dung dịch HCl?

            A. C6H5NH2         B. H2NCH(CH3)COOH       

            C. CH3COOH              D. C2H5OH

Câu 13 : Chất có tính lưỡng tính là

            A. NaOH                     B. KNO3                     

            C. NaHCO3                  D. NaCl

Câu 14 : Kim loại Al không phản ứng được với dung dịch

            A. H2SO4 (đặc, nguội)               B. KOH          

            C. NaOH                      D. H2SO4 (loãng)

Câu 15 : Cho dãy các kim loại : Mg, Cr, Na, Fe. Kim loại cứng nhất trong dãy là

            A. Fe                            B. Mg                          

            C. Cr                            D. Na

Câu 16 : Cho 15 gam hỗn hợp bột kim loại Zn và Cu vào dung dịch HCl (dư). Sau khi phản ứng xảy ra hoàn toàn, thu được 4,48 lít khí H2 (đkc) và m gam kim loại không tan. Giá trị của m là

            A. 2,0                           B. 6,4                          

            C. 8,5                           D. 2,2

Câu 17 : Xà phòng hóa hoàn toàn 17,6 gam CH3COOC2H5 trong dung dịch NaOH (vừa đủ), thu được dung dịch chứa m gam muối. Giá trị của m là

            A. 16,4                         B. 19,2                         

            C. 9,6                           D. 8,2

Câu 18 : Để khử hoàn toàn 8,0 gam bột Fe2O3 bằng bột Al (ở nhiệt độ cao, trong điều kiện không có không khí) thì khối lượng bột nhôm cần dùng là

            A. 8,1 gam                    B. 1,35 gam                 

            C. 5,4 gam                    D. 2,7 gam

Câu 19 : Chất nào sau đây không tham gia phản ứng thủy phân?

            A. Protein                     B. Saccarozơ               

            C. Glucozơ                   D. Tinh bột

Câu 20 : Dung dịch làm quỳ tím chuyển sang màu xanh là

            A. C2H5OH                  B. H2NCH2COOH       

            C. CH3COOH              D. CH3NH2

Câu 21 : Cho dãy các chất: CH2=CHCl, CH2=CH2, CH2=CH-CH=CH2, H2NCH2COOH. Số chất trong dãy có khả năng tham gia phản ứng trùng hợp là

            A. 1                              B. 4                             

            C. 3                              D. 2

Câu 22 : Trong tự nhiên,canxi sunfat tồn tại dưới dạng muối ngậm nước (CaSO4.2H2O) được gọi là

            A. Thạch cao sống        B. Đá vôi                     

            C. Thạch cao khan        D. Thạch cao nung

 

Câu 23 : Điều chế kim loại K bằng phương pháp

            A. dùng khí CO khử ion K+ trong K2O ở nhiệt độ cao

            B. điện phân dung dịch KCl có màng ngăn

            C. điện phân KCl nóng chảy

            D. điện phân dung dịch KCl không có màng ngăn

Câu 24 : Chất thuộc loại cacbohiđrat là

            A. xenlulozơ                  B. protein                     

           C. poli(vinyl clorua)       D. glixerol

Câu 25 : Kim loại Fe phản ứng được với dung dịch

            A. CuSO4                     B. Na2CO3                  

            C. CaCl2                      D. KNO3

Câu 26: Hòa tan hoàn toàn 2,7 gam Al bằng dung dịch HNO3 (loãng, dư), thu được V lít khí NO (sản phẩm khử duy nhất, ở đktc). Giá trị của V là

            A. 2,24.                        B. 4,48.         

            C. 3,36.                        D. 1,12.

Câu 27: Cho dãy các chất : CH3COOCH3, C2H5OH, H2NCH2COOH, CH3NH2. Số chất trong dãy phản ứng được với dung dịch NaOH là

            A. 3.                            B. 2.                                       

            C. 4.                            D. 1.

Câu 28: Công thức hóa học của sắt (III) hiđroxit là

       A. Fe2O3.                          B. FeO.                                  

       C. Fe(OH)3.                      D. Fe(OH)2

Câu 29: Cho dãy các kim loại kiềm: Na, K, Rb, Cs. Kim loại trong dãy có nhiệt độ nóng chảy thấp nhất là

       A. Na.                              B. K.                                      

       C. Rb.                              D. Cs.

Câu 30: Cho dãy các dung dịch: glucozơ, saccarozơ, etanol, glixerol. Số dung dịch trong dãy phản ứng được với Cu(OH)2 ở nhiệt độ thường tạo thành dung dịch có màu xanh lam là

       A. 1.                            B. 4.                                       

       C. 3.                            D. 2.

Câu 31: Dãy các kim loại được xếp theo chiều giảm dần tính khử là:

       A. Zn, Cu, K.                 B. K, Zn, Cu.                          

       C. K, Cu, Zn.                D. Cu, K, Zn.

Câu 32: Chất không phải axit béo là

       A. axit axetic.                B. axit stearic.     

       C. axit oleic.                 D. axit panmitic.

 

II. PHẦN RIÊNG – PHẦN TỰ CHỌN (8 câu)

 

Thí sinh chỉ được làm một trong hai phần (phần A hoặc B)

 

A. Theo chương trình Chuẩn (8 câu, từ câu 33 đến câu 40)

 

Câu 33: Để phân biệt dung dịch Na2SO­4 với dung dịch NaCl, người ta dùng dung dịch

       A. NaOH.                     B. BaCl­2.      

       C. KNO3.                     D. HCl.

Câu 34: Dãy gồm các hợp chất được sắp xếp theo thứ tự tăng dần lực bazơ là:

       A. CH3NH2, C6H5NH2 (anilin), NH3.

       B. NH3, C6H5NH2 (anilin), CH3NH2.

       C. C6H5NH2 (anilin), CH3NH2, NH3.

       D. C6H5NH2 (anilin), NH3, CH3NH2.

Câu 35: Polime được điều chế bằng phản ứng trùng ngưng là

       A. nilon-6,6.                        B. poli(metyl metacrylat).

       C. poli(vinyl clorua).           D. polietilen.

Câu 36: Kim loại Fe phản ứng được với dung dịch nào sau đây tạo thành muối sắt (III)?

       A. Dung dịch HNO3 (loãng, dư).       

       B. Dung dịch H2SO4 (loãng).

       C. Dung dịch HCl.   

       D. Dung dịch CuSO4.

Câu 37: Số oxi hóa của crom trong hợp chất Cr2O3

       A. +4.                           B. +6.                                     

       C. +2.                          D. +3.

Câu 38: Oxit kim loại bị khử bởi khí CO ở nhiệt độ cao là

       A. Al2O3.                     B. CuO.                                  

       C. K2O.                       D. MgO.

Câu 39: Tinh bột thuộc loại

       A. monosaccarit.          B. polisaccarit.   

       C. đisaccarit.                D. lipit.

Câu 40: Cho CH3COOCH3 vào dung dịch NaOH (đun nóng), sinh ra các sản phẩm là

       A. CH3COONa và CH3COOH. 

       B. CH3COONa và CH3OH.

       C. CH3COOH và CH3ONa.        

       D. CH3OH và CH3COOH.

 

B. Theo chương trình nâng cao (8 câu, từ câu 41 đến câu 48)

 

Câu 41: Phản ứng giữa C2H5OH với CH3COOH (xúc tác H2SO4 đặc, đun nóng) là phản ứng

       A. trùng hợp.                  B. este hóa. 

       C. xà phòng hóa.           D. trùng ngưng.

Câu 42: Dung dịch có pH > 7 là

       A. K2SO4.                     B. FeCl3.    

       C. Al2(SO4)3.                D. Na2CO3.

Câu 43: Oxit nào dưới đây thuộc loại oxit bazơ?

       A. CO.                         B. Cr2O3.     

       C. CuO.                       D. CrO3.

Câu 44: Tơ nào sau đây thuộc loại tơ bán tổng hợp (tơ nhân tạo)?

       A. Bông.                         B. Tơ visco.        

       C. Tơ nilon-6,6.             D. Tơ tằm.

Câu 45: Cho Eo (Zn2+/Zn) = –0,76V; Eo (Sn2+/Sn) = –0,14V. Suất điện động chuẩn của pin điện hóa Zn–Sn là

       A. 0,90V.                     B. –0,62V.  

       C. 0,62V.                     D. –0,90V.

Câu 46: Số đồng phân cấu tạo amin bậc một ứng với công thức phân tử C3H9N là

       A. 1.                            B. 2.        

       C. 4.                            D. 3.

Câu 47: Đồng phân của saccarozơ là

       A. xenlulozơ.                B. glucozơ.   

       C. fructozơ.                  D. mantozơ.

Câu 48: Khi điện phân dung dịch CuCl2 để điều chế kim loại Cu, quá trình xảy ra ở catot (cực âm) là

       A. Cu ® Cu2+ + 2e.         B. 2Cl- ® Cl2 + 2e.   

       C. Cl2 + 2e ® 2Cl-.          D. Cu2+ + 2e ® Cu.

Nhận xét đề thi môn Hóa:

Sẽ có nhiều học sinh đạt điểm 10 hơn những năm trước
  
Đề bám sát chương trình 12, trải đều nội dung chương trình đã học và khá nhẹ nhàng nên học sinh không quá khó để giải quyết sớm đề thi. Chắc chắn có nhiều học sinh làm dư giờ. Đề thi đạt yêu cầu cho kỳ thi kiểm tra cuối cấp. Với đề thi này học sinh sẽ tránh được nhiều áp lực trong thi cử.

Đề không có câu khó để phân loại học sinh, cũng không có câu liên quan đến hóa học và các vấn đề môi trường, xã hội nên cũng chưa thực sự là đề bám sát thực tiễn.

Dự đoán sẽ có nhiều học sinh đạt điểm 10 hơn những năm trước.

Nguyễn Đình Độ
(THPT Nguyễn Khuyến - TP.HCM)

KỲ THI TỐT NGHIỆP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NĂM 2010
Môn thi : NGỮ VĂN - Giáo dục trung học phổ thông

I. Phần chung cho tất cả thí sinh (5,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Nêu những nét chính về cuộc đời và sự nghiệp văn học của nhà văn M. Sô-lô-khốp.

Câu 2 (3,0 điểm)

Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về lòng yêu thương con người của tuổi trẻ trong xã hội hiện nay.

II. Phần riêng - Phần tự chọn (5,0 điểm)

Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu (câu 3.a hoặc câu 3.b)

Câu 3.a. Theo chương trình Chuẩn (5,0 điểm)

 Phân tích nhân vật Việt trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi (phần trích trong Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục - 2008)

Câu 3.b. Theo chương trình Nâng cao  (5,0 điểm)

 Phân tích đoạn thơ sau trong bài Sóng của Xuân Quỳnh :

  Dữ dội và dịu êm
  Ồn ào và lặng lẽ
  Sông không hiểu nổi mình
  Sóng tìm ra tận bể 

  Ôi con sóng ngày xưa
  Và ngày sau vẫn thế
  Nỗi khát vọng tình yêu
  Bồi hồi trong ngực trẻ

 (Ngữ văn 12 Nâng cao, Tập một, tr.122 - 123,
NXB Giáo dục - 2008)

BÀI GIẢI GỢI Ý

I. Phần chung cho tất cả thí sinh (5,0 điểm)

Câu 1: Nêu những nét chính về cuộc đời và sự nghiệp văn học của nhà văn M. Sô-lô-khốp.

- M. Sô-lôkhốp (1905 -1984) là một trong những nhà văn lớn nhất của văn học Xô viết, tác giả của hai thiên tiểu thuyết sử thi hoành tráng, giải Nobel văn chương 1965, anh hùng lao động Liên xô, đại biểu Xô viết tối cao.

- Ông sinh trưởng trong một gia đình cô-dắc sông Đông, suốt đời viết về những người dân sông Đông.

- Tham gia họat động xã hội sớm, từ khi chưa hết bậc phổ thông. Suốt đời tích cực tham dự vào đời sống chính trị xã hội: Nội chiến (1918 – 1922), Chiến tranh  Vệ quốc vĩ đại (1941 – 1945), Công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa

- Viết văn sớm và sớm thành công: Năm 1925 (khi mới 20 tuổi) ra tác phẩm đầu tiên Truyện sông Đông, năm 1940 hoàn thành tiểu thuyết Sông Đông êm đềm, năm 1957 viết truyện ngắn nổi tiếng Số phận con người, năm 1960 hoàn thành tiểu thuyết Đất vỡ hoang.

- Vấn đề nổi bật trong tac phẩm của ông là số phận nhân dân, đất nước, số phận cá nhân. Văn xuôi của ông có chất bi và chất hùng, tính sử thi kết hợp với phân tích tâm lí một cách nhuần nhuyễn. Ông được liệt vào hàng các nhà văn lớn nhất thế kỉ XX.

Câu 2: Yêu cầu của đề: Đây là một đề bình luận một vấn đề xã hội, học sinh cần làm rõ những nét cơ bản sau:

- Giải thích:

+ Lòng yêu thương con người là gì? (Ví dụ: Mối xúc động trước mỗi nỗi đau trong cuộc sống, cảm thông và biết chia sẻ với đồng lọai, theo tinh thần của dân tộc: thương người như thể thương thân. Trong yêu thương, con người sẽ cảm thấy hạnh phúc. Không biết yêu thương, con người sẽ tự làm mình bất hạnh và cô đơn…)

+ Tại sao lòng yêu thương con người của tuổi trẻ lại được đặt ra trong chính mọi thời đại nói chung và trong xã hội ta hiện nay nói riêng? Cần nhấn mạnh sự vô cảm trước nỗi đau của đồng lọai trong thời buổi văn minh máy móc là một vấn đề bức xúc ngày nay. Chứng minh bằng những sự kiện diễn ra hàng ngày mà học sinh chứng kiến, mà báo chí đưa tin: vụ em Hào Anh, Hồng Anh…

- Bình luận:

+ Tình yêu thương con người của tuổi trẻ cho học sinh thấy sự gắn bó và trách nhiệm với cộng đồng, sự chung tay giải quyết những vấn nạn xã hội

+ Tình yêu thương con người của tuổi trẻ cho học sinh sức mạnh tinh thần, sống quả cảm, có ý nghĩa hơn ở cuộc đời

- Hướng giải quyết vấn đề đặt ra: học sinh sẽ làm gì để chứng tỏ lòng yêu thương con người.

Câu 3a: Yêu cầu của đề: Phân tích một nhân vật chính, cho thấy ý nghĩa của hình tượng nhân vật ấy trong tác phẩm như “một khúc sông sau” của dòng sông truyền thống gia đình, sẽ đi xa hơn những khúc sông trước.

- Giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm

- Vị trí, ý nghĩa hình tượng nhân vật Việt trong việc biểu hiện nội dung và nghệ thuật của tác phẩm: Thể hiện rõ tính cách nhân vật Việt như một nhân vật chính của tác phẩm, thế hệ con nối tiếp truyền thống của cha anh, biểu tượng của tuổi trẻ Việt Nam đánh Mĩ. Có thể có những ý sau:

- Tính cách nhân vật Việt

+ Việt hồn nhiên ngây thơ như một đứa trẻ. Chiến nhường nhịn em bao nhiêu thì Việt hay tranh giành với chị bấy nhiêu. Đêm trước ngày ra đi, Chiến nói với em những lời nghiêm trang thì Việt lúc “lăn kềnh ra ván cười khì khì”, lúc lại rình “chụp một con đom đóm úp trong lòng tay”. Vào bộ đội, Việt đem theo một chiếc ná cao su.=> Xây dựng nhân vật Việt hồn nhiên và thơ trẻ như thế, Nguyễn Thi muốn nói về một thế hệ tuổi trẻ bước vào cuộc chiến đấu khi tuổi còn xanh.

+ Yêu thương, gắn bó với gia đình: Luôn nhớ đến má, chú Năm và chị Chiến. (Ví dụ: Khi sắp xa nhà, lần đầu tiên Việt hiểu rõ lòng mình để thấy “thương chị lạ”). Qua đó cho thấy rằng chính sự gắn bó sâu nặng giữa tình cảm gia đình với tình yêu đất nước, giữa truyền thống gia đình với truyền thống dân tộc đã tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến cứu nước.

+ Căm thù giặc sâu sắc và quyết tâm chiến đấu đến cùng. (Phân tích ý nghĩ của Việt “mối thù thằng Mĩ thì có thể rờ thấy được, vì nó đang đè nặng ở trên vai”; ngay khi chỉ có một tấm thân trơ trọi và đầy thương tích, Việt vẫn đi tìm giặc. “Mày chỉ giỏi giết gia đình tao, còn đối với tao thì mày là thằng chạy”)

+ Việt hiện lên sinh động nhờ nghệ thuật xây dựng hình tượng: miêu tả tâm lí, ngôn ngữ đối thoại và ngôn ngữ miêu tả sinh động có tác dụng cá tính hóa nhân vật.

- Đánh giá:

+Vai trò, ý nghĩa hình tượng với giá trị tác phẩm: Tiêu biểu cho vẻ đẹp tuổi trẻ chống Mĩ: Việt là nhân vật xuất hiện nhiều nhất trong tác phẩm, một người lính dũng cảm, đạidiện cho lớp trẻ Việt Nam thời đại chống Mĩ. Họ hồn nhiên trong cuộc sống nhưng cực kì nghiêm túc trong những suy nghĩ về truyền thống gia đình, về “nợ nc thù nhà”. Họ sẽ là dòng chảy dài và đi xa muôn dặm trong dòng sông truyền thống gia đình,

Câu 3b

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đọan trích (hai khổ đầu)

- Phân tích: làm nổi rõ khát vọng tâm hồn của tình yêu người con gái qua hình tượng “sóng”, cụ thể qua 2 khổ thơ mở đầu, để thấy hình tượng ấy sẽ phát triển xa rộng hơn ở các khổ sau. Nên có những ý sau:

+ Trạng thái tâm lí đặc biệt của một tâm hồn khát khao yêu đương của phái nữ: phức tạp,  và nhiều đối cực: dữ dội đối lập với  dịu êm… => vẻ ngòai bình lặng nhưng bên trong chứa đựng những sức mạnh tiềm tàng, mãnh liệt.

+ Trạng thái bí ẩn khơi dậy những khát vọng lớn lao: Sông không hiểu nổi mình,/ Sóng tìm ra tận bể. Vượt qua những giới hạn chật chội, con sóng nhận thấy mình sức mạnh và khát khao vô biên.

+ Tình yêu là sự vĩnh hằng, là chuyện muôn đời, vô thủy vô chung, vượt qua mọi thời gian, không gian (ngày xưa – ngày sau) mà vẫn tươi trẻ muôn đời (bồi hồi trong ngực trẻ)

- Bình luận:

+ Đọan trích thể hiện mọi cung bậc của tình yêu lứa đôi trong cảm nhận của người con gái

+ Cảm nhận về tình yêu đi từ những gì nhỏ bé đến lớn lao, từ riêng đến chung, vừa cụ thể vừa khái quát, đẩy lên thành triết lí về những gì của muôn thủa, vừa mang tính đặc trưng tình yêu phái nữ, vừa là tình yêu của tất cả đối lứa muôn đời. Đó cũng là đặc điểm riêng của thơ tình Xuân Quỳnh.  

TS. Phạm Thị Phương
(ĐH Sư phạm TP.HCM)

Nhận xét đề thi môn Văn:

Dự đoán điểm thi môn Văn không cao

Cũng như những năm trước, đề thi môn văn THPT năm nay đều bám sát chương trình, điều đó không cần phải bàn, nhưng không có gì là “mở”.

Câu 1 và 2 của phần chung là cơ hội cho thí sinh có điểm vì quá dễ; câu 3a và 3b không dễ cho học sinh trung bình thể hiện tốt bài viết của mình. Câu 2 bình luận về vấn đề “Lòng yêu thương con người của tuổi trẻ hiện nay” rất bám sát thực tiễn đời sống và đề cao, quan tâm cũng như định hướng giáo dục thanh niên nên tạo nhiều cảm hứng cho thí sinh làm bài vì họ là tuổi trẻ - đối tượng được đề cập trong đề thi.

Về hình tượng nhân vật Việt trong thiên truyện “Những đứa con trong gia đình”, bản thân giáo viên cũng khó chuyển tải “chu đáo” cảm xúc của mình qua bài giảng. Vì thế, ở câu này, thí sinh chỉ có thể làm bài theo lối liệt kê dẫn chứng, nên điểm sẽ không cao được.

Sóng là một bài thơ hay, nhưng hai khổ thơ trong đề không phải là trọng tâm, nên thí sinh sẽ thiếu nguồn tư liệu để triển khai bài viết đạt một dung lượng khả dĩ chấp nhận được, ấy là chưa nói không dễ để cảm thụ hai khổ thơ này. Cho nên có thể nói rằng câu 3a và 3b vừa khó vừa không hay. Vì thế dự đoán điểm thi môn Văn năm nay sẽ không cao.

Nguyễn Đức Hùng

>> Kỳ thi tốt nghiệp THPT: Chậm nhất 18.6 công bố điểm thi
>> Sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT
>> Một học sinh cụt hai tay được đặc cách tốt nghiệp THPT
>> Chưa thi nhưng “phao” tràn lan
>> Lưu ý quan trọng trước kỳ thi tốt nghiệp THPT
>> Để làm bài thi tốt nghiệp đạt điểm cao
>> Thi tốt nghiệp THPT: Để không phạm quy
>> Giải tỏa tâm lý trước ngày thi
>> Sở GD-ĐT phải chấn chỉnh việc cấm trại ôn thi
>> Uống thuốc bổ để luyện thi
>> Cấm trại ôn thi
>> Khởi động chương trình Tiếp sức mùa thi

TNO

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.