Mỹ điều tra, Ukraine tìm cách ngăn chặn rò rỉ bí mật quân sự

09/04/2023 04:16 GMT+7

Thông tin mật về kế hoạch chiến đấu của Ukraine cũng như an ninh quốc gia Mỹ đã bị phát tán trên mạng trong 2 ngày liên tiếp, báo động cả Kyiv và Washington.

Hôm qua, báo The New York Times của Mỹ đưa tin một loạt tài liệu mật với nội dung liên quan đến an ninh quốc gia Mỹ, từ Ukraine đến Trung Đông và Trung Quốc, đã lan truyền trên mạng xã hội. Một ngày trước đó, thông tin mật về kế hoạch của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm hỗ trợ Ukraine triển khai chiến dịch tấn công mùa xuân đã bị phát tán. Bộ Tư pháp và Bộ Quốc phòng Mỹ đang điều tra các vụ rò rỉ dường như đã khiến chính quyền Tổng thống Joe Biden hoàn toàn bất ngờ, theo tờ báo.

Xem nhanh: Chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine ngày 408 có gì nóng?

Các tài liệu tiết lộ gì ?

Trong vụ rò rỉ đầu tiên hôm 7.4 (giờ VN), một loạt ảnh chụp các tài liệu đề ngày 1.3 và được đánh dấu "mật" hoặc "tối mật" đã lan truyền trên các kênh như Twitter và Telegram. Theo The New York Times, tài liệu hé lộ kế hoạch của Mỹ và NATO trong việc tăng cường lực lượng cho Ukraine trước cuộc tấn công mà Kyiv dự định tiến hành nhằm đẩy lùi quân Nga trong mùa xuân 2023, dù không nêu chi tiết kế hoạch, chẳng hạn như cách thức, thời gian và địa điểm.

Mỹ điều tra, Ukraine tìm cách ngăn chặn rò rỉ bí mật quân sự - Ảnh 1.

Quân đội Ukraine ở Bakhmut ngày 7.4

Reuters

Đối với Moscow, các tài liệu này chắc chắn cung cấp nhiều manh mối có giá trị, ví dụ mức độ tiêu hao hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) mà Mỹ cung cấp cho Ukraine - thông tin mà Lầu Năm Góc chưa từng tiết lộ - hay thời gian vũ khí phương Tây được đưa đến Ukraine và số lượng binh sĩ của Kyiv. Một phần tài liệu cũng chứa đựng đánh giá về khả năng phòng không đang suy yếu của Ukraine.

Ukraine tìm cách ngăn rò rỉ thông tin quân sự

Trong khi đó, các quan chức Mỹ cho biết quy mô của vụ rò rỉ thứ hai - có thể bao gồm hơn 100 tài liệu - cùng với mức độ nhạy cảm của bản thân các tài liệu đó, có thể gây thiệt hại lớn. Các tài liệu này không chỉ cung cấp thông tin về kế hoạch chiến đấu của Ukraine mà còn chứa đựng những báo cáo nhạy cảm về Trung Quốc, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, Trung Đông và khủng bố.

Một quan chức tình báo cấp cao của Washington cho rằng vụ rò rỉ là "cơn ác mộng đối với Ngũ Nhãn", đề cập liên minh chia sẻ thông tin tình báo gồm 5 nước Mỹ, Anh, Úc, New Zealand và Canada. Theo ông Mick Mulroy, cựu quan chức cấp cao Lầu Năm Góc, đây là vụ "xâm phạm an ninh nghiêm trọng" có thể gây trở ngại cho việc hoạch định kế hoạch quân sự của Ukraine.

Ai đứng sau ?

Chính phủ Nga đã không lập tức bình luận về sự việc trong khi chính phủ Ukraine không thừa nhận các vụ rò rỉ. Giới chức ở Kyiv và các blogger Nga ủng hộ xung đột cho rằng đây là một phần trong nỗ lực lan truyền thông tin sai lệch của phía bên kia nhằm tác động đến cuộc tấn công mùa xuân mà Ukraine có thể sắp triển khai. 

Liên tiếp rò rỉ tài liệu mật, Lầu Năm Góc báo động

Dù vậy, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và các quan chức an ninh hàng đầu đã nhóm họp vào ngày 7.4 để thảo luận cách ngăn chặn việc rò rỉ thông tin quân sự, theo Reuters.

Trong khi đó, Reuters dẫn lời 3 quan chức Mỹ cho rằng Moscow hoặc các thế lực thân Nga có khả năng đứng sau sự việc. Các quan chức này cũng cho biết các tài liệu trong vụ rò rỉ đầu tiên dường như đã bị chỉnh sửa để hạ thấp số lượng binh sĩ thương vong của Nga trên chiến trường.

Trong một diễn biến khác, Nga đã cáo buộc Ukraine đang chuẩn bị một chiến dịch tuyên truyền quy mô lớn nhằm hạ bệ uy tín của Moscow trên trường quốc tế. Hãng tin RIA ngày 8.4 dẫn lời cơ quan liên bộ của Nga về hoạt động nhân đạo tại Ukraine cho biết Kyiv sẽ thực hiện một "hành động khiêu khích" ở vùng Sumy và cáo buộc Nga sử dụng chất độc hóa học. Kyiv không lập tức bình luận về thông tin này. 

Nga tin Trung Quốc không bị châu Âu lay chuyển quan điểm về xung đột Ukraine

Nga tin Trung Quốc không dễ bị thuyết phục

Phát biểu trước báo giới ngày 7.4, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga đã "theo dõi" cuộc gặp giữa các lãnh đạo châu Âu và Trung Quốc tại Bắc Kinh. Theo ông Peskov, Trung Quốc không phải "kiểu quốc gia đột ngột đứng lên và thay đổi quan điểm của mình dưới ảnh hưởng của nước ngoài", hãng thông tấn TASS đưa tin.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.