Điều gì sẽ xảy ra sau cuộc phản công kế tiếp của Ukraine?

Văn Khoa
Văn Khoa
08/04/2023 13:30 GMT+7

Một chuyên gia quân sự Mỹ vừa đưa ra dự đoán về cuộc sống của binh sĩ Ukraine và thách thức đối với phương Tây sau cuộc phản công kế tiếp của Ukraine.

Khi cuộc chiến tranh tiêu hao giữa các lực lượng Nga và Ukraine diễn ra, Kyiv đang nhận được hàng tỉ USD hỗ trợ an ninh từ phương Tây để tiếp tục cuộc chiến. Với những cuộc giao tranh khốc liệt hơn sắp diễn ra, có nhiều nghi ngờ về việc liệu các nước phương Tây có thể vẫn duy trì mức hỗ trợ như vậy hay không, theo báo Business Insider ngày 7.4.

Đầu tuần này, Lầu Năm Góc đã công bố gói hỗ trợ quân sự mới trị giá 2,6 tỉ USD cho Ukraine, nhưng phần lớn vũ khí trong gói đó phải được đặt hàng từ ngành công nghiệp quốc phòng và sẽ mất nhiều tháng mới có thể được đưa đến chiến trường.

Điều gì sẽ xảy ra sau cuộc phản công kế tiếp của Ukraine? - Ảnh 1.

Gói viện trợ mới có đạn dược cho hệ thống rốc két pháo binh cơ động cao (HIMARS)

Reuters

Trong ngắn hạn, đạn dược và phụ tùng thay thế trong gói hỗ trợ mới nhất sẽ bổ sung cho dòng thiết giáp hạng nặng và xe tăng tiên tiến mà Ukraine từ lâu đã tìm kiếm từ Mỹ và các đối tác NATO. Gói hỗ trợ quân sự mới được đưa ra khi có dự đoán về một cuộc phản công của Ukraine vào mùa xuân này.

Điều gì sẽ xảy ra sau cuộc phản công kế tiếp của Ukraine?

Hai chuyện khác nhau

Ông Michael Kofman, giám đốc Chương trình Nghiên cứu Nga tại Trung tâm Phân tích Hải quân (Mỹ), nhận định vũ khí của phương Tây đã được đưa vào Ukraine trong nhiều tháng và quân đội Ukraine có khả năng thực hiện các cuộc phản công trong mùa xuân và có thể là cả mùa hè.

Tuy nhiên, sau cuộc phản công tiếp theo, các đối tác của Ukraine có thể gặp khó khăn trong việc bổ sung kho vũ khí của Ukraine đến mức cần thiết để giành lợi thế rõ ràng trước các lực lượng Nga, theo ông Kofman.

Điều gì sẽ xảy ra sau cuộc phản công kế tiếp của Ukraine? - Ảnh 2.

Binh sĩ Ukraine khai hỏa súng cối hướng về phía vị trí của lực lượng Nga ở tỉnh Donetsk ngày 5.4

AFP

Ông Kofman nhận định rằng cung cấp cho Ukraine đủ đạn dược và pháo binh để duy trì các hoạt động phòng thủ là một chuyện, nhưng cung cấp cho Kyiv các thiết bị và đạn dược cần thiết "để đạt được lợi thế quyết định trước các lực lượng Nga" khi Ukraine phản công lại là chuyện khác. "Dù cuộc phản công sắp tới diễn ra như thế nào, Ukraine sẽ mất nhân lực, thiết bị và sẽ tiêu tốn rất nhiều đạn dược", ông Kofman dự đoán.

Lữ đoàn xung kích Ukraine chuẩn bị gì cho chiến dịch phản công?

Những tổn thất ở thành phố Bakhmut và trong các trận chiến khác có thể có ảnh hưởng tại thời điểm đó, "vì sau cuộc phản công, rất có khả năng Ukraine có thể phải sống cảnh 'có đồng nào tiêu đồng đó' khi nói về hỗ trợ quân sự từ Mỹ và các nước phương Tây trong những hạng mục quan trọng", theo ông Kofman. "Tôi không biết liệu tình trạng như thế có xảy ra hay không, nhưng rất có thể là như vậy", ông Kofman bình luận.

Sau một cuộc phản công trong tương lai, quân đội Ukraine sẽ phải bổ sung kho đạn pháo và bù đắp những tổn thất về quân số. 

Thách thức có thể là "sau cuộc phản công này, quân đội Ukraine không còn đủ nguồn lực để duy trì động lực và sau đó phải chuyển sang một giai đoạn tạm dừng hoạt động mới, trở thành một giai đoạn giao tranh không xác định", theo ông Kofman. "Sau giai đoạn đó, câu hỏi đặt ra là liệu các nước phương Tây có còn ý chí và khả năng để một lần nữa cung cấp cho Ukraine lợi thế quân sự đầy đủ hay không", ông Kofman nói.

Bộ trưởng Shoigu nói sản xuất đạn dược Nga tăng đáng kể, gồm đạn chính xác cao

"Giai đoạn quyết định của cuộc chiến"

Sau một năm giao tranh dữ dội ở Ukraine, tổn thất nhân lực của mỗi bên vẫn chưa rõ ràng, nhưng các ước tính đưa ra con số tổng cho Nga là 200.000 và cho Ukraine là 120.000, theo Business Insider. Ngoài ra, hàng trăm thiết bị quân sự có giá trị, như xe tăng và pháo, cũng đã bị phá hủy, và cả hai bên đã bắn có khi đến hàng chục ngàn quả/ngày.

Thương vong và chi phí đạn dược cao đã khiến một số người trong NATO lo ngại. "Quy mô của cuộc chiến này vượt xa tất cả những suy nghĩ gần đây của chúng tôi", Tư lệnh đồng minh tối cao châu Âu của NATO, tướng Lục quân Mỹ Christopher Cavoli, cho hay gần đây, đồng thời nhấn mạnh năng lực sản xuất công nghiệp quốc phòng "vẫn rất quan trọng".

Ngoài ra, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hồi tháng 2 nói rằng Ukraine đang sử dụng một lượng lớn đạn dược và tốc độ bắn dữ dội đang gây căng thẳng cho các công ty quốc phòng và các kho dự trữ của phương Tây. Trước tình trạng này, Mỹ đã khẩn trương cung cấp thêm đạn dược cho Ukraine trong khi tìm cách tăng cường sản xuất cho kho dự trữ của mình.

Sau xe tăng, Ukraine hối thúc phương Tây lập liên minh cung cấp chiến đấu cơ

Tuy các nước phương Tây đã công bố một số khoản đầu tư vào sản xuất quốc phòng trong những tháng gần đây, những khoản đầu tư như thế lẽ ra phải được thực hiện vào năm ngoái hoặc sớm hơn "để chuẩn bị đối mặt giai đoạn quyết định của cuộc chiến, đó là những tháng sắp tới", theo ông Kofman.

Hiện chưa có thông tin về phản ứng của Ukraine cũng như Nga đối với nhận định trên của ông Kofman.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.