Bất an con trẻ

15/03/2014 06:15 GMT+7

Gần đây những cái chết bất ngờ của học trò xảy ra ngày càng nhiều, ở nhiều địa phương khiến cả xã hội rúng động, đau thương và mang đến tâm trạng bất an cho nhiều gia đình có con nhỏ.

Gần đây những cái chết bất ngờ của học trò xảy ra ngày càng nhiều, ở nhiều địa phương khiến cả xã hội rúng động, đau thương và mang đến tâm trạng bất an cho nhiều gia đình có con nhỏ.

Học sinh tiểu học Tokyo
 Học sinh tiểu học Tokyo đến điểm đón xe buýt tập trung - Ảnh: Đoàn Xuân Hải

Rủi ro về sinh mạng quá nhiều

Những ngày gần đây, liên tiếp nhiều vụ án mạng liên quan đến các em học sinh làm cả xã hội bàng hoàng. Vụ em Lư Vĩnh Đạt (18 tuổi, học tại Trung tâm giáo dục thường xuyên Q.6) bị bắt cóc tống tiền rồi giết chết thả xác trôi sông khiến dư luận sửng sốt bởi nghi can là bạn học chung với Đạt. Nỗi đau chưa kịp nguôi ngoai thì ngày 13.3 lại có tin phát hiện 5 học sinh tại bờ sông buôn Cư Đrăm (xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) bị cát vùi chết khi tham gia tắm sông.

 

Tuyên truyền phòng ngừa đấu tranh tội phạm tận trường

Một lãnh đạo của Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC45), Công an TP.HCM, cho biết hơn 5 năm nay, PC45 đã thành lập một tổ chuyên đề thường xuyên đến các trường học tuyên truyền về công tác phòng ngừa đấu tranh tội phạm. Ngoài giảng dạy về lý thuyết phòng chống tội phạm, PC45 còn bố trí trinh sát chỉ dẫn cho các em những thế võ để chống đỡ, đối phó với từng loại tội phạm trộm cướp, lừa đảo, côn đồ quấy rối... Nhiều trường học đã chủ động đến PC45 đăng ký nhờ hỗ trợ học sinh trang bị những kiến thức, kinh nghiệm để đối phó với bọn tội phạm.

Không chỉ có học sinh ở ngoài vòng tay của gia đình và nhà trường mới gặp nguy hiểm. Bằng chứng là ngày 6.3 vừa qua, trong lúc học bơi theo chương trình của nhà trường tại hồ bơi trong khuôn viên Trường THPT Tây Thạnh (Q.Tân Phú, TP.HCM), có huấn luyện viên dạy bơi, có giáo viên theo dõi, vậy mà em Quách Gia Phú (13 tuổi, học sinh lớp 6, Trường THCS Trần Quang Khải, Q.Tân Phú, TP.HCM) vẫn gặp tai nạn do đuối nước và tử vong sau đó. Trước đó, ngày 29.12, là những cái chết thương tâm khác của 7 học sinh Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (H.Dầu Tiếng, Bình Dương) tại khu Rừng Sác và biển Cần Giờ (TP.HCM) khi tham gia cùng trường tham quan du lịch.

Những tai nạn dẫn đến cái chết xảy ra với các em học sinh, sinh viên là nỗi đau lớn, một mất mát về tinh thần không có gì bù đắp cho thân nhân gia đình các em. Bởi các em còn quá trẻ, có em là con duy nhất trong gia đình. Và bất an hơn là nguyên nhân dẫn đến những cái chết thương tâm (những va chạm cỏn con xảy ra trong cuộc sống; những rủi ro bất cẩn của người lớn và bản thân các em trong và ngoài nhà trường, gia đình; những mối đe dọa ngoài xã hội) xuất hiện ngày càng nhiều.

Giúp các em tự bảo vệ mình

Riêng về việc để tránh trở thành nạn nhân của tội phạm, một phó công an quận theo dõi về lĩnh vực an ninh trật tự khuyên tốt nhất bản thân các em phải tự giác, đi học phải về nhà liền, đi ra đường gặp người lạ nên hạn chế tiếp xúc. Bởi các em sẽ dễ bị người xấu lợi dụng làm điều phạm pháp hoặc trở thành nạn nhân của bọn tội phạm. Tùy theo lứa tuổi mà phụ huynh có cách quan tâm chăm sóc, giáo dục các em. Ví dụ các em nhỏ thì gia đình chịu khó đưa đón đi học; đi ra khỏi nhà không nên để cháu đi một mình dễ trở thành miếng mồi ngon cho bọn tội phạm. Đáng chú ý, nhiều phụ huynh chủ quan nghĩ nhà gần trường nên để cho một mình cháu tự đi học; mua sắm nữ trang, ĐTDĐ, cho nhiều tiền… vô hình trung trở thành đích ngắm của kẻ gian. Đối với thanh thiếu niên phải chọn lọc bạn bè kết thân và càng không kết bạn với người lạ, ăn chơi đua đòi, kết giao thành phần bất hảo… Như vụ em Lư Vĩnh Đạt bị bạn sát hại mà báo chí đăng tải thời gian qua là một điển hình.

 Hình ảnh thương tâm về cái chết của em Quách Gia Phú
Hình ảnh thương tâm về cái chết của em Quách Gia Phú (13 tuổi, học sinh lớp 6, Trường THCS Trần Quang Khải, P.Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, TP.HCM) bị đuối nước trong giờ học bơi - Ảnh: C.Nguyên

Ông Nguyễn Bá Thanh (Giám đốc Công ty TNHH TM kỹ thuật An Duy) chia sẻ: Xã hội hiện nay có nhiều nguy cơ tiềm ẩn, ảnh hưởng đến tâm sinh lý học sinh làm ông cảm thấy lo lắng và bất an. Chính vì vậy, ông Thanh dành rất nhiều thời gian “bám” theo con cái từ việc hằng ngày đưa đón con đi học chính quy, học thêm đến chuyện tập võ nhằm ngăn chặn những ý đồ xấu có thể xuất hiện ảnh hưởng đến các con như chuyện bị người lạ bắt cóc đến chuyện cúp cua. “Khó khăn cho các bậc phụ huynh là phải vừa khoanh vùng để các con luôn trong tầm quản lý, hạn chế cho chúng tiếp xúc với xã hội bên ngoài mà không có người lớn nhưng phải khéo léo để chúng không cảm thấy khó chịu mà tự nguyện chấp hành”, ông Thanh chia sẻ.

Một bác sĩ ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cũng cho biết dù có nhiều phương tiện như xe ôm, xe buýt đưa đón con đi học hay di chuyển từ trường đến điểm học thêm nhưng ông không dám để chúng tự đi. Ông luôn dành thời gian đưa đón, đầu tư cho chúng. Vị bác sĩ này còn cho biết có rất nhiều phụ huynh hiện nay đều như thế. “Cứ đến các cổng trường học giờ tan tầm sẽ thấy phụ huynh xếp hàng đón con, thậm chí có người vạ vật bên ngoài chờ con học thêm hàng giờ đồng hồ”, vị bác sĩ này nói.

Tương tự, luật sư Nguyễn Hữu Mẫn (Đoàn luật sư TP.HCM) tâm sự ông có con lớn đang học lớp 9, trường học của cháu cách nhà vài cây số nhưng không dám thả con đi học một mình dù cháu biết đi xe đạp và nhà có xe. Luật sư Mẫn chia sẻ: “Tôi không yên tâm nếu cháu đi học một mình vì nào là xe cộ, nào là những tệ nạn nhan nhản ngoài xã hội. Chỉ sơ sẩy một chút là có thể ảnh hưởng đến cả tính mạng chứ không thể coi thường. Nên đành phải chịu cực…”.

Học sinh Nhật Bản có định vị

Trong ảnh là hàng chục học sinh tiểu học đang tụ tập ở một địa điểm cố định tại một khu phố ở thủ đô Tokyo (Nhật Bản) vào buổi sáng sớm. Có một điều đặc biệt là các cháu tự đi đến điểm chờ xe buýt, không cần phụ huynh cầm tay dắt ra đến nơi. Sở dĩ phụ huynh không phải mất công đưa các cháu ra điểm chờ xe buýt mà vẫn yên tâm vì 2 lý do: Một là, các cháu đã được các bậc phụ huynh hướng dẫn kỹ càng ngay từ buổi ban đầu đón xe buýt, tạo thành thói quen, từ nhà ra chỉ đi đến đúng điểm tập kết mà thôi, coi đó như một kỷ luật bất di bất dịch; Hai là, trên cặp táp của các cháu có gắn một con chíp để phụ huynh có thể theo dõi và biết được con mình có đi - đến và ra - về đúng lộ trình hay không. Nếu đi sai lộ trình, con chíp sẽ báo cho phụ huynh biết con mình đang ở đâu. (Đoàn Xuân Hải)

Không nên để trẻ tự giải quyết nhu cầu vui chơi

Trẻ em có tâm lý thích chơi cùng nhóm bạn. Ở nhóm trẻ tuổi mới lớn, các em càng dễ hưng phấn, thậm chí còn thích những hoạt động mạo hiểm. Trẻ cũng không muốn thua kém bạn bè, muốn mình làm được trò chơi hay hành vi nào đó như bạn.

Trong những ngày nhà trường và giáo viên được nghỉ làm, song phụ huynh vẫn phải đi kiếm sống, thì trẻ làm gì trong thời giờ đó? Các em muốn vui chơi giải trí, giải quyết thời gian trống của nó chứ. Và có khi, chỉ một chút xíu thời gian đó thôi mà nó hư hỏng hoặc gặp nạn.

Vì vậy, gia đình phải quan tâm tổ chức thời gian vui chơi giải trí cho con, không nên để trẻ tự giải quyết nhu cầu của nó. Cha mẹ cần lắng nghe và chia sẻ những cái bất an của trẻ. Bên cạnh đó, giữa gia đình và nhà trường cần có mối liên hệ chặt chẽ.

Tiến sĩ Thạch Ngọc Yến  (chuyên viên tư vấn Trung tâm tư vấn gia đình và thanh thiếu niên TP.HCM)

Như Lịch (ghi)

Nhà trường, gia đình cần phối hợp chặt chẽ

“Trước khi tổ chức hoạt động nào cho học sinh, nhà trường cần phải xây dựng kế hoạch chuẩn bị cụ thể cho từng khâu, từng bộ phận và phân công nhiệm vụ cụ thể. Ngoài ra, trước những mối nguy hiểm ngoài xã hội mà mình không thể lường trước được thì sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với gia đình là điều không thể thiếu. Hằng ngày chỉ cần vào học mà chưa thấy học sinh thì giáo viên quản nhiệm liên hệ ngay với cha mẹ học sinh để nắm bắt thông tin. Và sau giờ tan học mà chưa thấy con em mình về nhà thì gia đình liên hệ ngay với nhà trường”.

Ông Lê Văn Linh (Hiệu trưởng Trường phổ thông dân lập Thanh Bình, Q.Tân Bình, TP.HCM)

Triển khai công tác phòng chống tai nạn cho học sinh

Những việc xảy ra cho học sinh vừa qua rất đau lòng và đáng lo ngại. Bộ GD-ĐT đang gấp rút soạn thảo chỉ thị yêu cầu các cơ sở giáo dục đẩy mạnh công tác phòng chống tai nạn thương tích cho học sinh, bên cạnh đó sẽ có những kế hoạch yêu cầu cụ thể để triển khai công tác này để triển khai ngay trong tuần tới.

Ông Ngũ Duy Anh, (Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên, Bộ GD-ĐT)

Cần giáo dục học sinh ý thức tự bảo vệ

“Hiện ngành giáo dục cũng phối hợp với các ngành khác đưa vào chương trình giáo dục phòng chống tai nạn thương tích cho học sinh. Tuy nhiên, dạy lý thuyết kỹ năng thì có nhưng thực hành thì hầu như chưa được chú trọng. Vì thế phải có những yêu cầu cụ thể trong chương trình về việc giáo dục cho học sinh kiến thức tự bảo vệ chính bản thân mình, học và phải được thực hành”.

Trần Thị Hải Yến (phụ trách Trường THCS Alpha, Hà Nội)

Tuệ Nguyễn - B.Thanh (ghi)

Lê Nga - Đàm Huy

 >> Một học sinh bị sát hại trong vụ 'bắt cóc': Nghi vấn có đồng phạm tham gia
>> Một học sinh bị sát hại trong vụ 'bắt cóc': Trách nhiệm và lương tâm
>> Nghi án một học sinh bị bọn bắt cóc sát hại: Có dấu hiệu tắc trách trong điều tra
>> Rúng động vụ 5 học sinh chết vùi trong cát: Phát hiện cát trong miệng và phổi 3 nạn nhân
>> Rúng động vụ 5 học sinh chết vùi trong cát
>> Chấn động vụ 5 học sinh chết vùi dưới cát

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.