Xử lý các công trình nuôi trồng, khai thác thủy sản trái phép tại đầm Thị Tường

Gia Bách
Gia Bách
12/05/2023 11:23 GMT+7

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa có công văn chỉ đạo UBND các huyện Trần Văn Thời, Cái Nước, Phú Tân xử lý các công trình nuôi trồng, khai thác thủy sản trái phép tại đầm Thị Tường.

Ngày 12.5, tin từ Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết: Chủ tịch UBND tỉnh này vừa có văn bản chỉ đạo UBND 3 huyện Trần Văn Thời, Cái Nước, Phú Tân khẩn trương kiểm tra, giải tỏa, xử lý các công trình nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản trái phép tại đầm Thị Tường.

Cà Mau: Xử lý công trình nuôi, khai thác thủy sản trái phép tại Đầm Thị Tường   - Ảnh 1.

Một góc đầm Thị Tường

G.B

Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động không để người dân lấn chiếm mặt nước để nuôi trồng, khai thác thủy sản trái phép, nhằm bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên của đầm Thị Tường.

Trường hợp để phát sinh mới, tái lấn chiếm mặt nước để nuôi trồng, khai thác thủy sản trái phép thì Chủ tịch UBND các huyện Trần Văn Thời, Cái Nước, Phú Tân chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh. Đồng thời, xem xét xử lý trách nhiệm của các cơ quan liên quan, chính quyền địa phương trong công tác quản lý địa bàn.

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng giao Sở Xây dựng khẩn trương hoàn thiện nội dung đồ án Quy hoạch chung khu du lịch sinh thái đầm Thị Tường, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt theo quy định. Giao Sở KH-ĐT nghiên cứu, tham mưu đưa đầm Thị Tường vào danh mục mời gọi đầu tư của tỉnh nhằm thu hút, mời gọi nhà đầu tư lớn, chiến lược.

Đầm Thị Tường có diện tích mặt nước hơn 700 ha, thuộc địa bàn 5 xã của 3 huyện Trần Văn Thời, Cái Nước và Phú Tân, là đầm nước lớn nhất ĐBSCL. Đầm có hệ sinh thái đa dạng, phong phú, mang đặc thù riêng của vùng đất ngập nước ở tỉnh Cà Mau. Do ảnh hưởng bởi chế độ bán nhật triều nên khu vực đầm là vùng tiếp giáp 2 dòng chảy của biển phía tây và biển phía đông quanh bán đảo Cà Mau nên đầm có mùa nước mặn và mùa nước ngọt rõ rệt, chính vì vậy đầm có hệ sinh thái mặn, ngọt và cả nước lợ.

Đầm Thị Tường là nơi sinh sống của các loại thủy sản nên người dân sinh sống quanh đầm kiếm sống bằng nghề đặt lú, giăng lưới... bắt các loài thủy sản tự nhiên sống ở đầm theo mùa. Tuy nhiên, nguồn lợi thủy sản trên đầm đã cạn kiệt, người dân bắt đầu bao dí, nuôi trồng thủy sản đe dọa hệ sinh thái tự nhiên...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.