Xem nhanh: Ngày 562 chiến dịch, Ukraine tổn thất vì muốn đột phá nhanh; tỉ phú Musk ngăn tấn công Crimea?

Xem nhanh: Ngày 562 chiến dịch, Ukraine tổn thất vì muốn đột phá nhanh; tỉ phú Musk ngăn tấn công Crimea?

09/09/2023 23:46 GMT+7

Trong ngày 8.9, Phó tư lệnh Lữ đoàn xung kích số 3 của Ukraine Maksym Zhorin tuyên bố lực lượng Ukraine đã giành quyền kiểm soát hơn một nửa ngôi làng Klishchiivka, nằm ở phía nam thành phố Bakhmut thuộc tỉnh Donetsk.

Trong lúc đó, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố trong cùng thời gian, các lực lượng Nga đã đẩy lùi 17 cuộc tấn công của Ukraine ở các tỉnh Donetsk, Zaporizhzhia và Kharkiv, khiến lực lượng Ukraine mất khoảng 540 quân.

Chiến dịch phản công của Ukraine đến nay đã diễn ra được hơn 3 tháng. Dù được kỳ vọng sẽ đạt kết quả nhanh chóng như cuộc phản công chớp nhoáng ở Kharkiv hồi tháng 9 năm ngoái, lần này Ukraine lại khiến phương Tây cảm thấy không hài lòng khi chưa gặt hái được thành tích lớn nào mang tính bước ngoặt.

Tổng thống Volodymyr Zelensky hôm 8.9 cho rằng ưu thế trên không của Nga đang ngăn lực lượng Ukraine phản công và kêu gọi phương Tây chuyển thêm vũ khí tầm xa. Ông nói: “Một số đối tác hỏi cuộc phản công ra sao... Câu trả lời của tôi là bước tiến hôm nay của chúng tôi chắc chắn nhanh hơn các gói cấm vận”.

Ông Zelensky cho rằng quá trình vận chuyển vũ khí tới Ukraine cùng các đợt cấm vận mới của phương Tây nhằm vào Nga “đang trở nên phức tạp và chậm chạp hơn”.

Tuy nhiên, theo một báo cáo phân tích mới đây, việc nôn nóng vượt qua hàng phòng ngự của Nga càng sớm càng tốt được cho là đã khiến lực lượng Ukraine chịu tổn thất vô cùng nặng nề trong giai đoạn đầu cuộc phản công, khiến Kyiv phải chuyển sang cách đánh chậm.

Chuyển sang thông tin khác liên quan. Một quan chức phương Tây hôm nay cho biết Nga có thể tăng sản lượng pháo binh trong vài năm tới lên khoảng 2 triệu quả đạn mỗi năm, gấp đôi so với kỳ vọng trước đây của phương Tây nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu trong cuộc xung đột.

Quan chức giấu tên này ước tính Nga đã bắn khoảng 10 đến 11 triệu viên đạn vào Ukraine trong năm 2022. “Đó chính là tình thế khó khăn mà họ đang gặp phải”, quan chức này nói với một nhóm phóng viên.

Bên cạnh đó, quan chức này cho biết các khoản đầu tư khác của Nga vào lĩnh vực quốc phòng cũng có thể cho phép Moscow sản xuất gần 200 xe tăng mỗi năm, gấp đôi so với ước tính trước đây của phương Tây. Nhưng cả con số này cũng còn xa so với những gì họ cần sau khi chịu tổn thất nặng nề ở Ukraine.

Đại sứ quán Nga tại Washington đã không đưa ra bình luận nào ngay lập tức.

Viện trợ quân sự của châu Âu cho nỗ lực của Ukraine chống lại lực lượng Nga lần đầu tiên đã vượt xa viện trợ của Mỹ, theo AFP ngày 8.9 dẫn số liệu từ Viện Kinh tế thế giới Kiel, có trụ sở tại Đức và theo dõi viện trợ cho Ukraine.

Các đồng minh NATO ở châu Âu, bao gồm các thành viên ngoài Liên minh châu Âu (EU) là Anh, Na Uy và Thổ Nhĩ Kỳ, đã hứa viện trợ quân sự 50,6 tỉ euro (54,2 tỉ USD) cho Ukraine, vượt xa Mỹ với 42,1 tỉ euro, theo số liệu của Kiel về viện trợ được cam kết trong khoảng thời gian từ ngày 24.1.2022 đến ngày 21.7.2023.

Kính mời quý vị đón theo dõi bản tin tổng hợp tình hình giao tranh Nga-Ukraine ngày 9.9.2023 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.