Xem nhanh: Ngày 422 chiến dịch, Ukraine lập đội xe tăng NATO; Mỹ sợ mất công nghệ hạt nhân 'nhạy cảm'

Xem nhanh: Ngày 422 chiến dịch, Ukraine lập đội xe tăng NATO; Mỹ sợ mất công nghệ hạt nhân 'nhạy cảm'

22/04/2023 23:00 GMT+7

Ngày 22.4, lãnh đạo chính quyền Crimea do Nga bổ nhiệm, ông Sergey Aksyonov cho biết các hệ thống phòng không trên bán đảo này đã đã được kích hoạt.

Tuy nhiên, ông không cho biết mục tiêu của lực lượng phòng không là gì, cũng không nêu cụ thể địa điểm của hoạt động quân sự. Vị quan chức này nói không có không có thiệt hại hay thương vong và kêu gọi người dân giữ bình tĩnh.

Các nguồn tin địa phương giấu tên cho biết một vật thể không xác định được phát hiện trên bầu trời Crimea sáng 22.4. Lực lượng phòng không đã phóng 2 tên lửa bắn hạ vật thể này.

Từ hồi tháng 2.2023, Crimea thiết lập mức độ "cảnh báo khủng bố" cao tại đây.

Về tình hình tại điểm nóng giao tranh là thành phố Bakhmut ở miền đông, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Malyar hôm 21.4 nói lực lượng Nga đã đạt một số tiến triển nhưng tình hình vẫn đang trong tầm kiểm soát.

Trong khi lực lượng Ukraine tiếp tục bám trụ Bakhmut, báo cáo tình báo của Lầu Năm Góc bị rò rỉ cho thấy Mỹ vào tháng 1 từng cảnh báo nguy cơ Bakhmut sẽ lọt vào vòng vây hãm của quân Nga và khuyến khích các đơn vị Ukraine rút khỏi thành phố này.

Ngày hôm qua 21.4, đại diện từ khoảng 50 quốc gia gặp nhau tại căn cứ không quân Ramstein ở Đức để thảo luận về "tất cả những khả năng, hệ thống và nguồn cung khác nhau mà Ukraine cần để tái kiểm soát nhiều lãnh thổ hơn".

Tại đây, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói ông tin tưởng rằng giờ đây Ukraine có thể giành lại thêm nhiều khu vực nữa.

Ông Stoltenberg xác nhận các bên cần thảo luận về các nền tảng mới để hỗ trợ cho Ukraine khi xung đột với Nga đã bước sang năm thứ hai. Tổng thư ký NATO khẳng định cần đảm bảo vũ khí phương Tây mà Ukraine đã nhận tiếp tục hoạt động.

Tổng thư ký NATO cũng có phát biểu liên quan đến việc kết nạp Ukraine làm thành viên của liên minh quân sự này.

Moscow từ lâu coi việc NATO mở rộng về phía đông, đặc biệt là khả năng kết nạp Ukraine, là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Nga.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 21.4 nói cam kết của NATO về việc kết nạp Ukraine là phát ngôn "nguy hiểm".

Bà Zakharova cảnh báo: "NATO đã tự đặt ra mục tiêu đánh bại Nga ở Ukraine. Để thôi thúc Ukraine làm điều đó, họ cam kết kết nạp Ukraine sau khi xung đột kết thúc. Những tuyên bố như vậy thật thiển cận và nguy hiểm. Nó có thể dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn của an ninh châu Âu".

Còn phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cáo buộc NATO đang cố gắng lôi kéo Ukraine vào liên minh, cho biết đây là mối đe dọa tiềm ẩn mà Tổng thống Vladimir Putin nhắc tới trước khi chiến sự bùng phát.

Trở lại với cuộc họp của nhóm các nước ủng hộ Ukraine tại căn cứ Ramstein (Đức), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố các lãnh đạo quốc phòng phương Tây sẵn sàng tiếp tục viện trợ cho Kyiv, dựa trên những tiến triển ấn tượng trong thời gian qua.

Ông Austin tuyên bố “Gần một năm trôi qua kể từ khi nhóm tổ chức cuộc họp đầu tiên, Ukraine vẫn đứng vững”. Ông thông báo thêm rằng Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine đã cung cấp khoản viện trợ an ninh trị giá hơn 55 tỉ USD cho Kyiv.

Bộ trưởng Mỹ cho hay cuộc họp tập trung vào các biện pháp nhằm tăng cường năng lực phòng không và cung cấp đạn dược cho Ukraine. Hiện Mỹ, Đức và Hà Lan đã chuyển giao cho Kyiv hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất.

Bên cạnh đó, theo Reuters ngày 21.4 đưa tin, phương Tây đang gấp rút củng cố lực lượng xe tăng của Ukraine nhằm hỗ trợ nước này tiến hành đợt phản công lớn chống lại lực lượng Nga.

Hãng thông tấn Interfax dẫn lời một quan chức Nga cho biết nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở miền nam Ukraine mà Nga đang kiểm soát kể từ tháng 3 năm ngoái sẽ ngừng sử dụng nhiên liệu hạt nhân do Mỹ sản xuất càng sớm càng tốt.

Nhà máy điện hạt nhân lớn nhất ở châu Âu ban đầu sử dụng nhiên liệu hạt nhân của Nga, nhưng Ukraine dần chuyển sang sử dụng nguồn cung cấp từ Westinghouse sau cuộc xung đột đầu tiên với Nga vào năm 2014.

Năm ngoái, quân đội Nga đã tiếp quản nhà máy khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt và cơ sở này đã trở thành tâm điểm quan ngại về nguy cơ khủng hoảng an ninh hạt nhân do các cuộc pháo kích gần như liên tục ở khu vực lân cận mà Kyiv và Moscow đều không nhận trách nhiệm và cáo buộc lẫn nhau.

Ông Renat Karchaa, cố vấn của tổng giám đốc công ty năng lượng hạt nhân Nga Rosenergoatom hiện đang phụ trách nhà máy, nói với Interfax rằng họ có lượng dự trữ nhiên liệu do Mỹ sản xuất trong khoảng 4 năm.

Tuy nhiên, ông nói ban lãnh đạo Nga sẽ tìm cách thay thế nhiên liệu đó bằng nhiên liệu của Nga càng nhanh càng tốt vì họ cho rằng công nghệ của mình vượt trội hơn.

Về phía Mỹ, nước này cũng vừa đưa ra một số cảnh báo cho Nga liên quan đến tình hình tại nhà máy Zaporizhzhia này.

Một thông tin mới trong số tài liệu mật của tình báo Mỹ bị rò rỉ gần đây cho thấy Ukraine đã lên kế hoạch tấn công lực lượng Nga và Wagner tại Syria nhưng sau cùng quyết định không thực hiện.

Thông tin này mới được tờ The Washington Post khai thác từ tài liệu tuyệt mật của tình báo Mỹ bị rò rỉ lên mạng xã hội Discord. Theo đó, Tổng cục Tình báo quân sự thuộc Bộ Quốc phòng Ukraine năm ngoái đã vạch kế hoạch tấn công nhắm vào lực lượng Nga tại Syria. Mục đích là buộc Moscow phải giảm bớt lực lượng khỏi Ukraine để tái bố trí đến Syria.

Kế hoạch của Ukraine là bắt tay với Các lực lượng Dân chủ Syria, liên minh các nhóm vũ trang của người Kurd, để thực hiện các cuộc tấn công nhắm vào quân đội Nga và lực lượng quân sự tư nhân Wagner ở Syria.

Nga duy trì lực lượng quân sự tại Syria để hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Còn Các lực lượng Dân chủ Syria lại là đối tác chính của Mỹ trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria.

Tuy nhiên, tài liệu bị rò rỉ cảnh báo rằng nếu kế hoạch của Ukraine được thực hiện và Mỹ bị phát hiện liên quan, Nga có thể đáp trả bằng cách nhắm vào các cơ sở của Mỹ tại khu vực. Ngoài ra, việc Nga tăng cường tuần tra không phận Syria hoặc đưa vũ khí phòng không đến có khả năng gây phức tạp hoạt động của liên minh do Mỹ dẫn đầu.

Theo một tài liệu bị rò rỉ khác thì Nga đã phóng tên lửa vào một máy bay trinh sát không người lái MQ-9 Reaper của Mỹ tại Syria hồi tháng 11.2022. Tuy nhiên, tên lửa này đã đi trượt mục tiêu và máy bay Mỹ vẫn có thể trở về căn cứ một cách an toàn. Thông tin này đã được Bộ Tư lệnh Trung tâm của quân đội Mỹ xác nhận vào hôm 21.4.

Chúng ta có thể thấy những căng thẳng trong quan hệ Nga-Mỹ quanh vấn đề Ukraine cũng có nguy cơ dẫn đến xung đột ở Syria. Một ví dụ cụ thể khác vừa mới được Mỹ công bố là việc các máy bay chiến đấu của Nga chặn đón máy bay Mỹ ở Syria.

Điện Kremlin cho biết đang theo dõi thông tin cho rằng các nước phương Tây có thể ban hành lệnh cấm vận xuất khẩu nhằm vào Nga. Hãng thông tấn TASS dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tại cuộc họp báo hôm 21.4 rằng Nga “đang theo dõi sát sao diễn biến này, khi cả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đều đang tích cực cân nhắc những biện pháp cấm vận mới”.

Ông Peskov cảnh báo “Chúng tôi tin rằng cả những biện pháp cấm vận đang có hiệu lực lẫn những biện pháp bổ sung mà Mỹ và EU có lẽ đang suy xét tất nhiên sẽ gây hại cho kinh tế toàn cầu. Vì thế, điều này có thể làm tăng nguy cơ dẫn đến khủng hoảng kinh tế thế giới”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.