Xem nhanh: Chiến dịch Nga ngày 405, châu Âu thay đổi địa chính trị lớn; Mỹ thêm vũ khí cho Ukraine

Xem nhanh: Chiến dịch Nga ngày 405, châu Âu thay đổi địa chính trị lớn; Mỹ thêm vũ khí cho Ukraine

Thanh Niên
La Vi: Kịch bản. Huy Bùi: MC. Thanh Nguyên: Dựng. Thanh Hải: Quay.
05/04/2023 23:22 GMT+7

Trong một thông cáo được đưa ra hôm nay 5.4, Bộ Tư lệnh tác chiến miền Nam Ukraine cho biết một hạm đội bao gồm 15 tàu chiến của Hạm đội biển Đen, trong đó có 6 chiếc được trang bị tên lửa hành trình Kalibr đã rời quân cảng Sevastopol trên bán đảo Crimea để lên đường làm nhiệm vụ.

Theo Bộ Tư lệnh tác chiến miền Nam Ukraine, các tàu chiến Nga có thể mang theo tới 40 tên lửa hành trình Kalibr. Cơ quan này yêu cầu người dân đề cao cảnh giác và theo dõi còi báo động. Các đơn vị phòng không cũng được lệnh sẵn sàng chiến đấu để đề phòng các cuộc tập kích tên lửa của Nga.

Liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine, một thay đổi rất lớn về địa chính trị vừa diễn ra tại châu Âu với việc Phần Lan chính thức trở thành thành viên của liên minh quân sự NATO.

Tại lễ thượng cờ ở trụ sở NATO ở Brussels hôm 4.4, lá quốc kỳ hai màu trắng - xanh dương của Phần Lan đã lần đầu tiên tung bay giữa quốc kỳ của Pháp và Estonia. Sự kiện này cũng khép lại quá trình kết nạp nhanh nhất trong trong lịch sử NATO, nâng tổng số thành viên của liên minh quân sự lớn nhất thế giới lên thành 31.

Nói về sự kiện lịch sử khi Phần Lan chính thức trở thành thành viên NATO, Tổng thống nước này, ông Sauli Niinisto tuyên bố: "Kỷ nguyên không liên kết quân sự trong lịch sử của chúng ta đã kết thúc. Một kỷ nguyên mới đã bắt đầu".

Do Phần Lan và Nga có biên giới chung trên bộ dài 1.300 km, việc Phần Lan gia nhập giờ đây đã giúp NATO tăng gấp đôi đường biên giới tiếp giáp với Nga. Phần Lan cũng giúp NATO giải quyết bài toán địa lý bằng cách lấp vào khoảng trống lớn của liên minh ở khu vực biển Baltic vô cùng quan trọng về mặt chiến lược.

Còn về phía Phần Lan, việc gia nhập liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu giúp nước này có được sự bảo vệ theo cơ chế "phòng thủ tập thể" được quy định trong điều 5 Hiến chương NATO. Điều khoản này quy định rằng "bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào nhằm vào một hay một số thành viên của liên minh đều được coi là cuộc tấn công nhằm vào toàn bộ liên minh" và tất cả thành viên sẽ hỗ trợ nước bị tấn công ngay lập tức, có thể bằng vũ lực.

Cố vấn đối ngoại của Tổng thống Ba Lan Marcin Przydacz cho biết Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đến Ba Lan cho chuyến thăm chính thức tại đây.

Ông Przydacz cho biết: “Chuyến thăm sẽ diễn ra theo lời mời của Tổng thống (Andrzej) Duda. Sẽ có những cuộc đàm phán dài và sâu, không chỉ về tình hình an ninh mà còn về hỗ trợ kinh tế và chính trị".

Ba Lan là nước láng giềng của Ukraine và hai nước có mối quan hệ lịch sử sâu sắc. Nhiều người Ukraine đã đến Ba Lan sau khi Nga đưa quân vào Ukraine.

Cũng trên mặt trận ngoại giao, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm nay 5.4 cho rằng Bắc Kinh có thể đóng vai trò quan trọng trong tìm kiếm hòa bình ở Ukraine.

Phát biểu khi bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc, ông Macron nói Trung Quốc, với mối quan hệ thân thiết với Nga, có thể đóng vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm con đường dẫn đến hòa bình ở Ukraine. Tổng thống Pháp khẳng định đối thoại với Trung Quốc là cần thiết, và Pháp cũng sẽ tham gia lộ trình hòa bình Ukraine vì trách nhiệm chung đối với hòa bình và ổn định toàn cầu.

Về tình hình chiến sự, đài CNN hôm nay dẫn lời binh sĩ Ukraine nói lực lượng nước này đang giữ chắc thành phố Chasov Yar trên cao điểm phía tây Bakhmut, giúp tạo lợi thế cho pháo binh.

Thành phố Chasov Yar nằm cách Bakhmut khoảng 10 km về phía tây. Chasov Yar có địa thế cao hơn hẳn so với khu vực xung quanh nên có lợi thế hỏa lực, đặc biệt đối với pháo binh.

Giao tranh cường độ cao diễn ra xung quanh Chasov Yar những tuần qua, trong bối cảnh lực lượng Nga tìm cách tiến xa hơn về phía tây và tây bắc thành phố Bakhmut.

Binh sĩ tại đây nói quân Nga tìm cách tấn công Chasov Yar một tháng trước nhưng đã bị đẩy lùi. Tuy nhiên, các binh sĩ Ukraine cũng cảnh báo nếu lực lượng nước này phải rút khỏi Bakhmut, thì quân Nga sẽ tiếp tục đà tiến công và Chasov Yar là mục tiêu tiếp theo.

Ở một diễn biến khác thì nhà tài trợ vũ khí lớn nhất của Ukraine là Mỹ mới đây đã công bố gói viện trợ mới trị giá 2,6 tỉ USD.

Cũng liên quan đến vấn đề vũ khí, Bộ trưởng Quốc phòng Margarita Robles nói với đài truyền hình nhà nước TVE hôm 5.4 rằng 6 xe tăng Leopard 2A4 mà Tây Ban Nha đã hứa gửi tới Ukraine sẽ rời kho vào nửa cuối tháng 4, tức ngày giao hàng dự kiến sẽ bị đẩy lùi.

Xe tăng chiến đấu do Đức sản xuất đã không được sử dụng từ những năm 1990 và đã được đưa vào kho dự trữ, cần được trang bị lại và kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu sau những nghi ngờ ban đầu về việc liệu chúng có thể tham chiến trở lại hay không.

Tháng trước, Tây Ban Nha cho biết họ dự kiến gửi xe tăng sau kỳ nghỉ lễ Phục sinh ngày 9/4.

Họ đã cam kết gửi tổng cộng 10 xe tăng tới Ukraine. Và theo Reuters dẫn lời bà Robles cho biết các lực lượng vũ trang đã bắt đầu sửa chữa 4 chiếc còn lại.

Hãng thông tấn RIA của Nga dẫn lời một sĩ quan nước này hôm 5.4 cho biết một máy bay không người lái (UAV) của Ukraine đã bị rơi gần nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế dự kiến sẽ đến Nga để đàm phán về an ninh của nhà máy.

Ông Rafael Grossi dự kiến tới vùng Kaliningrad của Nga vào hôm 5.4, một tuần sau khi thăm cơ sở Zaporizhzhia ở miền nam Ukraine, nơi do lực lượng Nga kiểm soát.

Theo sĩ quan quân đội Nga, một chiếc UAV do Ba Lan sản xuất nặng hơn 2 kg đã bị rơi gần nhà máy. Hãng thông tấn không tiết lộ thời gian máy bay rơi.

Ông Grossi đã thúc đẩy thành lập một khu phi quân sự xung quanh cơ sở hạt nhân lớn nhất châu Âu, nơi đã bị pháo kích nhiều lần. Cả Ukraine và Nga đều đổ lỗi cho nhau.

Xung đột tại Ukraine đã làm căng thẳng giữa Nga và Mỹ càng dâng cao, không chỉ về ngoại giao mà cả quân sự. Cả hai nước đều tăng cường củng cố kho vũ khí, đặc biệt là các loại vũ khí công nghệ cao.

Theo hãng thông tấn TASS, Nga sẽ lập một biên đội tàu ngầm mang ngư lôi sử dụng năng lượng hạt nhân Poseidon thuộc biên chế Hạm đội Thái Bình Dương. hãng tin TASS trước đó cho biết siêu ngư lôi Poseidon được thiết kế để triển khai trên các tàu ngầm hạt nhân Belgorod và Khabarovsk của Nga. Và Nga dự kiến năm 2024 sẽ hoàn thành việc xây dựng cơ sở hạ tầng ven biển ở Thái Bình Dương để làm căn cứ cho các tàu ngầm hạt nhân mang loại siêu ngư lôi "không thể ngăn chặn" này.

Cũng liên quan đến vũ khí hạt nhân, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu hôm 4.4 cho biết máy bay cường kích của Belarus đã được điều chỉnh để mang vũ khí hạt nhân và nước này cũng nhận tổ hợp tên lửa Iskander-M có thể mang đầu đạn hạt nhân.

Bộ trưởng Shoigu không đề cập cụ thể loại máy bay được chỉnh sửa, nhưng không quân Belarus đang vận hành gần 70 cường kích tấn công mặt đất Su-25. Loại chiến đấu cơ này có thể mang bom nặng 500 kg, phù hợp với những mẫu bom hạt nhân truyền thống được phát triển từ thời Liên Xô.

Đây là lần đầu tiên Nga công bố những loại vũ khí có thể mang vũ khí hạt nhân, sau khi quyết định triển khai loại vũ khí này tới Belarus.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.