Đại tướng Võ Nguyên Giáp và chiến lược 'giữ biển'

08/10/2013 09:15 GMT+7

(TNO) Hơn 16 giờ chiều 7.10, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN, vẫn len lỏi trong dòng người đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng mà ông và gia đình đặc biệt kính trọng.

* Nhiều người miền Nam ra viếng Đại tướng

(TNO) Hơn 16 giờ chiều 7.10, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN, vẫn len lỏi trong dòng người đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng mà ông và gia đình đặc biệt kính trọng.

Chuyên đề: Đại tướng Võ Nguyên Giáp


Những ký ức về tướng Giáp vẫn còn mãi trong tâm trí ông Nguyễn Hữu Dũng - Ảnh: Độc Lập

Hồi sinh một người lính

Ông Dũng quê ở Điện Bàn, Quảng Nam. Năm 1956, ông Dũng tròn 8 tuổi, là học sinh miền Nam theo cha mẹ tập kết ra Bắc. Cha của ông Dũng khi đó là thương binh nặng đang điều trị tại trại an dưỡng thương binh ở Hà Nam.

Đến hè, ông Dũng được xuống thăm cha mình. Tại đây, ông đã được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi đại tướng tới thăm thương binh ở trại điều dưỡng.

“Đại tướng ân cần hỏi thăm từng đứa chúng tôi mấy tuổi, học trường gì. Cử chỉ, ánh mắt của ông rất gần gũi khiến ai cũng xúc động”, ông Dũng kể.


Tối qua 7.10, dù đã hơn 21 giờ nhưng dòng người vẫn đổ về ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu - Ảnh: Độc Lập

Tuy nhiên, điều mà ông Dũng nhớ nhất là Đại tướng Võ Nguyên Giáp cầm tay cha ông khi đó là thương binh nặng mù hai mắt, mất một tay với lời động viên “thương binh tàn nhưng không phế”.

Khi đó quá nhỏ, ông Dũng không hiểu hết ý nghĩa của câu này nhưng với cha ông lời khuyên đó giống như “liều thuốc hồi sinh”.

Chính vì lời động viên đó mà sau này cha ông cùng với 8 thương binh không chịu phó mặc cho số phận đã xin rời khỏi trại điều dưỡng lên Phú Thọ lập ra tổ sản xuất Nam Trung (toàn người dân từ Nam Trung bộ - PV) nổi tiếng một thời.


Dù đã hết giờ viếng nhưng những bó hoa vẫn được người dân chuyển vào qua cận vệ vào tối 7.10 - Ảnh: Độc Lập

Năm 1960, cha ông Dũng về Kiến An (Hải Phòng) thành lập hợp tác xã nông nghiệp. Năm 1980, người thương binh mù hai mắt và cụt một tay năm nào được phong anh hùng lao động vì đạt nhiều thành tích xuất sắc trong nông nghiệp.

“Tôi nhớ không lầm câu nói thương binh tàn nhưng không phế là của Bác Hồ nhưng được Đại tướng nói ra đúng hoàn cảnh, đúng tâm trạng người thương binh như cha tôi lúc đó. Có thể nói lời động viên của đại tướng đã góp phần làm cha tôi hồi sinh”, ông Dũng nói.

 

Tôi học được Đại tướng tính thẳng thắn. Có thế nào nói thế đó. Nói điều mình đang nghĩ. Làm điều mình đang nghĩ.

Ông Nguyễn Hữu Dũng

Đại tướng và biển

Sau này cuộc đời mình gắn bó với khoa học nghiên cứu về biển, hiện đang là Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN, ông Dũng cho hay sinh thời Đại tướng Võ Nguyên Giáp có cái nhìn sâu sát về chiến lược phát triển biển.

Những năm 80 của thế kỷ trước, khái niệm “giữ biển” còn rất mơ hồ với đa phần người dân nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ra khái niệm phát triển toàn diện về biển. Đó là xây dựng, phát triển biển phải gắn bó chặt chẽ với quốc phòng, an ninh, khoa học, kinh tế và con người.

Đại tướng cũng khẳng định muốn giữ biển phải gắn liền với dân. Bởi không ai giữ biển, bảo vệ biển tốt hơn người dân, đặc biệt là những ngư dân đang hằng ngày bám biển.

“Tôi thường có những chuyến bay đêm từ Sài Gòn ra Hà Nội, khi bay qua vùng biển, nhìn xuống dưới thấy hàng ngàn đốm sáng chi chít. Đó chính là thuyền bè của ngư dân đi đánh cá nhưng cũng là lực lượng bảo vệ chủ quyền vùng biển. Muốn giữ biển thì hơn ai hết nhà nước phải lo cho những người ngư dân này”, ông Dũng đúc kết.

Nhiều người từ miền Nam ra Hà Nội viếng Đại tướng

Chiều 7.10, lẫn trong đoàn người đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp có rất nhiều người đến từ miền Nam xa xôi.

Ông Nguyễn Thuận Thảo, Phó giám đốc Ban quản lý di tích Óc Eo (An Giang), cho hay ông vừa ra Hà Nội dự lớp tập huấn bảo vệ di sản. Khi nghe tin đại tướng mất, ông cùng với bạn ở miền Nam đến để viếng Đại tướng.

“Một số người bạn của tôi ở trong Nam đã khóc khi hay tin Đại tướng qua đời. Có người điện gửi gắm nếu có đến viếng xin thắp giùm họ một nén nhang”, ông Thảo xúc động nói.

Có mặt trong lực lượng bảo vệ khu vực nhà đại tướng, đại tá Nguyễn Thanh Nhàn, cựu chiến binh ở phường Quán Thánh (Hà Nội), cho hay hai ngày qua có khá nhiều người dân ở miền Nam đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trung Hiếu

>> Võ Nguyên Giáp - vị anh hùng mang tầm vóc quốc tế
>> Chính thức chọn Vũng Chùa - Đảo Yến để an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Chuẩn bị kỹ cho Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ được chuyển bằng máy bay vào Quảng Bình
>> Đại tướng Võ Nguyên Giáp - chiến lược gia kiệt xuất
>> Họp chọn điểm an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Video clip: Lính Điện Biên nhớ người anh cả Võ Nguyên Giáp
>> Giáo sư sử học Mỹ Larry Berman: Đại tướng Võ Nguyên Giáp hiểu rõ kẻ thù
>> Hàng vạn người đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người bạn lớn của nhân dân Lào

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.