UAV MQ-9 của Mỹ vừa rơi trên biển Đen khi 'đụng độ' Su-27 Nga có gì đặc biệt?

UAV MQ-9 của Mỹ vừa rơi trên biển Đen khi 'đụng độ' Su-27 Nga có gì đặc biệt?

La Vi: Biên tập, dựng (video trên 3p). Phước Nhân: Đọc.
15/03/2023 19:13 GMT+7

Hôm 14.3, Mỹ nói một máy bay Su-27 của Nga đã va vào cánh quạt của máy bay không người lái (UAV) MQ-9 do Mỹ điều khiển, khiến chiếc UAV này rơi xuống biển Đen.

Theo Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ, vụ va chạm đã buộc UAV hạ xuống vùng biển quốc tế. Đây không phải là lần đầu tiên máy bay không người lái MQ-9 Reaper bị hạ, cũng không phải là lần đầu tiên lực lượng Nga hạ một chiếc máy bay như vậy. Tuy nhiên, bất kỳ cuộc đối đầu nào giữa máy bay quân sự của hai cường quốc hạt nhân đều có thể làm leo thang căng thẳng.

MQ-9 Reaper là gì?

Reaper là một phương tiện bay không người lái dùng động cơ cánh quạt. Đây là phiên bản sau của UAV Predator do hãng Mỹ General Atomics phát triển. Predator ban đầu được chế tạo cho mục đích trinh sát không vũ trang, nhưng sau đó được cải tiến thành một UAV ném bom vũ trang hạng nhẹ.

MQ-9 Reaper đi vào hoạt động từ tháng 10.2007 và được thiết kế để mang vũ khí ngay từ đầu. Nó có thể mang gần 1.800 kg chất nổ như bom dẫn đường bằng laser hoặc tối đa 8 tên lửa Hellfire.

Reaper có chiều dài hơn 10 m và có sải cánh dài hơn 20 m. Vào năm 2020, chiếc UAV này có giá khoảng 18 triệu USD.

MQ-9 có một camera hướng về phía trước để giúp người điều khiển dễ thao tác cất cánh. UAV này được trang bị một bộ cảm biến hoàn chỉnh với bộ chỉ định mục tiêu bằng laser, camera hồng ngoại và camera quang điện xoay bên dưới mặt trước của máy bay để giúp nhận biết khung cảnh bên dưới và cung cấp hình ảnh, video thời gian thực. Các bộ phận trên được người vận hành cảm biến điều hành từ dưới mặt đất.

Reaper có thể bay tới độ cao 15.240 m trong tối đa 24 giờ. Nhờ vậy, Reaper có tầm bay lên tới 1.850 km. Điều này cho phép nó quan sát các khu vực rộng lớn, tìm kiếm chuyển động có liên quan bên dưới.

MQ-9 là một phần quan trọng trong các chiến dịch quân sự của Mỹ ở Iraq và Afghanistan.

Mặc dù đã được sử dụng trong hơn một thập niên, Reaper hầu như chỉ hoạt động trên những vùng trời tương đối an toàn. Tốc độ tối đa của Reaper chỉ là 444 km/h. Khi tìm kiếm một phương án thay thế Reaper trong tương lai, không quân Mỹ đã đưa ra yêu cầu các UAV loại này có thể tự bảo vệ mình trước các máy bay khác.

MQ-9 Reaper từng bị bắn rơi?

Vụ bắn hạ UAV Mỹ nổi tiếng nhất xảy ra vào tháng 6.2019, khi Iran bắn hạ một chiếc UAV RQ-4 Global Hawk.

Vào năm 2009, MQ-9 Reaper đã từng bị chính không quân Mỹ bắn hạ. Đội lái đã mất kiểm soát một chiếc MQ-9 Reaper ở Afghanistan, vì vậy một máy bay chiến đấu đã chủ động bắn hạ nó trước khi nó lao xuống một quốc gia khác.

Vào năm 2017 và 2019, lực lượng nổi dậy Houthi ở Yemen đã bắn hạ những chiếc Reaper của Mỹ bay qua nước này.

Mỹ cũng từng bị mất UAV này khi tín hiệu giữa người điều khiển và máy bay bị cản trở hoặc bị cắt, như đã từng xảy ra với một chiếc Reaper do quân đội Ý điều khiển ở Libya vào năm 2019.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.