U.23 Việt Nam: Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây

15/01/2016 10:32 GMT+7

Không có bất ngờ như hứa hẹn của ông Miura, thất bại 1-3 của U.23 Việt Nam trước U.23 Jordan diễn ra như trò chơi 'Tetris - xếp gạch'.

Không có bất ngờ như hứa hẹn của ông Miura, thất bại 1-3 của U.23 Việt Nam trước U.23 Jordan diễn ra như trò chơi 'Tetris - xếp gạch'. 


[CLIP]: TRẬN U.23 VIỆT NAM 1-3 U.23 JORDAN
3 bàn thua của U.23 Việt Nam có chung một sai lầm: dâng cao. Hai bàn thua có chung một cá nhân gây lỗi: thủ môn. Nhưng, bàn thắng ở phút 86 của Duy Mạnh vẫn đủ để chúng ta nuôi hy vọng. 

Vẫn biết nói dễ hơn làm, chỉ trích xuôi miệng hơn đóng góp mang tính xây dựng. Thực tế, đội hình U.23 Việt Nam trước U.23 Jordan đã là tối ưu, không thể mạnh hơn nữa. Minh chứng là việc ông Miura cũng chỉ dùng có 2 quyền thay người, nhằm xoay chuyển vị trí chiến thuật tại chỗ, trên sân, thay vì nâng cao khả năng cầm bóng hay tấn công để cải thiện tỉ số. 

Cầm bóng kém? U.23 Việt Nam có thời gian kiểm soát bóng không thua sút rõ rệt so với đối thủ. Nhưng vấn đề của các học trò Miura là tâm lý nặng nề, dẫn tới trì trệ trong xoay chuyển, phối hợp, mất bóng quá nhiều lần ở khu vực 1/3 sân nhà - nơi vẫn luôn là khu vực nhạy cảm trong bóng đá hiện đại. 

Định hình lối chơi? Dưới thời HLV người Nhật Bản, từ đội tuyển Việt Nam, Olympic cho tới U.23 hiện tại đều sử dụng nhiều chuyền dài vượt tuyến, nhưng không mang sắc màu phản công rõ rệt. Còn nhớ, từ HLV Calisto, Mai Đức Chung, Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc, dù ai cầm đội bóng, dù chơi bóng nhỏ, đan cài, di chuyển nhiều hay pha trộn bóng dài vượt tuyến, tổ chức phản công từ sâu bên phần sân nhà..., điểm chung của các đội bóng này là "đặc sản" phản công. 

Lối chơi đó không được tô đậm rõ nét khi Miura dẫn dắt đội bóng. Cũng sử dụng chuyền dài, bóng bổng, nhưng yêu cầu của HLV người Nhật Bản là chuyền bóng ra biên, là chuyền bóng cho một số 10 tự do hoạt động sau trung phong mũi nhọn. Có điều, kế hoạch của Miura phá sản ngay từ đầu, khi những cầu thủ tốc độ và thích hợp nhất với lối chơi của ông là Huy Toàn và Ngọc Thắng đều dính chấn thương, phải ngồi nhà.
Công Phượng (phải) không thể vượt qua cầu thủ Jordan - Ảnh: Anh Đức
Trong một ngày Công Phượng ì ạch, Thanh Bình như "tù nhân" trong gọng kìm của cặp trung vệ đối phương và giải pháp tấn công biên của U.23 Việt Nam chỉ là những tình huống hậu vệ biên dâng cao, phất bóng lơ vơ vào trung lộ, trước một đối thủ U.23 Jordan "nhanh, khỏe, khéo", các học trò của Miura thiệt trăm bề: nhỏ con, sức mạnh đấu tay đôi yếu, non kinh nghiệm, khả năng dứt điểm kém... - thất bại của U.23 chỉ càng trông thấy rõ. 
3 bàn thua của U.23 Việt Nam có chung một sai lầm: dâng cao. Bàn thua đầu xảy ra khi hàng phòng ngự dâng lên hỗ trợ tiền vệ, nhưng Tuấn Tài đứng sai vị trí, tạo điều kiện cho tiền đạo đối phương phá bẫy việt vị. Hai bàn thua sau đều xảy ra sau tình huống Minh Long vất vả bay người cản phá cú sút cầu âu của đối phương, khi thủ môn của CLB Hà Nội T&T nhô quá cao so với vạch vôi. 

Đối thủ không hẳn không có điểm yếu. U.23 Việt Nam đã có 2 cơ hội rõ rệt để ghi bàn từ những quả phạt góc, 1/2 cơ hội đó là pha lập công của Duy Mạnh. Và nếu Duy Khánh đệm bóng thành công, cục diện trận đấu có thể đã chuyển xoay theo hướng khác.

"Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây" - Bàn thắng của Duy Mạnh ở những phút cuối của trận đấu cũng là một trong những nét tiêu biểu của các đội bóng dưới thời Miura: chiến đấu đến cùng. Tinh thần thôi là không đủ. Nhưng trong bối cảnh "không bột sao gột nên hồ", dẫu chỉ là một hy vọng nhỏ, ta vẫn có quyền níu kéo và hy vọng Miura thực hiện lời hứa "đem tới bất ngờ và niềm vui cho CĐV" - Bóng đá mà!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.