Trái cây ngon xuất khẩu hết, trong nước khó chọn hàng chất lượng?

16/06/2023 06:33 GMT+7

Theo định kỳ, nhiều loại trái cây đang bước vào mùa thu hoạch rộ. Giá trái cây giảm xuống trong khi nhu cầu tiêu thụ hạn chế đã khiến áp lực đầu ra xuất khẩu lớn hơn. Đáng nói, nhiều người tiêu dùng đang đặt nghi vấn, liệu có phải trái cây ngon xuất khẩu hết hay sao mà lựa được hàng chất lượng giờ quá khó.

Cạnh tranh giảm giá

Cập nhật thông tin bảng giá mít Thái sáng 15.6, anh Minh Trí, chủ vườn tại Đồng Tháp, thở ra nhẹ nhõm: "Hôm nay giá mít không rớt nữa mà tăng nhẹ, như thế cũng là vui rồi. Mùa này mít rớt giá thấp nhất, năm trước người trồng mít lỗ te tua nếu thu hoạch vào thời điểm tháng 5, tháng 6. Năm nay thì đỡ hơn vì Trung Quốc vẫn "ăn hàng", nhưng thương lái ép giá vì chất lượng mít vào mùa mưa thường hay thối quả". Theo anh Trí, mít Thái loại 1 đạt chuẩn xuất khẩu hiện chỉ khoảng 13.000 đồng/kg; loại 2, loại 3 từ 8.000 - 9.000 đồng/kg; loại nhỏ hơn bán chợ lẻ thì từ 3.000 - 6.000 đồng/kg.

Trái cây vào mùa giảm giá - Ảnh 1.

Trái cây VN ngon nhưng đang gặp điểm yếu về khâu bảo quản

Q.T

Tương tự, măng cụt từ vị trí á quân về giá bán trái cây nội địa, chỉ thua dâu tây Đà Lạt cũng đã hết mùa và hết… "hot". Khảo sát tại chợ đầu mối Bình Điền (TP.HCM), giá măng cụt đã rớt từ 70.000 đồng/kg xuống còn 35.000 đồng/kg. Sầu riêng cũng giảm từ 50.000 - 60.000 đồng/kg xuống còn 40.000 - 55.000 đồng/kg. Đại diện chợ đầu mối Bình Điền thông tin, lượng trái cây về chợ tăng khoảng 30 - 50 tấn/đêm, trong đó có những loại trái cây vào mùa từ miền Bắc như vải Bắc Giang, mận hậu Hà Nội… Do cạnh tranh từ mùa vụ thu hoạch trái cây nội địa nên lượng trái cây nhập khẩu về chợ cũng giảm từ 15 - 20%.

Theo số liệu từ Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), sản lượng trái cây cả nước trong quý 2/2023 ước đạt trên 2,6 triệu tấn. Trong đó, chuối khoảng 460.000 tấn, sầu riêng 300.000 tấn, vải thiều 330.000 tấn, nhãn 110.000 tấn. Ngoài ra, hàng trăm nghìn tấn dứa, xoài, cam, thanh long cũng vào vụ thu hoạch. Điều đáng nói, con số trên sẽ tăng dần trong quý 3 và quý 4. Sản lượng dự kiến năm nay cả nước là 12,4 triệu tấn trái cây các loại. Có thể thấy, nguồn cung trái cây trong nước ngày càng dồi dào đang đặt ra áp lực lớn về tiêu thụ khi xuất khẩu ở nhiều thị trường giảm, nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng hạn chế. Áp lực lớn nhất hiện nay là trái vải.

Sở Công thương tỉnh Bắc Giang cho biết, ngoài bán nội địa, năm 2023, tỉnh dự kiến xuất khẩu 99.000 tấn vải thiều, chủ yếu đi Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Malaysia, UAE… Trung Quốc hiện là thị trường lớn nhất cho xuất khẩu vải thiều, nhãn và còn nhiều dư địa, nhưng địa phương cũng lo ngại việc ùn tắc hàng hóa tại biên giới ảnh hưởng đến xuất khẩu vải thiều sang thị trường này. Trong khi đó, năm 2022, vải thiều đã có 1 niên vụ xuất khẩu sụt giảm trên 40%. Sản lượng vải thiều tại Bắc Giang niên vụ 2023 ước tính đạt hơn 180.000 tấn, cao nhất từ trước tới nay, trong khi thời gian thu hoạch chỉ trong vòng 2 tháng, "bài toán" tiêu thụ, điều phối không hề dễ dàng.

Chất lượng giảm do bảo quản?

Sản lượng tăng nhưng chất lượng trái cây đang là câu hỏi lớn của người tiêu dùng. Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được phản ánh của rất nhiều bạn đọc về tình trạng "trái gì cũng dở dần theo thời gian".

Mới nhất giữa tháng 6 vừa rồi, anh N.C.N (ngụ Q.10, TP.HCM) được bạn là chủ trang trại tại tỉnh Đắk Lắk tặng vài quả mít. Bổ ra ăn thì thấy cứ nhạt nhạt. "Trái mít nhìn rất to, múi rất nhiều, màu vàng đẹp, nhưng độ ngọt thì không có, cứ nhàn nhạt ăn rất khó chịu. Cả nhà cứ chọn xơ ăn cho nó đủ vị", anh C.N tả.

Chị N.K (ngụ Q.4, TP.HCM) cũng chia sẻ: "Nhà tôi thường xuyên sử dụng hoa quả, và đều mua trong siêu thị để đảm bảo chất lượng. Nhưng gần đây chọn được ổi, mận, đu đủ, thậm chí cả chuối ngọt chuẩn vị như trước đây rất khó. Đến cả xoài, sầu riêng cũng trái ngọt, trái nhạt... tốn nhiều tiền mà chất lượng dở rất khó chịu".

Nhiều người cũng đặt nghi vấn, liệu có phải trái cây loại 1 đã được gom xuất khẩu, loại 2 - 3 bán trong nước nên người tiêu dùng mới có cảm nhận như vậy. Trả lời Thanh Niên về vấn đề này, một lãnh đạo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) nhận định: "Rất khó để nói trái cây VN hiện nay chất lượng đi xuống, bởi vì chúng ta xuất khẩu hàng tỉ USD mỗi năm, năm nay có thêm sầu riêng nên dự báo sẽ đạt đến 4 tỉ USD. Như vậy có thể thấy chất lượng trái cây VN được nhiều thị trường đánh giá cao, việc sụt giảm chủ yếu là do ảnh hưởng từ tình hình dịch bệnh, các khó khăn kinh tế chung trên toàn thế giới.

Về phía Cục Trồng trọt cũng thường xuyên phổ cập, chuẩn hóa các quy trình sản xuất phù hợp với thực tế cho nông dân và các hợp tác xã. Hơn nữa, người làm vườn hiện nay đã có rất nhiều kinh nghiệm để trái cây đạt chất lượng tốt, từ đó mang lại thu nhập cho họ. Thị trường hiện nay cũng có rất nhiều phân khúc, sản phẩm chia ra nhiều loại để đáp ứng cho từng đối tượng khác nhau, do đó chưa có một nghiên cứu hay thống kê nào để đánh giá chung về chất lượng trái cây".

Đại diện Ban Quản lý chợ đầu mối Bình Điền (TP.HCM) ngành hàng trái cây cũng cho biết: "Hiện nay lượng trái cây về chợ vẫn đều đặn, chủng loại đa dạng và giá cả nhìn chung cũng ổn định. Sức mua dù không tăng nhưng chưa đến mức sụt giảm đáng lo ngại. Hàng hóa thì nhiều, chỉ lo người tiêu dùng không có tiền để mua thôi, chứ nếu nói về chất lượng thì đắt rẻ gì cũng có, tiền nào của nấy. Hàng loại 1, ngang ngửa hàng xuất khẩu cũng có rất nhiều".

Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Giám đốc điều hành Công ty CP sản xuất thương mại Abavina, khẳng định chất lượng trái cây sản xuất ra của nhà nông hiện nay đang dần cải thiện, ổn định hơn nhưng điểm yếu tồn tại là khâu vận chuyển, bảo quản. Vì vậy, có thể trái cây bán vào siêu thị là loại ngon, mắc tiền nhưng thời gian lưu trữ, trưng bày kéo dài làm cho chất lượng giảm xuống.

Tại hội thảo kết nối tiêu thụ, xuất khẩu trái cây do Bộ Công thương tổ chức mới đây, nhiều diễn giả cho rằng bên cạnh chi phí vận chuyển, khâu bảo quản là điểm yếu cần phải được cải thiện để nâng sức cạnh tranh. Ông Lê Phú Cường, Tham tán thương mại (Thương vụ VN tại Malaysia), nói: "Ngay tại Malaysia, trái cây Việt cũng rất khó cạnh tranh với Thái Lan, nhất là trái nhãn, vì hạn chế về khâu bảo quản sau thu hoạch. Về lâu dài, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản phải đầu tư cho khâu bảo quản sản phẩm để vận chuyển bằng đường biển, giảm chi phí và tăng tính cạnh tranh".

Đẩy mạnh kích cầu

Vào mùa cao điểm tiêu thụ trái cây, nhiều hệ thống siêu thị trên cả nước đang đẩy mạnh khuyến mãi để kích cầu, hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Cụ thể, tại các siêu thị Co.opmart và Co.opXtra tổ chức lễ hội trái cây với hàng trăm loại từ mọi miền đất nước để khách hàng có thể dễ dàng lựa chọn và dùng thử ngay tại chỗ. Các loại trái cây như sầu riêng, chôm chôm, bơ, mận hậu, vải thiều, xoài, chuối, thanh long, hồng xiêm, măng cụt, dứa, cam sành, dưa lưới… có mức giảm từ 20 - 30%. Đại diện hệ thống cửa hàng Bách Hóa Xanh cũng cho biết đang đẩy mạnh tiêu thụ mận hậu, bơ sáp và thanh long, với mức giảm từ 15 - 50%. Trong đó sản lượng bơ đang có mức tiêu thụ gấp đôi so với trước khi khuyến mãi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.