Thi hành án hành chính 'ì ạch' nhưng chưa cán bộ nào bị xử lý trách nhiệm

08/05/2024 15:05 GMT+7

Nhiều vụ việc tòa án phải ra quyết định buộc thi hành hoặc viện kiểm sát phải kiến nghị, thế nhưng chưa có cơ quan, cán bộ nào bị xử lý trách nhiệm do chậm hoặc không chịu thi hành án hành chính.

Bộ Tư pháp vừa có báo cáo gửi Quốc hội, về kết quả thực hiện Nghị quyết số 109/2023/QH15 liên quan đến công tác giám sát chuyên đề, chất vấn thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp. Một trong những nội dung được đề cập là việc thi hành án hành chính.

Bộ Tư pháp chỉ ra nhiều bất cập về thi hành án hành chính (ảnh minh họa)

Bộ Tư pháp chỉ ra nhiều bất cập về thi hành án hành chính (ảnh minh họa)

TUYẾN PHAN

Chưa có trường hợp nào bị xem xét, xử lý trách nhiệm

Bộ Tư pháp cho hay, trong 6 tháng đầu năm 2024, TAND các cấp đã chuyển giao cho các cơ quan thi hành án dân sự 1.387 bản án, quyết định hành chính. Các cơ quan hành chính đã thi hành xong 400 việc, đang tiếp tục thi hành 979 bản án, tạm đình chỉ thi hành 8 bản án.

Quá trình theo dõi thi hành án hành chính cho thấy việc tham gia tố tụng của chủ tịch UBND hoặc người được chủ tịch UBND ủy quyền theo quy định tại luật Tố tụng hành chính chưa nghiêm túc.

Ở nhiều vụ việc, người bị kiện là các cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong các cơ quan hành chính nhà nước chưa thực hiện nghiêm quy định về việc tham gia đối thoại, tham gia phiên tòa, cung cấp tài liệu, chứng cứ và bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước trước tòa án.

Nhiều bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa được thi hành xong (tập trung ở TP.HCM, Hà Nội, Đắk Lắk, Kiên Giang…). Không ít bản án người phải thi hành án là UBND, chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc đã tồn đọng nhiều năm nhưng chưa được tổ chức thi hành dứt điểm.

Đáng chú ý, Bộ Tư pháp cho biết, nhiều vụ việc tòa án đã ra quyết định buộc thi hành án, viện kiểm sát kiến nghị, cơ quan thi hành án cũng đôn đốc, kiến nghị xem xét trách nhiệm. Thế nhưng, chưa có trường hợp nào người phải thi hành án là cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước bị xem xét, xử lý trách nhiệm do chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của tòa án.

Cưỡng chế thi hành bản án liên quan đến đất đai ở Bình Thuận

Cưỡng chế thi hành bản án liên quan đến đất đai ở Bình Thuận

QUẾ HÀ

Một số địa phương chưa tích cực, chủ động

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng nêu trên là gì? Bộ Tư pháp cho rằng, việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính ở một số địa phương vẫn chưa nghiêm túc.

Đối với những bản án có khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành, nhiều địa phương chưa có phương án để giải quyết dứt điểm. Đặc biệt, có những bản án thuộc trách nhiệm thi hành của UBND, chủ tịch UBND cấp tỉnh nhưng một số địa phương chưa tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành để tháo gỡ hoặc báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo giải quyết của cấp có thẩm quyền.

Việc tham gia tố tụng của chủ tịch UBND hoặc người được chủ tịch UBND ủy quyền chưa được thực hiện nghiêm túc, một phần do khối lượng công việc quản lý nhà nước tại một số địa phương rất lớn, dẫn đến khó khăn trong việc ủy quyền và sắp xếp công việc.

Cạnh đó, cơ chế thi hành án hành chính theo quy định của pháp luật hiện hành là cơ chế "tự thi hành". Do đó, kết quả phụ thuộc rất lớn vào việc tự nguyện thi hành của các cơ quan, người có thẩm quyền phải thi hành án.

Vẫn theo Bộ Tư pháp, các bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính chưa thi hành xong hầu hết liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai. Đây là lĩnh vực hết sức phức tạp, các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện thường kéo dài nhiều năm, đã qua nhiều cấp, nhiều ngành giải quyết, hiện trạng quản lý, sử dụng đất đã có nhiều biến động; trong khi hệ thống các quy định của pháp luật đất đai cũng có nhiều thay đổi cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng thời kỳ…

Chưa kể, các vụ án hành chính tòa án đưa ra xét xử thường có nội dung phức tạp, tại các buổi đối thoại hoặc phiên tòa, người bị kiện và người khởi kiện không thể hòa giải, đối thoại bất thành; từ đó dẫn đến quá trình tổ chức thi hành các bản án thuộc các vụ việc này cũng gặp nhiều khó khăn.

Một số quy định của pháp luật còn có quan điểm khác nhau giữa cơ quan xét xử và cơ quan quản lý nhà nước cấp trên dẫn đến quá trình tổ chức thi hành án có những vướng mắc nhất định cho cơ quan nhà nước là bên phải thi hành án.

Để khắc phục bất cập, Bộ Tư pháp cho hay sẽ tham mưu làm việc và kiểm tra liên ngành về công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính tại các địa phương có số lượng vụ việc lớn, phức tạp, kéo dài; làm rõ nguyên nhân, kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp chậm thi hành hoặc không thi hành bản án, quyết định của tòa án.

Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với TAND tối cao, Viện KSND tối cao trong đánh giá, đề xuất tháo gỡ các vướng mắc, bất cập có liên quan của các quy định pháp luật về tố tụng dân sự, tố tụng hình sự, tố tụng hành chính; các quy định về quản lý, xử lý vật chứng, tài sản, giám định tư pháp, định giá tài sản... để giải quyết các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.