Án hành chính: Chủ tịch UBND không ra tòa, người dân ngày càng bức xúc

03/10/2023 20:31 GMT+7

Việc thường xuyên vắng mặt của chủ tịch UBND, UBND các cấp trong các vụ án hành chính khiến người dân ngày càng bức xúc, nổi lên nhiều nhất ở mảng giải tỏa thu hồi đất.

TAND tối cao vừa có công văn trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới sau kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, liên quan đến những tồn tại trong giải quyết án hành chính.

Không thể gặp gỡ, đối thoại

Theo kiến nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, thời gian qua, quá trình xét xử các vụ kiện hành chính còn tình trạng tòa án mời người khởi kiện đến tòa nhưng sau đó dời lịch xét xử.

Án hành chính: Chủ tịch UBND không ra tòa, người dân ngày càng bức xúc - Ảnh 1.

Việc thường xuyên vắng mặt của chủ tịch UBND, UBND các cấp trong các vụ án hành chính khiến người dân ngày càng bức xúc

ẢNH MINH HỌA: DAD

Tương tự, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông đề cập tình trạng người bị kiện trong các vụ án hành chính (hầu hết là chủ tịch và UBND các cấp) thường có văn bản đề nghị xét xử vắng mặt, chỉ cử người bảo vệ quyền và lợi ích tham gia phiên tòa.

Việc này dẫn đến không bảo đảm nguyên tắc tranh tụng khi giải quyết vụ án hành chính. Bởi lẽ, hội đồng xét xử chỉ được đặt câu hỏi đối với người bị kiện, không được đặt câu hỏi đối với người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện.

Tình trạng trên cũng dẫn tới khó khăn trong việc thẩm tra tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa; không thể yêu cầu người bị kiện cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh tại phiên tòa; không thể tiến hành đối thoại tại phiên tòa khi thấy cần thiết…

Theo quy định, khi người bị kiện vắng mặt thì tòa án vẫn có thể xét xử vắng mặt nhưng sẽ nảy sinh nhiều bất cập. Trong đó, bên bị kiện không đủ điều kiện để nắm bắt đầy đủ các diễn biến hoặc tham gia ý kiến để TAND ban hành phán quyết phù hợp, tạo thuận lợi trong tổ chức thi hành án.

Ngược lại, ở góc độ người khởi kiện (người dân), nguyện vọng của họ là gặp gỡ, đối thoại với người ban hành quyết định hành chính, có hành vi hành chính liên quan đến mình. Tuy nhiên, việc vắng mặt khiến họ ngày càng bức xúc, nổi lên nhiều nhất ở mảng giải tỏa thu hồi đất.

Kiến nghị Thủ tướng tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh

TAND tối cao cho biết, thực trạng mà cử tri phản ánh xảy ra khá phổ biến trong nhiều năm qua. Nhiều phiên tòa xét xử các vụ án hành chính phải hoãn với lý do vắng mặt người đại diện của UBND, chủ tịch UBND.

Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng, hiệu quả giải quyết, xét xử các vụ án hành chính còn hạn chế.

TAND tối cao dẫn kết quả giám sát của Ủy ban Tư pháp Quốc hội về chấp hành pháp luật Tố tụng hành chính năm 2018 và 2022.

Theo đó, vì người đại diện của UBND và chủ tịch UBND vắng mặt, hội đồng xét xử không thể yêu cầu phía UBND trình bày quan điểm, ý kiến đối với yêu cầu khởi kiện; không thể tiến hành kiểm chứng hoặc đối chất để làm rõ các tình tiết, chứng cứ trong vụ án.

Để bảo đảm vụ án được giải quyết đúng pháp luật, tòa án phải hoãn phiên tòa để yêu cầu UBND, chủ tịch UBND cử người đại diện tham gia phiên tòa, hoặc chờ UBND cung cấp tài liệu, chứng cứ.

Tình trạng trên gây bức xúc cho người khởi kiện và ảnh hưởng đến tiến độ, thời hạn, chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án hành chính.

Để khắc phục, Chánh án TAND tối cao đã chỉ đạo TAND các địa phương và các TAND cấp cao xây dựng lịch xét xử hợp lý và thông báo thời gian mở phiên tòa cho các bên đương sự để UBND, chủ tịch UBND chủ động bố trí thời gian tham dự hoặc cử người đại diện tham dự phiên tòa.

TAND tối cao cũng đang hoàn thiện dự án luật Tổ chức TAND sửa đổi; đồng thời tổng kết thực tiễn thi hành luật Tố tụng hành chính năm 2015 để có cơ sở nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung.

Đặc biệt, TAND tối cao kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh thực hiện quy định trách nhiệm tham gia phiên tòa tại Chỉ thị số 26 ngày 15.11.2019 về việc tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.