65 năm ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3.3.1959 - 3.3.2024)

Theo bước chân cha: Cả hai con trai đều khoác áo biên phòng

01/03/2024 06:15 GMT+7

Đó là những cán bộ, chiến sĩ đang công tác trong lực lượng Bộ đội Biên phòng VN - những người con của 3 anh hùng - liệt sĩ Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) đã hy sinh trong những ngày đầu của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới tây nam (1978) và bảo vệ biên giới phía bắc (1979).

Chúng tôi về xã Quỳnh Bảng (H.Quỳnh Lưu, Nghệ An) hỏi thân nhân anh hùng - liệt sĩ Hồ Đăng Khầm, người già trong làng bảo: "Gia đình bác ấy toàn liệt sĩ, nên con cái lớn lên rất vất vả. Giờ, cả 2 đứa con trai đều trong Bộ đội Biên phòng (BĐBP)"…

NHÀ TOÀN LIỆT SĨ

Ông Hồ Đăng Ngạn và bà Trương Thị Hoe ở xóm Văn Học (xã Quỳnh Bảng, H.Quỳnh Lưu) sinh được 4 người con. Năm 1966, ông Ngạn hy sinh trong khi chiến đấu, đánh trả máy bay Mỹ. Chưa đầy 1 năm sau, bà Hòe nhận được tin con trai Hồ Đăng Nga hy sinh bên chiến trường Lào.

Theo bước chân cha: Cả hai con trai đều khoác áo biên phòng- Ảnh 1.

Bộ đội Đồn biên phòng Phú Mỹ huấn luyện thường ngày

MAI THANH HẢI

Mặc dù đã có bố và anh trai liệt sĩ, nhưng Hồ Đăng Khầm vẫn xin đi bộ đội. Ngày 6.8.1968, anh nhập ngũ khi vừa bước sang tuổi 19. Sau ngày đất nước thống nhất 30.4.1975, hoàn cảnh gia đình thượng sĩ Khầm rất khó khăn: mẹ già yếu, vợ Nguyễn Thị Lương bị bệnh tim, con gái đầu Hồ Thị Hồng (sinh 1973) mắc bệnh hen bẩm sinh, con trai Hồ Đăng Thảo (sinh 1975) và Hồ Đăng Luận (sinh 1977) còn quá nhỏ… nên anh đã xin phục viên về chăm sóc gia đình.

Lá đơn chưa được gửi đi thì cấp trên gọi Khầm lên giao nhiệm vụ: "Tình hình biên giới tây nam ngày càng căng thẳng. Cậu đã qua chiến đấu, phải vào biên giới Kiên Giang giúp anh em".

Cựu chiến binh Nguyễn Đông Phong (66 tuổi, nguyên chiến sĩ Đồn biên phòng Phú Mỹ, hiện sống ở P.Hồng Phong, TX.Đông Triều, Quảng Ninh) nhớ lại: "Tháng 10.1976, Đồn biên phòng Phú Mỹ được thành lập với quân số ban đầu 40 người. Trong đó, có 3 sĩ quan, 5 hạ sĩ quan, còn lại là tân binh. Tính theo quê, chỉ có 8 người Kiên Giang, còn lại miền Bắc tăng cường, đông nhất là Quảng Ninh. Anh Khầm ban đầu là đội trưởng vũ trang. Sau trận đánh tháng 1.1978, anh ấy được Thủ tướng tặng bằng khen, nên được phong quân hàm thiếu úy, bổ nhiệm phó đồn trưởng. Chưa đầy nửa năm sau, anh Khầm hy sinh trong trận 16.5.1978, được truy phong trung úy".

Các cựu chiến binh kể: Đêm 14.5.1978, trên 4 tiểu đoàn lính Pol Pot được pháo binh yểm trợ, chia làm 3 mũi ồ ạt tấn công vào ấp Tà Pô. Rạng sáng 16.5, địch tập trung bao vây chốt Tà Poọc, nơi 37 cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Phú Mỹ đang chiến đấu. Sau gần 2 giờ chiến đấu, chỉ huy đồn cử 5 người mở đường máu đưa 2 thương binh nặng ra ngoài vòng vây. 30 cán bộ, chiến sĩ ở lại quyết tâm chiến đấu.

Cuộc chiến đấu kéo dài từ sáng đến khoảng 12 giờ 5 ngày 16.5.1978 thì im tiếng súng. 30 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Mấy ngày sau, lực lượng tăng viện mới lên đến nơi.

Ông Trần Hoàng Phượng (nguyên trợ lý chính sách của BĐBP Kiên Giang) kể lại: Khi lên mai táng liệt sĩ, nhiều vết tích cho thấy cuộc chiến đấu rất khốc liệt.

Trong số 30 cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Phú Mỹ hy sinh ngày 16.5.1978 ấy, có đủ chỉ huy quân sự của đơn vị, là đại úy - đồn trưởng Nguyễn Minh Phương (quê Thanh Hóa), 2 trung úy - đồn phó Nguyễn Quốc Din và Hồ Đăng Khầm.

NHỮNG ĐỨA CON LÀNG BIỂN

Đầu năm 1979, nhận tin chồng hy sinh, bà Nguyễn Thị Lương suy sụp, bệnh tật chuyển thành suy tim độ 3 và đến giữa tháng 6.1986 thì mất. Mẹ mất, cả 3 chị em Hồ Thị Hồng, Hồ Đăng Thảo, Hồ Đăng Luận mới 13, 11, 9 tuổi về ở với bà nội Trương Thị Hoe đã 68 tuổi. Lúc này, cả nước sống trong thời kỳ bao cấp, cả nông thôn và thành thị đều khó khăn, 3 chị em thường xuyên thiếu đói.

Theo bước chân cha: Cả hai con trai đều khoác áo biên phòng- Ảnh 2.

Trung tá Hồ Đăng Thảo lau dọn bàn thờ

Thương 2 em trai đang tuổi ăn tuổi lớn và bà nội ốm yếu, chị Hồ Thị Hồng tuy bị hen suyễn bẩm sinh, nhưng vẫn gắng gượng đi nhặt khoai, mót lúa, xin làm thuê mọi việc để có thêm miếng ăn cho gia đình.

Người già trong làng vẫn nhớ, cứ mỗi sáng sớm, thuyền cá sau 1 đêm đánh bắt, tụ về bãi ngang Quỳnh Bảng, 3 chị em đã đợi sẵn, chờ người dân gỡ lưới, nhặt những con cá nhỏ, ươn thối về ăn.

Và cũng như 1 quy ước ngầm, cứ mỗi thuyền lại bốc nắm cá nắm tôm, dúi cho 3 đứa trẻ. Có lần, cán bộ thương nghiệp về thu mua, thấy vậy định làm to chuyện, nhưng khi nghe nói: "Bố các cháu là anh hùng, hy sinh ở biên giới tây nam. Mẹ mới mất, chỉ 3 chị em nuôi nhau", đã chia cả rổ cá cho chị em Hồng.

Do bệnh hen suyễn bẩm sinh và lao động vất vả, năm 1993, đến lượt Hồng mất theo bố mẹ. Hồ Đăng Thảo phải nghỉ học lớp 11 để gánh vác mọi việc đồng áng, nhà cửa, chăm bà nội và em trai Hồ Đăng Luận.

"KHÔNG MANG BỐ RA XIN XỎ"

Năm 1994, Hồ Đăng Thảo nhập ngũ vào BĐBP Nghệ An. Biết hoàn cảnh, cấp trên tạo điều kiện cho đi học bổ túc văn hóa hết THPT. Năm 1997, Thảo được cử đi học chuyên ngành vận động quần chúng ở Trường trung cấp Biên phòng (nay là Cao đẳng Biên phòng).

Năm 1999, chuẩn úy - quân nhân chuyên nghiệp Hồ Đăng Thảo tốt nghiệp, được đưa thẳng vào Thừa Thiên-Huế, công tác ở Đồn biên phòng Phong Hải (H.Phong Điền). Thấy quê Nghệ An mà phải vào tít trong Huế, nhiều người thắc mắc: Con trai của anh hùng - liệt sĩ trong lực lượng, sao không xin về chỗ nào ngon lành, thuận lợi mà lại phải vào tận khu toàn cát trắng? Thảo cười: "Là con trai, là người lính, đi đâu cũng được. Mang bố ra xin xỏ nhờ vả, hèn lắm".

Sau 3 năm bám trụ ở biên giới biển Thừa Thiên-Huế, tháng 5.2002, Hồ Đăng Thảo được chuyển ra BĐBP Nghệ An. Ngay tháng sau (6.2002), Thảo cưới cô thợ may Hồ Thị Ngọc và đến nay đã có 3 cô con gái.

ĐI ĐỊA BÀN NHIỀU HƠN Ở ĐỒN

Tháng 3.2004, Bộ Tư lệnh BĐBP tổ chức gặp gỡ thân nhân các liệt sĩ trong lực lượng, nhân 45 năm ngày truyền thống. Hồ Đăng Thảo được mời tham dự và giao lưu với các đại biểu. Thấy Thảo đeo quân hàm quân nhân chuyên nghiệp, một thủ trưởng Bộ Tư lệnh hỏi: "Có muốn chuyển sĩ quan không?" và chỉ đạo ngành chức năng tạo điều kiện. Được sự giúp đỡ trực tiếp của đại tá Hoàng Anh Thắng (khi đó là Chính ủy BĐBP Nghệ An), năm 2005, Thảo được đi học và năm 2007 được chuyển sang hệ sĩ quan chỉ huy, làm Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng Thông Thụ (thuộc Đồn biên phòng Thông Thụ).

"Bây giờ đường sá còn đỡ, hồi tôi mới lên, đi lại khó khăn, đồng bào sinh hoạt lạc hậu, làm công tác địa bàn cực kỳ vất vả", trung tá Hồ Đăng Thảo kể.

Năm 2012, Hồ Đăng Thảo làm Chính trị viên phó Đồn biên phòng Quỳnh Thuận (H.Quỳnh Lưu). Năm 2017, Thảo lên phòng chính trị làm trợ lý vận động quần chúng và năm 2019 lại lên Đồn biên phòng Thông Thụ làm chính trị viên phó, cho đến nay. Bây giờ, ai vào Đồn biên phòng Thông Thụ cuối chiều thế nào cũng thấy trung tá Thảo lúi húi trồng rau, tưới cây trong vườn tăng gia. Hỏi, anh Thảo cười: "Từ bé đã phải lao động kiếm sống, giờ thành thói quen".

Với cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Thông Thụ, trung tá Thảo còn là tấm gương trong công tác địa bàn, thường xuyên tham gia các chuyến tuần tra dọc tuyến biên giới, dài đằng đẵng vài ngày đêm trong rừng, trên núi. "Cán bộ biên phòng thì phải xuống với dân, bám nắm địa bàn. Cứ ngồi một chỗ ra mệnh lệnh, thì không thể tròn nhiệm vụ", trung tá Thảo nói chắc nịch và thành thật: "Đến bây giờ, tôi vẫn thương nhất bà nội. Bà mất tháng 6.2007, nửa năm sau thì được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết truy tặng danh hiệu Bà mẹ VN anh hùng. Suốt 89 năm được sống, bà nhường nhịn chăm sóc bố và chị em tôi"… (còn tiếp)

Hồ Đăng Luận là con út của anh hùng - liệt sĩ Hồ Đăng Khầm, nhập ngũ BĐBP năm 1999, hiện là đại úy - quân nhân chuyên nghiệp, nhân viên đội vũ trang, Đồn biên phòng Nậm Càn (BĐBP Nghệ An). Năm 2021, đại úy Luận được phát hiện bệnh K trực tràng, phải ra điều trị ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hiện nay, bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm, anh Luận phải xạ trị dài ngày ở Hà Nội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.