Kiếm hàng chục triệu USD từ hàng trăm trường 'ma'

21/05/2015 19:00 GMT+7

(TNO) Axact, công ty bị báo New York Times tố cáo bán bằng giả từ hàng trăm ngôi trường “ma” cho học viên khắp thế giới, đã bị cảnh sát Pakistan lục soát văn phòng ở Islamabad (Pakistan).

(TNO) Axact, công ty bị báo The New York Times tố cáo bán bằng giả từ hàng trăm ngôi trường “ma” cho học viên khắp thế giới, đã bị cảnh sát Pakistan lục soát văn phòng ở Islamabad (Pakistan).

Trụ sở hoành tráng của Axact tại Pakistan - Ảnh: AFP
Đình đám
Axact là một cái tên đình đám ở Pakistan. Đặt trụ sở tại thành phố cảng Karachi, Axact tự mô tả mình là nhà xuất khẩu phần mềm lớn nhất Pakistan với hơn 2.000 nhân viên. Công ty này gần đây cũng rầm rộ công bố kế hoạch thành lập một kênh truyền hình thời sự mang tên Bol, tuyển dụng hàng loạt nhà báo nổi tiếng với mức lương được quảng cáo là cao nhất từ trước đến nay.
Còn trên mặt báo New York Times, Axact được mô tả: “Nhìn trên internet, đó là một cơ sở giáo dục cực lớn với hàng trăm trường đại học và trung học mang những cái tên rất tao nhã, những giáo sư tươi cười trong những ngôi trường Mỹ chỗ nắng chỗ râm. Các trang web của Axact đều trông rất "mướt" và đáng tin cậy, cung cấp văn bằng trong hàng chục lĩnh vực khác nhau như y tá, kỹ sư. Hàng loạt bài viết ca ngợi rất sinh động được đăng tải trên trên trang web CNN iReport cùng những đoạn video đầy nhiệt huyết và cả các chứng chỉ được Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận, mang chữ ký của Ngoại trưởng John Kerry”. 
New York Times cũng dẫn lời giới thiệu của một phụ nữ xưng là trưởng khoa luật của một trường thuộc Axact quảng cáo: “Chúng tôi là một trong những khoa danh giá nhất thế giới. Hãy tham gia Đại học Newford để vươn lên đỉnh cao của sự ưu tú”.
Đẳng cấp đa quốc gia (?)
Thế nhưng, bên trong vẻ bề ngoài hào nhoáng và chuyên nghiệp đó là con số 0. Theo The New York Times, không có một trường học nào mà Exact cấp bằng là có thật, dẫu nó mang những cái tên na ná như trường thật, chẳng hạn Columbiana. Hầu hết các trang web của các trường đó đều chạy qua các server được đăng ký bởi những công ty ở CH Síp hoặc Latvia. Còn CNN iReport là trang web dành cho công chúng viết, không qua kiểm duyệt, kiểm tra tính xác thực như các trang báo chí online chính thống.
The New York Times tố cáo  tất cả những bằng cấp mà Axact cung cấp đều đến từ những ngôi trường "ma" - Ảnh: AFP
Bài báo cũng cho biết, các giảng viên thông thái, các sinh viên sáng láng trong các "trường đại học" mà Axact quảng cáo đều là những diễn viên được thuê để đóng quảng cáo.
Nhưng có một thứ rất thật: đội ngũ nhân viên đông đúc, lên đến 2.000 người của Axact chia ca làm việc cật lực để tìm kiếm khách hàng. Báo New York Times dẫn nguồn một cựu nhân viên Axact cho biết đôi khi khách hàng của Axact biết rằng họ đang bỏ tiền ra để mua bằng giả, nhưng trong hầu hết các trường hợp, người ta bị lừa.
Lợi dụng sự nở rộ của giáo dục online, Axact lừa khách hàng đăng ký những khóa học không có thật hoặc thuyết phục họ rằng kinh nghiệm sống, kinh nghiệm làm việc của họ đã đủ để được cấp một loại bằng nào đó, tất nhiên là phải đóng tiền vào. Nhờ vào "mác" cung cấp khoa học online, Axact lừa được các nạn nhân từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm cả Anh, Mỹ và các quốc gia vùng Vịnh.
Mua bằng giá 400.000 USD
Còn một thứ rất thật khác: lợi nhuận từ việc bán bằng giả của Axact lên đến hàng triệu USD mỗi tháng, tức hàng chục triệu USD mỗi năm! Một văn bằng trung học có giá chừng 350 USD và càng "học cao", giá bằng càng tăng lên. Chẳng hạn bằng tiến sĩ có giá khoảng 4.000 USD.
Phóng viên, người dân tụ tập đông đúc trước văn phòng Axact khi các nhà điều ra đến lục soát - Ảnh: AFP
Một cựu nhân viên của Axact tên Yasir Jamshaid cho biết ông ta đã phải bỏ chạy qua Dubai sau "thành tích" 600.000 USD bán bằng cấp cho hơn 20 khách hàng. Những người này tưởng rằng họ được các trường đại học danh tiếng ở Mỹ cấp bằng. Ông này cho biết chỉ một khách hàng ở Ả Rập Xê Út đã bỏ ra đến 400.000 USD để mua các loại bằng cấp và chứng chỉ giả. Một người khác đến từ Ai Cập thì chi 12.000 USD cho tấm bằng tiến sĩ kỹ thuật của Đại học Nixon và một văn bằng mang chữ ký của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.
Ông Jamshaid nói rằng tất cả những tấm bằng trên đều là tờ giấy lộn không hơn không kém, báo New York Times viết.
Báo Mỹ: Không có gì phải đính chính
Trong khi đó, Axact bác bỏ tất cả những tố cáo của New York Times. Công ty này tuyên bố những cáo buộc trên hoàn toàn vô căn cứ.
Cùng lúc Axact cũng chỉ trích cá nhân Declan Walsh, tác giả bài báo trên New York Times. Công ty này cho rằng Walsh chẳng phải là người viết khách quan về Pakistan và từng bị trục xuất ra khỏi nước này vì làm hại lợi ích quốc gia.
Trang tin Business Insider (Mỹ) cho biết hồi năm 2013, Bộ Nội vụ Pakistan đã trục xuất Walsh khỏi nước này nhưng không nêu lý do cụ thể: "Chúng tôi thông báo cho ông biết rằng thị thực của ông đã bị hủy vì những hoạt động không được hoan nghênh của ông. Ông phải rời Pakistan trong vòng 72 giờ".
Sau phản ứng của Axact, một phát ngôn viên của New York Times khẳng định: "Chúng tôi tự tin vào bài báo và thấy không có gì phải đính chính cả".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.