Thanh niên Trung Quốc đỏ mắt tìm việc

Thanh niên Trung Quốc đỏ mắt tìm việc

Phương Thúy
Phương Thúy
02/06/2023 09:36 GMT+7

11,58 triệu sinh viên đại học Trung Quốc sẽ tốt nghiệp vào mùa hè năm nay. Con số khổng lồ này được cho là sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thất nghiệp ở thanh niên Trung Quốc.

Theo hãng tin Reuters, các nhà kinh tế dự báo tình trạng thất nghiệp ở thanh niên Trung Quốc sẽ ngày càng trầm trọng trong những năm tới do tình trạng dư thừa sinh viên tốt nghiệp đại học và thiếu lao động do lực lượng lao động già hóa.

Hơn 11 triệu thanh niên sắp tốt nghiệp trong hè này sẽ phải cạnh tranh để tìm việc trong thị trường việc làm đang mất cân bằng. Trung Quốc có nền kinh tế thuộc nhóm phát triển nhanh nhất thế giới, nhưng cơ cấu nặng về sản xuất khiến nó ngày càng không phù hợp với nguyện vọng của thế hệ trẻ.

Các ngành phổ biến nhất đối với sinh viên mới tốt nghiệp Trung Quốc, như công nghệ, giáo dục, bất động sản và tài chính, đều bị chính phủ siết chặt trong những năm gần đây. Một số quy định đã được dỡ bỏ, nhưng tâm lý kinh doanh phục hồi chậm, thể hiện qua đầu tư tư nhân chỉ tăng 0,4% từ tháng 1 đến tháng 4, trong khi đầu tư nhà nước tăng 9,4%.

Bà Keyu Jin, tác giả sách The New China Playbook, nhận định rằng nền giáo dục của Trung Quốc đi trước nền kinh tế. Có nghĩa là nhiều bằng cấp được trao hơn mức cần thiết cho một nền kinh tế dựa vào sản xuất.

Không rõ chính xác có bao nhiêu sinh viên tốt nghiệp đang làm công việc có yêu cầu thấp hơn trình độ và kỹ năng của họ, nhưng truyền thông nhà nước đã thừa nhận xu hướng này.

Bắc Kinh đã kêu gọi các doanh nghiệp nhà nước tuyển dụng nhiều sinh viên tốt nghiệp hơn và bắt đầu mở rộng các trường đào tạo nghề để lấp đầy nhân sự trong lĩnh vực sản xuất tiên tiến. Một số chính quyền địa phương, bao gồm cả Thượng Hải, đang trợ cấp cho các công ty tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp năm 2023.

Một thạc sĩ hành chính công 26 tuổi nói với hãng tin Reuters rằng giới trẻ không còn tin giá trị của một người đến từ việc học hành chăm chỉ hay thành công trong sự nghiệp. Người này đã từ chối các công việc có lương thấp và về quê mở homestay. Đây là thực tế ngày càng phổ biến ở Trung Quốc, khi nhiều sinh viên đại học hoặc thạc sĩ đi làm những công việc dưới chuyên môn như giao hàng hay bán hàng trực tuyến. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.