Bài phát biểu được trông đợi

26/04/2015 00:00 GMT+7

Mặc dù có đến 73% người dân Mỹ chưa bao giờ biết đến Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, theo kết quả một cuộc thăm dò của Trung tâm Pew, chuyến thăm Mỹ kéo dài một tuần kể từ hôm nay 26.4 của ông Abe sẽ được giới quan sát ở Washington và châu Á theo dõi sát sao.

Mặc dù có đến 73% người dân Mỹ chưa bao giờ biết đến Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, theo kết quả một cuộc thăm dò của Trung tâm Pew, chuyến thăm Mỹ kéo dài một tuần kể từ hôm nay 26.4 của ông Abe sẽ được giới quan sát ở Washington và châu Á theo dõi sát sao.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe - Ảnh: Reuters
Tại Washington, Thủ tướng Abe và Tổng thống Mỹ Barack Obama dự kiến công bố nội dung sửa đổi của bản hướng dẫn hợp tác quốc phòng song phương, theo hướng Nhật sẽ đảm nhận vai trò an ninh lớn hơn. Bước đột phá trong cuộc đàm phán giữa hai nước về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng được trông đợi.
Và ngày 29.4, ông Abe sẽ trở thành thủ tướng Nhật đầu tiên có vinh dự phát biểu trước Quốc hội Mỹ. Trong bài phát biểu lịch sử, ông Abe dự kiến sẽ nêu chi tiết chiến lược an ninh của Nhật, nhấn mạnh vào việc tăng cường quan hệ đồng minh với Mỹ cũng như xây dựng quan hệ chặt chẽ hơn với các nước láng giềng ở châu Á - Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, trên cùng chiếc bục mà cách đây 74 năm, vào ngày 8.12.1941, Tổng thống Franklin Roosevelt đề nghị Quốc hội Mỹ tuyên chiến với đế quốc Nhật, Thủ tướng Abe sẽ phải làm rõ một vấn đề lịch sử dai dẳng: Liệu ông có đưa ra lời xin lỗi đầy đủ cho quá khứ quân phiệt của Nhật nhân dịp kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến 2 vào tháng 8 tới ?
Một lời xin lỗi chân thành và không né tránh có thể giúp giải tỏa bớt những ngờ vực đối với sự trỗi dậy về an ninh của Tokyo, đặc biệt là từ các nước như Trung Quốc và Hàn Quốc, đồng thời là cột mốc mở ra thời kỳ “đóng góp chủ động cho hòa bình” của nước Nhật. Giới quan sát ở châu Á vì vậy sẽ quan tâm sát sao đến cả những gì ông Abe sẽ nói và không nói trước Quốc hội Mỹ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.