Đông Á vắng tàu sân bay Mỹ

29/11/2014 03:00 GMT+7

Giới chức quốc phòng Mỹ và Nhật Bản đang lên tiếng quan ngại về viễn cảnh vùng biển Đông Á hoàn toàn vắng bóng tàu sân bay Mỹ trong suốt 4 tháng vào năm sau.

Đông Á vắng tàu sân bay Mỹ
Tàu USS George Washington ở cảng Yokosuka - Ảnh: U.S Navy

Gánh nặng ngân sách, kết hợp với sự trỗi dậy của lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Trung Đông, đang làm giới hạn khả năng vùng vẫy của hạm đội Mỹ tại Đông Á. Ít nhất trong 4 tháng vào năm sau, vùng biển Đông Á sẽ không còn bóng dáng khổng lồ của hàng không mẫu hạm Mỹ như thường lệ. Theo tạp chí Nikkei Asian Review, giới chức Nhật Bản và Mỹ đang lo ngại sự vắng mặt tạm thời của các tàu sân bay Mỹ có thể khuyến khích CHDCND Triều Tiên và Trung Quốc thực hiện các hành động phiêu lưu quân sự tại những vùng biển lâu nay vẫn được hải quân Mỹ trấn giữ. 

Lỗ hổng quân sự

Theo Nikkei Asian Review, tàu USS George Washington, hàng không mẫu hạm duy nhất của hải quân Mỹ đóng tại căn cứ nước ngoài, chuẩn bị rời khỏi Yokosuka để tiến hành đại tu và bổ sung nhiên liệu hạt nhân. Cho đến khi tàu USS Ronald Reagan đến được thành phố cảng của Nhật, nằm tại cửa biển vịnh Tokyo, để thay thế cho tàu USS George Washington, vùng biển Đông Á sẽ bị bỏ trống hoàn toàn, theo những nguồn thạo tin. Hải quân Mỹ không công bố chi tiết về sứ mệnh luân chuyển tàu sân bay, nhưng USS Ronald Reagan được dự kiến sẽ đến căn cứ hải quân Yokosuka sớm nhất là vào mùa xuân năm sau, và trễ nhất là phải đến mùa thu mới tới nơi.

 

Chiến đấu cơ Mỹ có thể đậu nhờ tàu sân bay Anh

Anh đang đóng mới 2 tàu sân bay là HMS Queen Elizabeth và HMS Prince of Wales, và dự kiến một trong hai tàu có thể gia nhập hạm đội hải quân hoàng gia vào năm 2017. Tuy nhiên, Anh vẫn chưa thể có được phi đội tiêm kích F-35B vào lúc đó. Do vậy, trong thời gian chờ đợi, Anh có thể chở hộ các chiến đấu cơ của đồng minh Mỹ, theo BBC dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Anh ngày 27.11. Nếu phát sinh tình huống khẩn cấp, các chiến đấu cơ Mỹ có thể xuất kích từ tàu sân bay Anh để tấn công mục tiêu.

H.G

Một hàng không mẫu hạm có thể chở theo hơn 50 chiến đấu cơ và 15 trực thăng. Lợi thế của căn cứ nổi trên biển là có thể nhanh chóng được điều động đến các điểm nóng quân sự và triển khai sức mạnh không quân. Thông thường, hải quân Mỹ luân phiên điều động các tàu sân bay đến Đông Á và vịnh Ba Tư để duy trì các đối thủ tiềm tàng như Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên, Iran trong tầm ngắm. Về phần mình, Trung Quốc đang dốc sức phát triển hạm đội tàu sân bay nhằm củng cố năng lực tác chiến tại các vùng biển Đông Á.

Hiện Mỹ duy trì 10 hàng không mẫu hạm trên các vùng biển, nhưng chiến dịch quân sự chống IS từ tháng 8 đang ngày càng gia tăng áp lực đối với hạm đội.  

Nhật Bản, Úc đề phòng

Quay trở lại Đông Á, theo tạp chí Nhật, sự vắng mặt khoảng 4 tháng của các tàu sân bay Mỹ có thể buộc chính quyền Tokyo nghĩ cách phát triển hạm đội tàu sân bay của riêng mình. Lực lượng phòng vệ trên biển của nước này đã sở hữu 2 tàu sân bay dành cho trực thăng là Hyuga và Ise, trong khi tàu Izumo với kích thước lớn hơn sẽ sớm được biên chế trong năm 2015. Nếu những chiến hạm đó được cải tiến thành tàu sân bay dành cho tiêm kích cơ cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng F-35B, đồng thời kết hợp với các tàu khu trục Aegis, Nhật sẽ có ngay các nhóm tác chiến tàu sân bay với đầy đủ bộ sậu.

Nếu cuộc chiến nổ ra giữa Nhật và Trung Quốc xung quanh nhóm đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, các chiến đấu cơ thuộc Lực lượng phòng vệ trên không của Nhật phải xuất kích từ các căn cứ ở đảo Okinawa hoặc Kyushu, trong khi hàng không mẫu hạm có thể nằm sát bên, tăng lợi thế khi chiến đấu.

Từ cuối Thế chiến 2 đến giai đoạn Chiến tranh lạnh, chính sách của Mỹ là kiềm chế sức mạnh quân sự của Nhật, buộc đồng minh phải phụ thuộc vào mình. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện tại, Washington đang tiến hành kế sách mới, theo đó muốn các đồng minh quân sự phải có đủ năng lực xử lý những thách thức ở tầm chiến lược tại sân nhà.

Theo tờ The Wall Street Journal, Úc cũng đang triển khai chiến lược quốc phòng theo hướng này. Ý tưởng biến 2 tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Canberra thành tàu sân bay trang bị F-35B đang nhận được sự ủng hộ trong nội bộ nước Úc. Bản thân Lầu Năm Góc cũng không phản đối hướng đi mới này bởi nó có thể giúp đồng minh của họ trám vào chỗ trống trong trường hợp tàu sân bay Mỹ vắng mặt tại Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Hải quân Hàn Quốc nhận tàu đổ bộ mới

Ngày 28.11, hải quân Hàn Quốc nhận chiếc tàu đổ bộ thế hệ mới đầu tiên vốn được đánh giá là sẽ góp phần nâng cao khả năng vận tải cũng như đổ bộ cho quân đội nước này, theo Yonhap. Tàu đổ bộ được sản xuất trong nước mang tên Cheonwangbong, có độ choán nước 4.500 tấn, chiều dài 126 m, chiều rộng 19 m và vận tốc tối đa 42,5 km/giờ, có khả năng chở 300 binh sĩ được trang bị vũ khí đầy đủ, cùng một số xe tăng đổ bộ và 2 trực thăng.

Minh Trung

Thụy Miên

>> Trung Quốc muốn tiếp cận tàu sân bay Mỹ để học cách vận hành Liêu Ninh
>> Triều Tiên lên án tàu sân bay Mỹ
>> Iran luyện quân tấn công tàu sân bay Mỹ
>> Iran bí mật đóng 'bản sao' tàu sân bay Mỹ?
>> Báo Nga: Trung Quốc có tên lửa siêu thanh diệt tàu sân bay Mỹ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.