Tham vọng của Trung Quốc từ 'con đường tơ lụa mới'

11/11/2014 10:30 GMT+7

(TNO) Nếu như con đường tơ lụa từng là huyết mạch buôn bán, giao thương thời cổ đại, từng được coi là cầu nối văn minh đông tây thì nay nó lại trở thành một tham vọng lớn trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc mà ông Tập Cận Bình đang cố vận động sự ủng hộ từ các nước tại diễn đàn APEC.

Trong những ngày qua, Trung Quốc như vận hết công suất và tần số ngoại giao của mình để vận động sự ủng hộ cho “con đường tơ lụa mới trên bộ và biển” từ các nước thành viên dự Diễn đàn Hội nghị thượng đỉnh APEC đang diễn ra tại Bắc Kinh.

Ông Tập Cận Bình đang nỗ lực thuyết phục với những hứa hẹn về viễn cảnh thịnh vượng của những nơi “con đường tơ lụa mới” đi qua - Ảnh AFP

Đã có một số “cái gật đầu” trong khối Đông Nam Á, như Indonesia, Thái Lan, Campuchia,… và hiện ông Tập Cận Bình đang tiếp tục nỗ lực thuyết phục với những hứa hẹn về viễn cảnh thịnh vượng của những nơi “con đường tơ lụa mới” đi qua.

Tấm bản đồ đầy tham vọng

Tấm bản đồ “con đường tơ lụa mới” và “con đường tơ lụa trên biển mới” thể hiện tham vọng nối trọn 3 châu lục Á, Âu, Phi trong chiến lược của Trung Quốc được đăng tải trên Tân Hoa Xã cuối tuần qua.

Theo tấm bản đồ này, con đường tơ lụa mới sẽ bắt đầu ở Tân An, miền trung Trung Quốc rồi kéo dài sang phía tây, gần biên giới Kazakhstan, chạy về phía tây nam từ Trung Á đến bắc Iran rồi vòng qua phía tây Iraq, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Tiếp đó, nó đi qua eo biển Bosporus và phía tây bắc châu Âu bao gồm Bulgaria, Romania, Cộng hòa Séc và Đức. Sau đó từ Duisburg của Đức đến Rotterdam ở Hà Lan rồi tới Venice (Ý).

Trong khi đó, con đường tơ lụa trên biển theo bản đồ này bắt đầu từ Tuyền Châu (tỉnh Phúc Kiến) chạy qua Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông), Bắc Hải (tỉnh Quảng Tây) và Hải Nam sau đó trước theo hướng nam tới eo biển Malacca.


Venice (Ý) là điểm gặp nhau của 2 con đường theo kế hoạch của Trung Quốc - Ảnh:Reuters 

Từ Kuala Lumpur, nó được kéo đến Kolkata (Ấn Độ) rồi đi tiếp qua phần còn lại của Ấn Độ Dương sang Nairobi (Kenya), tiếp lên phía bắc xung quanh vùng Sừng châu Phi (vùng Đông Bắc Phi) rồi chạy qua Biển Đỏ vào Địa Trung Hải, có một chặng dừng tại Athens (Hi Lạp) trước khi gặp con đường tơ lụa trên đất liền ở Venice (Ý).

Theo bài báo của Tân Hoa Xã, con đường tơ lụa sẽ mang lại "cơ hội mới và một tương lai mới cho Trung Quốc và tất cả các nước dọc theo con đường đó". Kế hoạch của Trung Quốc là tạo ra một "khu vực hợp tác kinh tế" kéo dài từ Tây Thái Bình Dương tới biển Baltic.

Tham vọng của Trung Quốc

Tân Hoa Xã đã mô tả kế hoạch của Trung Quốc là từ giao lưu kinh tế, Trung Quốc hy vọng sẽ đạt được mối quan hệ gần gũi hơn về văn hóa và chính trị với mỗi quốc gia dọc theo con đường tơ lụa theo mô hình mới.

Khi đó nó không chỉ là một tuyến đường thương mại kinh tế mà còn là một cộng đồng có lợi ích, số phận và trách nhiệm chung. Và rằng con đường tơ lụa đại diện cho tầm nhìn của Trung Quốc cho một cộng đồng kinh tế và chính trị phụ thuộc lẫn nhau kéo dài từ Đông Á đến tây Âu.

Sau những bước đi quân sự gây căng thẳng trong khu vực gần đây và trong bối cảnh Mỹ tăng cường hiện diện ở châu Á, Trung Quốc không những muốn củng cố sức mạnh của mình mà còn muốn nhắn nhủ thông điệp tới Mỹ về chiến lược "đối trọng châu Á".

Trung Quốc đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của một số thành viên trong khối ASEAN trong đó có Campuchia - Ảnh: Reuters

Đồng thời,Trung Quốc muốn khẳng định vị thế “đàn anh” của mình với các nước trong khu vực. Điều này được minh chứng qua những bước chuẩn bị và những tuyên bố của Trung Quốc về sáng kiến xây dựng con đường tơ lụa và con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21. 

Bên cạnh đó, một số nhà phân tích thì cho rằng sáng kiến này của Trung Quốc còn bắt nguồn từ mong muốn cải thiện nội tại quốc gia mình do sự chênh lệch phát triển giữa miền đông và miền tây.

Chuyên san The Diplomat nhận định rằng mặc dù mục tiêu của Trung Quốc rất lớn nhưng lại không rõ ràng và càng không biết chính xác là các nước dọc theo con đường tơ lụa cả trên đất liền và trên biển sẽ liên kết với nhau như thế nào. Đồng thời, đối với tất cả các cuộc thảo luận đầy tham vọng của Trung Quốc, những thông tin chi tiết về kế hoạch vẫn còn rất ít ỏi.

Tham vọng này của Trung Quốc vẫn tiếp tục gây ra làn sóng tranh luận, trong đó có một số nước hoan nghênh ngay tại diễn đàn APEC đang diễn ra ở Bắc Kinh và một số không bày tỏ quan điểm. 

Tuy nhiên, có một thực tế, những nước đang có liên quan đến tranh chấp biển đảo với Trung Quốc đang quan ngại rằng, liệu “con đường tơ lụa mới” có phải là thế “gọng kìm” được tạo ra để siết chặt thêm hoặc tạo sức ép, củng cố các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh với các khu vực đang tranh chấp(?).

Ngọc Mai

>> Căng thẳng địa chính trị tại APEC
>> Trung Quốc đang 'lobby' thành công cho các chiến lược tại APEC
>> Trung Quốc muốn gì ở APEC?
>> Trung Quốc chi 40 tỉ USD xây con đường tơ lụa mới
>> Thúc đẩy 'con đường tơ lụa' xuyên Triều Tiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.