Căng thẳng địa chính trị tại APEC

10/11/2014 16:30 GMT+7

(TNO) Trong bối cảnh Nga-Mỹ có nguy cơ chiến tranh lạnh và sự vươn lên mạnh mẽ của Trung Quốc bên cạnh các tranh chấp về chủ quyền với láng giềng, việc các nhà lãnh đạo thế giới tập trung về Bắc Kinh đang là tâm điểm của thế giới với nhiều toan tính căng thẳng.

 

 
Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Obama - Ảnh: AFP

Các nhà lãnh đạo thế giới trong đó có Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có mặt tại Bắc Kinh để tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC do “chủ nhà” Tập Cận Bình chủ trì.

Ông Obama, sau sự thất thế của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ, đến Trung Quốc với tâm trạng nặng nề trong bối cảnh mối quan hệ Nga-Mỹ đóng băng, trong khi Moscow thì ngược lại, theo Channel News Asia.

Việc các nhà lãnh đạo thế giới tập trung về Bắc Kinh là sự kiện lớn nhất do Tập Cận Bình chủ trì kể từ khi nhậm chức đến nay. Ông Tập hôm chủ nhật 9.11 tuyên bố rằng Trung Quốc tin tưởng vào một tương lai tươi sáng sau Hội nghị của khu vực Thái Bình Dương.

Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) là một cơ hội để các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới cùng ngồi lại, thỏa thuận về các cam kết hữu nghị cũng như hợp tác thương mại bên lề các cuộc trao đổi căng thẳng về vấn đề địa chính trị đang rất nhức nhối, Channel News Asia nhận định.

Mối quan hệ Trung-Nhật vốn đã đóng băng từ lâu do việc tranh chấp lãnh thổ đang dần được cải thiện. Hai nền kinh tế lớn thứ 2 và thứ 3 thế giới này đã công bố một hiệp định bốn điểm hôm thứ sáu 7.11, nhằm cải thiện mối quan hệ và mở đường cho cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa Chủ tịch Tập và Thủ tướng Shinzo Abe sau gần 3 năm căng thẳng.


Ông Tập Cận Bình (phải) tiếp ông Shinzo Abe khá lạnh lùng - Ảnh: Reuters

Nga hiện vẫn đang chịu các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây vì việc sát nhập với Crimea,  và liên quan câu chuyện ly khai ở miền đông Ukraine. Tổng thống Obama và Tổng thống Putin dự kiến sẽ không có cuộc hội đàm nào, nhưng Thủ tướng Úc Tony Abbott tuyên bố sẽ “đối đầu” với Nga về việc máy bay MH17 rơi hồi tháng 7 vừa qua. Mặc dù trước Nga phủ nhận những cáo buộc về việc có liên quan đến nhóm phiến quân thân Nga đã bắn quả tên lửa khiến MH17 bị nổ tung, và việc Moscow cản trở điều tra.

Hội nghị APEC lần này sẽ là sự đối đầu của 3 quyền lực lớn giữa Washington với Bắc Kinh và Moscow. Nga và Trung Quốc thường "sát cánh", bày tỏ sự thiếu kiên nhẫn với cách giải quyết các vấn đề trên thế giới của Mỹ và thường phủ quyết hoặc khước từ các sáng kiến của Mỹ.

Trong cuộc gặp hôm Chủ nhật 9.11 với ông Putin, ông Tập  khẳng định: “Dù có thay đổi gì trên trường quốc tế thì chúng ta vẫn nên đi theo con đường đã chọn để mở rộng, và tăng cường hợp tác phát triển toàn diện”. Putin cho biết sự hợp tác của họ là “rất quan trọng để giữ trật tự thế giới trong khuôn khổ luật pháp quốc tế”.

Trung Quốc và Mỹ vừa có cuộc tranh luận về việc làm thế nào để hội nhập thương mại trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương bên cạnh các vấn đề về nhân quyền, tình báo mạng và tranh chấp lãnh thổ. Nhà Trắng hi vọng sẽ có “một cuộc trò chuyện thẳng thắn” giữa lãnh đạo 2 nước.

Mối quan hệ Nga-Trung khá tốt đẹp - Ảnh: AFP 

Bắc Kinh cũng thể hiện sự quyết đoán của mình với Nhật Bản trong vấn đề biển Hoa Đông và sẵn sàng ở thế đối nghịch để giành vùng biển chiến lược này.

Một chủ đề tranh luận khác giữa ông Tập và ông Obama là Triều Tiên. Bắc Kinh là đồng minh thân cận của Bình Nhưỡng, và việc Triều Tiên bất ngờ thả 2 người Mỹ hôm thứ Bảy 8.11 cho thấy Triều Tiên đã sẵn lòng quay lại trường quốc tế.

APEC đã khởi động một tuần lễ Hội nghị thượng đỉnh cho Hội nghị thượng đỉnh Đông Á và Hội nghị G20 sắp tới. Trong một bài phát biểu hôm Chủ Nhật, Chủ tịch Tập nhấn mạnh rằng nhiều thứ đã thay đổi và cho thấy tầm nhìn của ông về “giấc mộng châu Á-Thái Bình Dương” cùng với những “lời hứa vô hạn” của mình.

Uyên Lê

>> 2 'việc lớn' của Tổng thống Putin tại APEC
>> Trung Quốc đang 'lobby' thành công cho các chiến lược tại APEC
>> Nga - Trung ký loạt thoả thuận hàng tỷ USD tại APEC
>> Ông Tập Cận Bình trấn an doanh nghiệp APEC
>> Trung Quốc muốn gì ở APEC?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.