Rừng du lịch sinh thái bị tàn phá

04/11/2014 08:47 GMT+7

Cả ngàn hécta rừng sinh thái phục vụ du lịch ở H.Buôn Đôn (Đắk Lắk) bị lâm tặc xâm nhập tàn phá, chặt hạ gỗ quý trong thời gian dài.

Rừng sinh thái Bản Đôn bị chặt hạ trái phép trong thời gian gần đây
Rừng sinh thái Bản Đôn bị chặt hạ trái phép trong thời gian gần đây - Ảnh: Trung Chuyên

Không người bảo vệ

Được anh Y.B, một cán bộ xã Krông Na, H.Buôn Đôn, dẫn đường, chúng tôi dễ dàng vào vùng lõi của khu rừng sinh thái thuộc Khu du lịch sinh thái - văn hóa Bản Đôn, H.Buôn Đôn. Không khó để bắt gặp trong khu rừng gần như không người bảo vệ này hàng loạt cây gỗ bị cưa đổ, phần thân đã bị lấy đi, trơ lại gốc ứa nhựa đỏ thẫm, nhiều cành lá bị chặt bỏ vẫn còn tươi, ngổn ngang trên mặt đất. Các loại cây gỗ hương, căm xe, cà chít được lâm tặc “ưu tiên” đốn hạ nhiều nhất. Dễ nhận ra nhiều cây hương còn non, đường kính chỉ khoàng 20-30 cm cũng bị chặt hạ, nhiều cây lớn thì bị đào bới cả gốc. Trong khu rừng, nhiều dấu bánh xe cày, xe máy chở gỗ chi chít chồng lên nhau. Theo anh Y.B, gỗ hương (nhóm 2A) được xem quý nhất trong khu rừng sinh thái này, giá bán hiện tính bằng ký; còn cà chít, căm xe (nhóm 2B) cũng trên 10 triệu đồng/m3. “Ra khỏi rừng, giá gỗ hương tới 20.000 đồng/kg; mỗi ngày chỉ cần cõng khoảng 50 kg gỗ hương là thu nhập gần 1 triệu đồng nên không ít người liều mình vào đây khai thác trái phép”, anh Y.B nhận xét.

Theo anh Y.B, thường thì lực lượng chức năng địa phương đi kiểm tra rừng nhưng khó bắt quả tang cảnh lâm tặc chặt hạ gỗ, bởi đã có người đóng vai chăn bò, hái măng, cảnh giới từ ngoài bìa rừng, dùng điện thoại di động báo động cho người bên trong tẩu thoát. Có vô số ngả vào ra khu rừng này nên việc chốt chặn lâm tặc cũng khá khó khăn. Nhờ có cảnh báo sớm, lâm tặc dễ rời khỏi hiện trường, chờ khi lực lượng chức năng rút đi để tiếp tục tẩu tán, vận chuyển số gỗ đã chặt hạ…

Sẽ thu hồi khu rừng

Rừng sinh thái trên có diện tích 1.336 ha, được giao cho Khu du lịch sinh thái - văn hóa Bản Đôn thuộc Công ty TNHH MTV cao su Đắk Lắk khai thác du lịch từ năm 2005. Năm 2013, Công ty TNHH MTV cao su Đắk Lắk thành lập Công ty CP thương mại - du lịch Bản Đôn để quản lý khu du lịch và khu rừng sinh thái này. Theo ông Y Thông Khăm, Chủ tịch UBND xã Krông Na, nạn khai thác trái phép ở khu rừng sinh thái diễn ra khá phức tạp do đơn vị làm du lịch không đủ sức bảo vệ rừng. Hai năm gần đây, lực lượng chức năng địa phương đã phát hiện,  bắt giữ 13 vụ vi phạm lâm luật trong khu vực nhưng chỉ mới có 1 vụ xử lý hình sự.

Ông Bùi Văn Khang, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H.Buôn Đôn, cho biết nhờ tăng cường tuần tra, xử lý của lực lượng liên ngành của huyện nên gần đây tình trạng xâm phạm tài nguyên khu rừng sinh thái có giảm nhưng vẫn chưa thể ngăn chặn triệt để. Giữa tháng 10, lực lượng liên ngành đã bắt giữ 5 xe máy độ chế đang chở gỗ. Theo ông Khang, việc giao rừng cho cho doanh nghiệp du lịch trên bộc lộ những bất cập, do đơn vị làm ăn khó khăn nên bỏ bê việc quản lý, bảo vệ rừng.

Trả lời PV Thanh Niên, ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Đắk Lắk, cho rằng trách nhiệm chính để tình trạng tàn phá, khai thác trái phép rừng sinh thái thuộc về Công ty TNHH MTV cao su Đắk Lắk, bởi đơn vị này nhận giao rừng ngay từ đầu và đến nay chưa có thủ tục giao lại rừng cho Công ty CP thương mại - du lịch Bản Đôn được Nhà nước công nhận. “Mới đây, tỉnh đã họp các sở, ngành liên quan đánh giá về tình hình quản lý, bảo vệ ở khu rừng này. Chi cục Lâm nghiệp đã đề xuất sắp tới thu hồi toàn bộ diện tích rừng, cắt 200 ha giao cho Trung tâm Bảo tồn voi; còn lại xem xét có thể giao lại một phần cho Công ty CP thương mại - du lịch Bản Đôn, nếu đơn vị này có phương án khai thác, bảo vệ rừng hiệu quả”, ông Hưng cho biết.

Trung Chuyên

>> Phá rừng gỗ quý
>> Lãnh án vì phá rừng phòng hộ
>> Để xảy ra phá rừng, 3 chủ tịch huyện bị phê bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.