Lãnh đạo ngân hàng tranh luận nảy lửa về nợ xấu

31/10/2014 12:50 GMT+7

(TNO) Trước phiên thảo luận tại Hội trường Quốc hội về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng (ngày 1.11), lãnh đạo các ngân hàng lớn đã tranh luận nảy lửa về thực hư nợ xấu.

>> VAMC không thể ‘xử’ được hết nợ xấu
>> VAMC bán và thu hồi khoảng 1.500 tỉ đồng nợ xấu

Nợ xấu sẽ được mổ sẻ trong phiên thảo luận ngày mai tại
Nợ xấu sẽ được mổ xẻ trong phiên thảo luận ngày mai (1.11) tại Quốc hội - Ảnh minh họa: Ngọc Thắng

VAMC - 'món hàng' kẻ chê, người khen

Được thành lập với vốn điều lệ 500 tỉ đồng, Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) hiện mua được khoảng 90.000 tỉ đồng nợ xấu, nhưng bán ra mới chỉ nhỏ giọt được hơn 4.000 tỉ đồng. Thực trạng này khiến VAMC trở thành tâm điểm tranh luận nảy lửa của các sếp ngân hàng (NH). 

 

“10 đồng trước kia, bán ra chỉ thu được 3, 4. Trong khi nếu để 5 năm sau giá nó sẽ khác, vì chủ yếu tài sản bất động nên chỉ có 'thơm' lên thôi...”

Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch HĐQT LienVietPostBank

ĐB Phạm Huy Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT VietinBank) tại phiên thảo luận tổ về kinh tế - xã hội, đã ví nợ xấu mà VAMC mua về như đống tài sản giam lỏng trong kho, 5 năm sau khi mở ra có thể sẽ “bốc mùi” và chắc chắn càng ngày càng xấu đi.

Tuy nhiên, Phó chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, ông Nguyễn Đức Hưởng, khi trao đổi với PV Thanh Niên Online lại có cách nghĩ khác. Theo ông Hưởng, VAMC bề ngoài như một cái kho đang “nhốt” nợ, tuy nhiên không thể nói nó sẽ "bốc mùi". Vì thực tế, tất cả tài sản nằm trong kho phần lớn là bất động sản, nếu bán ngay trong lúc thị trường xấu như hiện tại chắc chắn bị lỗ.

“10 đồng trước kia, bán ra chỉ thu được 3, 4. Trong khi nếu để 5 năm sau giá nó sẽ khác, vì chủ yếu tài sản bất động nên chỉ có 'thơm' lên thôi...”, ông Hưởng bày tỏ.

Trong khi đó Chủ tịch đương nhiệm HĐQT VietinBank Nguyễn Văn Thắng cho rằng nợ xấu để tại các NH sẽ càng nghiêm trọng, khi NH phải trích lập dự phòng rủi ro tăng lên. Còn để tại VAMC sẽ được giảm áp lực, thay vì trích lập 100% giá trị nợ xấu thì được giãn ra trong 5 năm mỗi năm 20% giá trị. “5 năm sau nợ được trích lập đầy đủ, tài sản quay lại các NH được tăng thêm thu nhập thì không thể đó là nợ xấu được”, ông Thắng nói.

Có nên tổng kiểm toán toàn diện nợ xấu?

Tiếp tục mổ xẻ về số liệu nợ xấu, nguyên Chủ tịch VietinBank Phạm Huy Hùng phát biểu: “Ngân hàng Nhà nước (NHNN) báo cáo đã xử lý được 53,6% tổng số nợ xấu, khoảng 160.000 tỉ đồng từ 2012 đến nay. Lại có báo cáo khác nếu xử lý được 183.000 tỉ đồng. Tôi cho rằng số liệu này chưa chính xác”. ĐB Phạm Huy Hùng cũng không tin tưởng con số nợ xấu chiếm 3,7% tổng dư nợ nên đề nghị Quốc hội cần kiểm toán toàn diện hệ thống NH.


Có cần tổng kiểm toán nợ xấu trong hệ thống ngân hàng? - Ảnh minh họa: Ngọc Thắng

 
Đại biểu Phạm Huy Hùng, nguyên Chủ tịch HĐQT Vietinbank, cho rằng nợ xấu mà VAMC mua về như đống tài sản giam lỏng trong kho, 5 năm sau khi mở ra có thể sẽ “bốc mùi” và chắc chắn càng ngày càng xấu đi

Trao đổi với Thanh Niên Online ông Phạm Quang Dũng, Phó tổng giám đốc Vietcombank, lưu ý tất cả số liệu nợ xấu vừa qua đều được công bố công khai thông qua kiểm toán, thanh tra giám sát của NHNN. Nếu không tin thì cũng khó có con số nào khác để làm căn cứ.

Riêng về độ “vênh” số liệu, khi các NH báo cáo nợ xấu chiếm 3,8% còn NHNN đánh giá 5,43% tổng dư nợ, ông Dũng cho rằng sự khác nhau là do việc cập nhật thông tin ở mỗi NH và toàn hệ thống khác nhau. NHNN có thông tin tổng thể toàn hệ thống mà NH không có được nên con số thường sẽ cao hơn. Ví dụ, một doanh nghiệp có khoản nợ ở Vietcombank đánh giá xấu, ở NH khác đánh giá tốt nhưng NHNN sẽ đánh giá tất cả các khoản nợ đó sẽ là xấu theo phân loại ở Vietcombank.

Về đề nghị muốn kiểm toán toàn diện nợ xấu, ông Dũng nói: “Hiện nay tất cả các tổ chức tín dụng năm nào cũng đều được kiểm toán độc lập cả. Trên cơ sở quản lý nhà nước về phân loại nợ, trích lập dự phòng, người ta không thể kiểm toán theo chuẩn mực khác mà chỉ cho ra một con số thôi. Tất cả đều kiểm toán rồi thì hà cớ gì mà kiểm toán nữa”.

Ông Nguyễn Đức Hưởng băn khoăn: “NH năm nào cũng kiểm toán, và 3 năm thay kiểm toán một lần theo quy định. Hơn nữa, đối với kiểm toán quốc tế họ không bao giờ giấu số liệu, dù làm lấy tiền lấy phí nhưng họ phải rất chuẩn mực để bảo vệ thương hiệu. Nếu không tin kiểm toán nữa thì không có cơ sở nào để mà tin. Vậy ai sẽ kiểm toán đây? Tôi nghĩ chắc ông Hùng nói vui thôi chứ không nói thật như thế được". 

 Anh Vũ

>> Giam lỏng' nợ xấu
>> Kiểm soát chặt nợ công, kéo giảm nợ xấu
>> Nợ xấu cản trở kinh tế phục hồi
>> Ngân hàng đang 'ôm' 162,2 ngàn tỉ đồng nợ xấu
>> Kiến nghị ban hành luật về nợ xấu
>> Không được trực tiếp dùng tiền ngân sách xử lý nợ xấu
>> Cần 'tiền tươi' để giải quyết nợ xấu
>> Nới tín chấp, coi chừng nợ xấu   

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.